Nữ giám đốc thu triệu đô từ trang trại nuôi côn trùng

Theo Pháp luật,
Chia sẻ

Khách phát hoảng trước những chiếc thùng xốp, thùng gỗ chứa đầy rết, dế, bọ cạp, bọ xít, tắc kè… nhưng đó là nguồn thu nhập "khủng" của chị Thanh Xuân (Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội).

10 năm “vật lộn” với nghề

Bắt tay vào nuôi côn trùng từ năm 2004, ban đầu hai vợ chồng chị Xuân cũng chỉ định kiếm một kế sinh nhai qua ngày. Nhưng không ngờ sau một thời gian nuôi, thấy thị trường côn trùng khá dễ tiêu thụ và đem lại thu nhập cao, gia đình chị Xuân đã quyết tâm đầu tư lớn, nhập thêm nhiều loại giống từ miền Nam, sản phẩm xuất khẩu sang cả châu Âu.

Trong quá trình nuôi, chị Xuân đã học hỏi được cách nuôi sinh sản và bán giống cho bà con, hướng dẫn cho họ cụ thể cách thức nuôi như thế nào, cách cho ăn, chăm sóc, cách thu hoạch… Cũng từ đó, trang trại nuôi côn trùng của chị là trang trại duy nhất nuôi sinh sản côn trùng ở miền Bắc tại thời điểm lúc bấy giờ.

Nữ giám đốc thu triệu đô từ trang trại nuôi côn trùng 1
Chị Xuân cùng với một vị khách người nước ngoài.

Chị Xuân cho biết: “Nuôi côn trùng không tốn nhiều công sức và thời gian. Tuy nhiên, lúc mới nuôi, gia đình cũng gặp vô vàn khó khăn. Ngày đầu, do sử dụng phương pháp cũ, cho côn trùng uống nước, rồi nuôi bằng xô chậu, thùng nhựa nên chúng chết rất nhiều, số sống sót chẳng còn là bao. Hơn nữa, khí hậu miền Bắc khắc nghiệt hơn so với miền Nam. Trong Nam trời nắng, ngoài này lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi cũng làm cho số côn trùng giống được mang về hao hụt một nửa”.

Trong trang trại của chị Xuân có vài nhân công chuyên cho côn trùng ăn và thiết kế không gian thùng nuôi. Khâu thiết kế thùng nuôi côn trùng phải thật cẩn thận: nắp đậy phải thế nào, bóng đèn để thế nào cho tự nhiên, cành lá được cho vào như thế nào để đảm bảo nhiệt độ cho côn trùng sống và đẻ trứng… Côn trùng từ 1-15 ngày tuổi được nuôi trong thùng xốp có khoét lỗ, miệng dán băng dính. Khi lớn sẽ chuyển sang thùng gỗ. Mỗi thùng gỗ có chiều dài 2m, rộng 1m2, có thể nuôi được trên 10kg/thùng.

Chị Thu – một nhân công trong trang trại kể: “Chăm sóc côn trùng phải là người có kinh nghiệm. Phải làm quen với tập tính của từng loại côn trùng, nếu không rất nguy hiểm khi tiếp xúc với chúng. Nhiều lần cho bọ cạp ăn mà quên không đeo găng tay dày, tôi bị chúng đốt sưng hết hai tay. Hay nhiều khi mở cửa chuồng tắc kè, do không để ý, một số con nhảy vọt ra cắn luôn vào trán gây chảy máu tức thì vì răng tắc kè sắc lắm”.

Khó khăn chồng chất nhưng gia đình chị Xuân đều cố gắng vượt qua, quyết không bỏ nghề giữa chừng. Chị vui vẻ nói: nghề này phải kiên trì và có tâm huyết. Thế nên, trang trại của chị vẫn hoạt động và mang lại công ăn việc làm cho không ít hộ dân khắp cả ba miền.

“Đến ngày hái quả”

Hiện nay, chị có hai trang trại lớn, một ở Hà Nội, một ở Nam Định. Trang trại nuôi côn trùng ở Nam Định rộng mấy trăm mét vuông, nuôi đủ các loại côn trùng với số lượng rất lớn. Ngoài 3 loại dế mèn, tắc kè, bọ cạp, còn có thêm bọ xít, trứng kiến, ve sầu, ấu trùng bướm… Ngoài công việc nuôi, bán giống, chị còn thu mua đầu ra sản phẩm cho bà con. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các quán nhậu, nhà hàng, khách sạn hoặc cung cấp cho giới nuôi chim cảnh, cá cảnh, gà chọi hay người dân mua lẻ về ngâm rượu, làm món ăn… Không những xuất trong nước mà trang trại của chị còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các nước như: Trung Quốc, Nga, Lào, Thái Lan, Campuchia, Ai Cập, mới đây nhất còn xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Chị Xuân bật mí, dế và tắc kè là hai mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường. Chủ yếu là dế trắng vàng và dế đen bởi loại dế này nuôi rất dễ, cho thu hoạch nhanh, chỉ trong vòng 26 – 30 ngày là có thể xuất được. Một tháng gia đình chị bán ra thị trường gần 2 tấn dế, thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Là người mua lại con giống, bác Xoan không ngần ngại chia sẻ: “Mua giống tại trang trại lớn và có kinh nghiệm lâu năm, người ta vừa hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng – chữa bệnh, vừa thu mua đầu ra cho mình. Tôi mua giống của chị Xuân quen rồi nên năm nào cũng đến đây lấy. Mình lấy nhiều thì chị ấy càng được thu mua nhiều, đạt doanh thu cao nên cũng giảm chi phí cho mình một ít khi lấy giống”.

Trang trại của chị Xuân không lúc nào vắng người. Điện thoại trên tay chị reo liên tục vì đơn đặt hàng. Con giống cũng như sản phẩm được gia đình chị cung cấp đến khắp nơi, dùng cả chuyển phát nhanh khi khách hàng cần gấp. Tuy nhiên, chị cũng khuyến cáo bà con khi mua thì nên nhìn tận mắt, chạm tận tay, không nên nhìn qua tranh ảnh, quảng cáo… vì hiện nay nhiều cơ sở mua bán côn trùng mọc lên rất nhiều và làm giả sản phẩm cũng rất nhiều.

Chào tạm biệt bà chủ cùng đàn côn trùng tưởng gớm ghiếc mà đáng giá, trong lòng cứ vẩn vơ mà thấm thía câu nói nổi tiếng của ai đó rằng “cuộc sống thật rộng lớn và có nhiều việc phải làm”. Khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có nhiều cảnh cửa khác sẽ mở ra. Nếu người ta năng động và luôn tìm tòi các cơ hội, thì sẽ có biết bao cách thức làm giàu chính đáng.

Chia sẻ