Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Nữ đại úy có tài đưa phạm nhân ra đầu thú

Đặng Tuyền,
Chia sẻ

Trước khi ra đầu thú, gia đình các đối tượng coi chị như người đẩy con em họ vào bước đường cùng. Nhưng sau đó, họ lại biết ơn chị vì không phải sống chui lủi nữa.

Đối tượng bị truy nã Hoàng Văn Hùng, sinh năm 1990, trú tại xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nói trong sự thanh thản: “Những ngày tháng chưa bị bắt, em đã sống một cuộc đời chui lủi và vô cùng tủi thân khi không được gần vợ, gần con. Nhiều đêm lủi thủi một mình, em đã định ra đầu thú nhưng nỗi ám ảnh về cuộc sống tù tội và những lo lắng về tội lỗi của mình đã khiến em không đủ can đảm ra đầu thú …”.
 
Hùng là một trong nhiều đối tượng đã được đại úy Trần Thị Thùy Linh, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (phòng PC52) vận động ra đầu thú. Trong chuyên án truy bắt Hùng (từ 20/06 – 20/07/2011), chị đã vận động đầu thú và truy bắt được 2 tên tội phạm can tội cố ý gây thương tích nữa.
 
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ về Hoàng Văn Hùng, chị phát hiện trong vụ án do Hùng gây ra còn có 2 đồng bọn khác cũng đang bị Công an Nam Định truy nã. Chỉ cần “tóm” được Hùng, chắc chắn chị sẽ “lôi” thêm được 2 tên đồng bọn của Hùng về chịu án. Việc bắt Hùng được tiến hành một cách khéo léo: một tổ công tác được lệnh lên Lào Cai – nơi đối tượng Hùng đang lẩn trốn và tạo được vỏ bọc an toàn là thợ nhôm kính, bí mật bắt giữ Hùng và đưa ngay về Công an Nam Định.
 


 Tại trụ sở công an, không chất vấn hỏi cung, chị nhẹ nhàng nói chuyện với Hùng, kể cho Hùng nghe về đứa con đầu lòng sắp chào đời của vợ chồng Hùng, về những tháng ngày mang nặng đẻ đau của người vợ trẻ khi thiếu vắng sự chăm sóc, động viên của chồng. Hùng cúi mặt, bật khóc. Chị nhìn thẳng vào mắt Hùng quả quyết: “nếu thành khẩn khai báo, em sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm được đoàn tụ với gia đình”. Kẻ trốn truy nã sắp được làm cha với đôi mắt ướt lộ rõ vẻ khuất phục, khẽ gật đầu.
 
Từ thông tin Hùng cung cấp, chị tiếp tục bắt 2 đối tượng trốn truy nã là Nguyễn Phú Viết, sinh năm 1994, ở xã Nam Toàn (Nam Trực, Nam Định) và Phạm Văn Huy, sinh năm 1980, ở xã Tân Thịnh (Nam Trực, Nam Định).
 
Truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú là một việc đầy gian khó, quyết liệt và nguy hiểm. Trên thực tế, không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú, nhất là khi chúng đã cao chạy xa bay và tạo được vỏ bọc an toàn. Sau nhiều năm lẩn trốn, hình dáng của bọn chúng cũng đã đổi thay, các mối quan hệ cũng đã khác xưa rất nhiều.
 
Chị kể: khó khăn nhất là đối diện với gia đình phạm nhân. Có những chuyên án, chị phải kiên trì giáp mặt với gia đình đối tượng cả chục lần mà vẫn chưa thấy một tín hiệu hợp tác. Những cánh cửa vẫn đóng sập trước bước chân chị. Rồi những lời xua đuổi, miệt thị của gia đình đối tượng “ném” vào chị với ánh mắt hằn học. Đối với gia đình họ, chị là người “rắp tâm” đưa con em họ vào con đường cùng.
 
Theo những đồng đội của chị trong đội trinh sát công an tỉnh Nam Định thì phương pháp vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú là một cách làm hết sức nhân văn, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Nếu không phải là người kiên trì, khéo léo và có tâm thì khó có thể khiến cho đối tượng tỉnh ngộ mà ra đầu thú.
 
Chị thú nhận công việc vất vả thật. Mỗi hồ sơ nhận được, chị đều phải nghiên cứu kỹ từng hoàn cảnh nhân thân, từng quá trình trong cuộc sống của đối tượng. Không bao giờ chị chọn phương án vây bắt ngay mà thường lập kế hoạch vận động đầu thú để đối tượng nhận sự khoan hồng của pháp luật. Hỏi chị bí quyết, chị cười: “chỉ là chiến thuật tình cảm. Con người cư xử với nhau bao giờ cũng bằng tình cảm trước khi lấy pháp luật ra răn đe”.
 
Bắt đầu kế hoạch vận động, chị thường tìm cách tiếp cận với người có uy tín, có ảnh hưởng lớn nhất đến gia đình đối tượng, nhờ họ làm cầu nối để chị tác động đến người thân của đối tượng. Chị kiên trì thuyết phục để người thân của đối tượng hiểu: nếu không ra đầu thú thì trước sau gì đối tượng cũng sẽ bị bắt với những tình tiết tăng nặng, tòa án có thể xử phạt với mức án cao hơn rất nhiều so với khi ra đầu thú.
 

Đại úy Trần thị Thùy Linh đang làm việc với đồng nghiệp.
 
Nhiều đối tượng đã được chị thuyết phục ra đầu thú, nhưng chị nhớ về kỷ niệm khi tiếp cận Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1973, ở xã Nam Thanh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Năm 1987, Tài phạm tội cố ý gây thương tích và bỏ trốn khỏi địa phương. Qua rà soát nhân thân, các mối quan hệ của Tài và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chị phát hiện Tài đang lẩn trốn tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Sau 24 năm lẩn trốn, Tài đã lấy vợ và có 2 con. Quá trình truy tìm Tài, khi chứng kiến cảnh đối tượng này vui vẻ nô đùa cùng các con, chị đã có không ít day dứt.
 
Bắt Nguyễn Văn Tài lúc này không phải là một việc khó nhưng chị muốn vận động Tài ra đầu thú, nhận sự khoan hồng của pháp luật vì những đứa trẻ. Song, sau nhiều năm lẩn trốn, tạo vỏ bọc an toàn, Tài trở thành một con cáo già đối phó với lực lượng công an rất điêu luyện. Chị đã nhiều lần trao đổi với Tài như một người thân, đồng thời vận động gia đình bên vợ Tài giúp Tài ra đầu thú. Tháng 4/2011, Tài trực tiếp liên lạc với chị xin được đầu thú.
 
Những ngày này, chị nhận được một lá thư khiến chị rất vui. Đây là thư hẹn ngày về đầu thú của một đối tượng có quyết định truy nã đang trốn ở nước ngoài. Năm 1993, đối tượng này phạm tội hiếp dâm và bỏ trốn ra nước ngoài, tạo vỏ bọc mới và hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người. Sau 18 năm mai danh ẩn tích, những tưởng có thể xóa đi tội ác, nhưng đối tượng không ngờ ở nơi xứ lạ hắn lại nhận được thư kêu gọi đầu thú. Qua trao đổi, chị đã thức tỉnh được lương tâm của đối tượng. Anh ta quyết định trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
 
Khi nghe câu chuyện truy bắt đối tượng truy nã của chị Linh, tôi hiểu rằng đằng sau mỗi chuyên án còn chất chứa nhiều giá trị nhân văn của tình người.


 

Chia sẻ