Nữ giảng viên đảm đang trồng gần trăm cây su hào củ siêu to trên sân thượng 40m² ở Hà Nội
Tận dụng từng centimet không gian trên sân thượng, chị Thanh Huyền đã tạo nên khu vườn đặc biệt với rất nhiều loại rau quả, trong đó nổi trội nhất với gần trăm cây su hào tươi tốt, củ mập mạp đang đến thời điểm thu hoạch.
Là giảng viên học viện phụ nữ, chị Thanh Huyền cho biết, trồng rau trên sân thượng chưa bao giờ là dễ dàng bởi để có được thành quả như hiện tại, chị đã khá vất vả trong thời gian đầu tạo lập khu vườn. Tuy nhiên, vì đam mê cây cỏ, và đặc biệt là mong muốn có được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, chị cố gắng trồng thật nhiều rau, nhiều cây trái. Khi diện tích sân vườn hạn chế, chị Huyền tìm mọi cách bố trí để có thể trồng được nhiều nhất các loại rau củ, đảm bảo sự đa dạng cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Chị Thanh Huyền hiện là giảng viên Học viện Phụ nữ.
Với rau vụ đông, chị Thanh Huyền cũng như mọi người đều rất thích ăn su hào. Vì vậy, chị đã mua cây giống về trộn đất để trồng. Bất kỳ ai khi lên sân thượng của gia đình chị đều rất ngạc nhiên, bởi khu vườn rộng 40m2 ấy có rất nhiều loại rau sạch như bắp cải, súp lơ, rau cải, rau ngót, bầu bí... và nhiều nhất là su hào.
Chị Huyền chia sẻ, su hào có chứa nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, và có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như acid folic, vitamin C, kali, magiê, đồng... nên chị quyết định trồng nhiều loại củ này.
Chị Huyền thường chọn vị trí nhiều ánh sáng để treo các chậu su hào.
Các cây su hào đang đến độ thu hoạch.
1. Trộn đất
Đất trồng su hào được chị trộn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng gồm đất phù sa, phân vi sinh, phân bò, tribat. Ngoài ra chị còn ủ phân xanh bằng các loại gốc, rễ, vỏ củ quả để làm phân bón cho cây trong giai đoạn cây sinh trưởng và phát triển.
2. Chọn giống
Để có được những cây su hào khỏe mạnh, phát triển tươi tốt, chị Huyền đã rất kỹ lưỡng trong việc chọn cây giống. Với sân thượng đã trồng sẵn nhiều loại rau quả, chị chọn cách mua các chậu nhựa để trồng từng cây su hào vào chậu. Su hào bánh xe có vỏ mỏng, giòn và thơm hơn các loại su hào khác. Chị Huyền thường chọn những cây mập mạp, khỏe, tươi tắn, lá xanh mượt. Để trồng được nhiều su hào, chị Huyền sử dụng thêm móc treo để treo các chậu trồng lên giàn.
Su hào là cây ưa nắng nên chị chọn những vị trí thoáng, có nhiều ánh sáng tự nhiên để treo. Chị Huyền cũng lưu ý, su hào càng có nhiều nắng, nhiều ánh sáng và hấp thụ được nhiều sương xuống vào buổi tối thì củ càng to.
Chị thường chú trọng khâu làm đất.
Trong đất có sẵn chất dinh dưỡng.
Củ su hào bánh xe khá mập mạp.
3. Chăm sóc và thu hoạch
Sau khi cây con đã bén rễ vào đất, chị Thanh Huyền bắt đầu tưới bổ sung phân đầu trâu. Vì trong đất đã có sẵn chất dinh dưỡng nên chủ yếu tưới nước đều đặn để cây hấp thụ được tối đa chất dinh dưỡng có trong đất. Nếu su hào không được cung cấp đủ nước, cây sẽ còi cọc và củ sẽ bé, già nhanh.
Chị Huyền chia sẻ, trồng su hào trên sân thượng chị ít khi gặp sâu. Chị làm đất khá kỹ, ủ đất cẩn thận trước khi trồng nên hạn chế sâu bệnh. Buổi tối chị tranh thủ vạch lá tìm sâu nên nếu thấy xuất hiện sâu bệnh, chị bắt trực tiếp để ngăn ngừa sâu sinh sôi, nảy nở.
Su hào trồng khoảng 1,5 tháng sẽ cho thu hoạch.
Những chậu treo thẳng hàng, đẹp mắt.
Ngoài su hào, chị Huyền còn trồng các loại rau vụ đông như bắp cải, súp lơ và một số loại rau cải khác...