'Nữ hoàng đại dương' Sylvia Earle: U90 vẫn miệt mài bảo vệ môi trường dưới nước
Người phụ nữ ấy đã dành cả cuộc đời mình để khám phá và bảo vệ cuộc sống dưới đáy biển sâu.
Mặc dù gần 90 tuổi nhưng bà Sylvia Earle không có kế hoạch nghỉ hưu. Nhà hải dương học nổi tiếng đã dành hơn 7 thập kỷ để khám phá đại dương. Là một trong những người luôn lên tiếng ủng hộ nhiều nhất về vấn đề bảo vệ môi trường dưới nước, bà Sylvia Earle chưa bao giờ có ý định dừng lại.
Tình yêu bất diệt
"Tôi vẫn còn đang thở tại sao tôi phải ngừng lại tình yêu của đời mình?", nhà hải dương học nói với CNN từ khu vườn nhỏ xinh của bà ở Dunedin, Florida (Mỹ). Một ngày trước đó, bà Earle ra biển với bộ đồ lặn quen thuộc để tiếp tục thỏa mãn trí tò mò của mình đi khám phá đại dương.
Bà đã biết bơi khi chỉ mới là một đứa trẻ và chưa bao giờ bà cảm thấy chán ngán với niềm đam mê này. Nhà hải dương học cho biết: "Mỗi khi xuống nước, tôi nhìn thấy những thứ mà tôi chưa từng thấy trước đây".
Bà Sylvia Earle là người nhìn thấy và hiểu rõ nhất những vết đau mà các vùng biển, đại dương đang phải chịu đựng do tác động của con người. Bà Earle đã chứng kiến nhiều khu vực biển bị vùi lấp để nhường chỗ cho các dự án. Bà cũng đã nhìn thấy những tác động tiêu cực của vụ tràn dầu Deepwater Horizon năm 2010 gây ra cho vịnh Mexico.
Và bà cũng phải đón nhận tin đau lòng về việc loài hải cẩu Caribe nổi tiếng chính thức bị tuyệt chủng vào năm 2008. Chúng từng xuất hiện rất nhiều trên bãi biển của Florida nhưng giờ thì không còn nữa.
"Nó không còn giống như thiên đường mà tôi từng biết. Chúng ta cần cho tự nhiên nghỉ ngơi, giảm bớt mọi áp lực lên chúng", nhà hải dương học nhận định.
Bà đã khởi động chiến dịch bảo tồn toàn cầu mang tên Earle's Mission Blue với nhiệm vụ chính là hỗ trợ nghiên cứu và phục hồi đại dương. Chiến dịch này đã chỉ ra hơn 140 "Hope Spots" (là những khu vực sinh thái độc đáo của đại dương được chỉ định cần phải bảo vệ) trên toàn thế giới.
"Một đại dương trong lành cần bắt đầu từ nhận thức", bà Earle nói về hành trình không biết mệt mỏi của mình để bảo vệ biển cả. Bà đã đi khắp thế giới, phát biểu tại các trường học hoặc đại hội đồng Liên hợp quốc, chia sẻ những câu chuyện của mình về đại dương và kêu gọi hành động bảo tồn.
Nữ hoàng đại dương
Chính những hoạt động đầy ý nghĩa ấy mà bà Earle được gọi là "Nữ hoàng đại dương". Bà đã mở rộng cánh cửa cho phụ nữ bước vào trong lĩnh vực khoa học đại dương. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên tại Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ NOAA vào năm 1990 và đi tiên phong trong việc sử dụng tàu lặn để khám phá đại dương sâu thẳm.
Nhà hải dương học luôn hy vọng rằng sau mỗi chuyến lặn sâu dưới đáy biển, bà có thể giúp con người hiểu được giá trị cuộc sống dưới nước và thuyết phục họ đối xử với đại dương theo một cách khác.
Mục tiêu lớn nhất của bà là chế tạo các tàu lặn mới giúp người bình thường có thể tiếp cận trực tiếp với đại dương sâu thẳm. Liz Taylor, con gái của bà Earle hiện là chủ tịch kiêm CEO của DOER Marine, một công ty do chính nhà hải dương học thành lập vào năm 1992 để chuyên về chế tạo tàu lặn.
"Mẹ tôi muốn thu hút các cá nhân từ khắp nơi trên thế giới và để họ có được trải nghiệm thực sự với đại dương", Taylor chia sẻ.
Taylor cũng đồng ý với mẹ mình rằng du lịch dưới biển sâu sẽ giúp con người thay đổi thái độ: "Khi bạn thực sự cảm thấy mình là một phần của đại dương, bạn sẽ vô cùng thích thú và chỉ muốn đắm mình trong đó".
Taylor cũng tiết lộ rằng sự đồng cảm với các sinh vật dưới biển đã ăn sâu trong cô cùng các anh chị em ngay từ khi còn nhỏ. Chính bà Earle đã luôn dạy các con những hiểu biết sâu sắc về "sự mong manh của cuộc sống".
Có thể điều này xuất phát từ việc gia đình bà Earle đã trải qua biến cố đau lòng trong quá khứ. Trước khi Earle được sinh ra, cha mẹ bà đã mất 4 người con, một người bị tai nạn xe hơi, người thứ hai bị nhiễm trùng tai và một cặp song sinh bị sinh non.
"Quan điểm của mẹ tôi là cần cứu các sinh vật vì chúng xứng đáng được sống", Taylor chia sẻ thêm.
Dành cả cuộc đời để phục vụ biển cả, nhà hải dương học cho hay: "Theo một cách nào đó, tôi có thể hiểu được những điều khủng khiếp chúng ta đã gây ra cho nước, cho không khí, cho đất và chắc chắn cho cuộc sống dưới biển… bởi vì chúng ta không có sự hiểu biết. Nhưng ngày nay chúng ta đã được trang bị rất nhiều kiến thức và đã đến lúc mọi người cần phải hành động rồi".
Nguồn: CNN