Nụ cười hiền hậu của bà ve chai tuổi xế chiều: "70 tuổi bà vẫn khỏe re, giày dép còn có số huống gì con người, quen rồi cháu ơi"
"Giày dép còn có số hết nói chi con người, trời đã xếp đặt rồi thì phải chịu, bà khổ quen rồi. 70 tuổi bà khỏe re, có bệnh tật chi đâu, ngày ngày đi lượm ve chai kiếm gạo nấu cơm là đủ rồi", giọng nói của bà Tuất trầm ấm vang lên trong căn trọ nhỏ, có chút gì đó nghẹn lại nơi cổ họng, xót xa.
Người ta thường bảo, người già sẽ được sống hạnh phúc, sum vầy bên con cháu. Nhưng đâu đó trong cuộc đời này, có những cụ già hàng ngày vẫn lầm lũi cho cuộc sống mưu sinh.
Ở cái tuổi 70, bà Nguyễn Thị Tuất vẫn đều đặn mỗi ngày lang thang khắp các con hẻm nhỏ trong làng Đại học Quốc gia TP.HCM để lượm những vỏ chai, góp nhặt từng đồng để trang trải cơm ngày ba bữa.
70 tuổi, bà Tuất vẫn luôn giữ nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dù cuộc sống hàng ngày còn lắm vất vả, khó khăn.
Để lo được cơm ngày ba bữa, bà phải đi lượm ve chai ở làng đại học.
Hình ảnh một bà cụ lom khom, dáng người nhỏ nhắn đã trở nên quen thuộc với những người dân nơi đây.
Dù có nhiều con nhưng vì hoàn cảnh của ai cũng khó khăn nên không phụ giúp được gì. Nở một nụ cười hiền hậu, bà nói: "Bà vào đây cũng được 4 năm rồi, ông ở nhà thì già yếu, ở quê cũng chỉ làm ruộng chứ có làm gì nữa đâu. Bà vào kiếm chút tiền mà lo cho ông, cho mấy đứa cháu của bà. Từ nhỏ khổ cực quen rồi, có gì đâu".
Mỗi ngày, công việc của bà Tuất bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng đến tối muộn, khi chợ đêm đã kết thúc. Dù công việc vất vả, nắng mưa thất thường nhưng bà không dám ngơi nghỉ vì bà sợ bữa cơm chiều sẽ chẳng đủ no.
Công việc vất vả bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tối mịt.
Từng bước chân của bà Tuất đi lang thang khắp làng đại học để mưu sinh.
Khó nhọc là vậy, nhưng gặp bà Tuất, lắng nghe câu chuyện của bà mới cảm nhận hết được sự lạc quan, bà cười giòn tan nói: "Bà đi lượm ve chai như thế này, chợ tan mà còn ở là họ nhốt lại luôn đó. Có hôm mấy đứa sinh viên thấy bà đi qua là chạy vội ra cho ve chai, thương lắm".
Nắm chặt đôi bàn tay, bà Tuân vừa cười, vừa nói nhưng giọng có vẻ nghẹn lại: "Giày dép còn có số hết nói chi con người, trời đã xếp đặt rồi thì phải chịu chỉ có đến khi chết mới hết khổ. Bà chả nghĩ gì bà cứ làm, ngày được một lon gạo để nấu mà ăn là đủ rồi".
Khoảng 4-5 ngày là bà gom đống ve chai bà nhặt được trong bao rồi đem đi bán được khoảng 100 ngàn để mua gạo và mì tôm.
Đôi lúc, bà Tuất buồn bã khi nghĩ đến quê hương.
Đã 4 năm rồi, bà phải tha hương để lo cho gia đình, chưa được về thăm quê.
Bà chia sẻ: "Nhiều lúc bà đi nhặt cũng được người ta thương người ta cho nhặt, ai mà lớn tiếng thì bà lùi xuống bà đi thôi, chỉ có sinh viên nhiều khi có vài cái chai nó cho, có khi cho năm ba chục, chứ bà cũng chẳng có gì. Nhìn thấy cảnh con mình khó khăn vất vả nên bà cũng không muốn dựa vào con cái, bà cứ tự sống lấy, kiếm được cái gì ăn cái đó chứ bà cũng chưa phụ thuộc vào đứa nào hết".
Điều đặc biệt ở bà Tuất là dù có khó khăn đến mấy, lúc nào bà cũng lạc quan, luôn nghĩ về những điều tích cực. Bà không bao giờ để con cái phải lo lắng hay phiền muộn về "cái thân già của bà". "Bà chả bao giờ cãi với ai hết, mình sống phần mình, cứ vui vẻ mà sống, cái số khổ thì khổ rồi, chịu đựng mấy năm nữa thôi", bà Tuất nói.
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, bà khâu lại tấm bao để đi nhặt ve chai.
Công việc dẫu vất vả nhưng chưa bao giờ bà Tuất than phiền với con cái.
Tuổi già sức yếu của bà biểu hiện rõ trên từng bước đi, giọng bà nghẹn lại: "Từ nhỏ đến giờ bà không có bệnh, có hôm bữa là bà đau đầu lắm bà đi khám rồi mua vài viên thuốc uống cho qua thôi, bác sĩ chẳng nói gì hết trơn. Bà đau đầu uống thuốc rồi lại khỏi à, mới đây bà mới đi khám bác sĩ nói bà bị huyết áp cao. Bà sợ một mai già yếu, bà không đi làm được nữa lại khổ con, khổ cháu".
"Bữa nào bà mua được thức ăn thì ăn, còn không được thì bà ăn canh, ăn rau. Đến tuổi này rồi, bà chẳng có mong ước gì hay nghĩ cho bản thân mình, vì có tiền trong tay cái gì cũng ước hết, nhưng mà không có tiền thì nói ra người ta cười cho. Bà chỉ mong đừng có bệnh tật chứ bà không mơ mộng cái gì cả, kệ sống tới đâu thì sống", bà Tuất vừa cười vừa nói.
Bà chỉ sợ thời gian, bà già yếu rồi ngã bệnh sẽ lại phiền đến con cháu.
Chiếc điện thoại cũ là phương tiện duy nhất bà có thể liên lạc cho gia đình.
Mấy năm ròng rã ở Sài Gòn, bà Tuất chưa một lần về quê, câu nói xót xa từ bà khi nhắc đến quê khiến ai nghe cũng rưng rưng nước mắt: "Năm nào đến Tết bà cũng đắn đo xem có về quê hay không mà nhìn vào túi, lấy tiền đâu để mua vé tàu ra vô. Thôi thì ở lại trong này, kiếm thêm chút tiền bạc để lo cho con, cho cháu".
Lặng nhìn bà Tuất, dáng hình nhỏ bé dần khuất sau những tòa nhà, len lỏi vào con hẻm nhỏ để đi nhặt ve chai mới thấy cuộc sống vẫn còn đó những cụ già tất bật từng ngày cho cuộc sống mưu sinh. Chỉ mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bà, chúc bà có thật nhiều sức khỏe, luôn giữ mãi nụ cười lạc quan về cuộc sống.
Thương bà và nhớ mãi nụ cười hiền hậu ấy!
Hi vọng bà Tuất được nhiều sức khỏe, luôn mãi lạc quan trong cuộc sống.
Nhìn dáng hình nhỏ nhắn của bà dần khuất sau những dãy nhà mới cảm thấy cuộc sống vẫn còn đó biết bao phận người, ngày đêm chạy vạy để lo cơm ngày 3 bữa.