Nữ diễn viên đình đám bật mí 4 mẹo nuôi dạy con, xứng đáng là bà mẹ đảm đang bậc nhất Hollywood
Những phương pháp giáo dục con cái của cô được nhiều bà mẹ trên khắp thế giới đồng tình.
Mayim Bialik (SN 1975), là một nữ diễn viên, người dẫn chương trình, Tiến sĩ Thần kinh học nổi tiếng người Mỹ. Tại Việt Nam, cô được biết đến nhiều nhất qua vai Amy trong bộ sitcom đình đám "The Big Bang Theory". Vai diễn này từng giúp cô được đề cử giải Emmy cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong loạt phim hài. Ngoài ra, vai diễn có sự tương đồng lớn với Mayim ngoài đời khi cả trong phim và ngoài đời, cô đều có thành tích học tập cực khủng.
Ngoài vai diễn trên Mayim Bialik còn tham gia hàng chục bộ phim truyền hình khác. Nhờ chăm chỉ hoạt động nghệ thuật, cô sở hữu khối tài sản kếch xù, trở thành một trong những nữ diễn viên Hollywood giàu có hàng đầu.
Mayim Bialik kết hôn với chồng là Michael Stone, nhưng đã ly hôn. Cả hai có với nhau 2 người con trai chung là Miles và Frederick. Sau ly hôn, nữ diễn viên trực tiếp nuôi dạy các con. Cô có những phương pháp giáo dục khoa học, hợp lý giúp các con phát triển toàn diện, được nhiều bà mẹ tham khảo và áp dụng.
1. Luôn hướng con suy nghĩ lạc quan, tích cực
Trong cuộc đời, không ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có những thế mạnh và nhược điểm riêng. Và ai cũng sẽ gặp thất bại, vấp ngã để rút ra cho mình bài học kinh nghiệm, trưởng thành hơn trong tương lai. Thấu hiểu điều đó, Mayim Bialik luôn dạy các con phải duy trì sự lạc quan trong cuộc sống, dám đối diện với mọi khó khăn bởi cuộc sống là vô thường, sẽ luôn có những chuyện phát sinh không theo dự kiến.
Mayim Bialik cho rằng thời điểm khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, sự tiêu cực không thể bủa vây mãi, chỉ cần chúng ta suy nghĩ tích cực và luôn luôn mỉm cười. Thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, sự lạc quan có ý nghĩa và giá trị đối với một đứa trẻ hơn là sự thành công. Những đứa trẻ lạc quan thường có nhiều khả năng thành công hơn, có sự sáng tạo đột phá trong cuộc sống.
2. Hạn chế cho con sử dụng các thiết bị công nghệ
Công việc của nữ diễn viên Mayim Bialik vô cùng bận rộn. Hàng ngày, cô phải xử lý nhiều việc qua điện thoại và máy tính. Ngoài thời gian xử lý công việc, cô sẽ không đụng đến các thiết bị điện tử để làm gương cho con học tập.
Các thiết bị như ti vi, điện thoại, máy tính bảng trong nhà Mayim Bialik đều hạn chế truy cập vào Internet. Và con của cô chỉ được sử dụng thiết bị công nghệ trong khoảng thời gian quy định. Mayim Bialik không muốn con bị công nghệ chi phối bởi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tư duy, tâm lý. Thay vào đó, cô thường hướng con đến việc đọc sách để bồi dưỡng tri thức.
3. Nuôi dưỡng sự gắn bó mật thiết với con
Ngày nay, nhiều phụ huynh cố gắng hình thành sự tự lập cho con ngay từ nhỏ như: Để con ngủ riêng, không giúp con làm những việc vệ sinh cá nhân thông thường, hạn chế ôm ấp, vuốt ve con… Dạy con tự lập là tốt nhưng nếu không có phương pháp đúng đắn sẽ khiến đứa trẻ ngày càng xa cách cha mẹ, mất đi tình cảm gần gũi, gắn bó.
Thấu hiểu điều đó, Mayim Bialik từng bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ phụ huynh nào cũng có chút hoang mang khi trở thành cha mẹ và luôn cố gắng tìm ra cách dạy con tốt nhất. Cha mẹ nào cũng mong con mình tự lập, có khả năng tự làm mọi việc. Nhưng tôi thấy nhiều nghiên cứu khoa học ủng hộ việc cha mẹ giữ con cái ở bên cạnh để nuôi dưỡng sự gắn bó mật thiết. Nhờ đó, những đứa trẻ sẽ gần gũi với cha mẹ hơn và sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện đang gặp phải".
4. Hướng dẫn con nói "cảm ơn" và "xin lỗi"
Mayim Bialik chú trọng hướng dẫn con sử dụng 2 cụm từ "cảm ơn" và "xin lỗi" để tạo nên những đứa trẻ có phong cách nói chuyện lịch sự, chững chạc. Cô luôn nhẹ nhàng hướng dẫn cho con trường hợp nào cần "cảm ơn", khi nào phải "xin lỗi" để con hiểu ý nghĩa 2 cụm từ này. Mayim Bialik không thúc ép, bắt buộc con thốt nên bởi sẽ làm mất đi sự chân thành.
Mayim Bialik cho rằng, "cảm ơn" và "xin lỗi" là 2 cụm từ quan trọng hàng đầu trong giao tiếp hàng ngày. Việc hướng dẫn trẻ nói thường xuyên là cách gián tiếp dạy trẻ tôn trọng, quan tâm đến người khác. "Cảm ơn" và "xin lỗi" không đơn giản chỉ là lời nói cần dạy trẻ mà đây còn là nền tảng xây dựng nhân cách trong tương lai.