Nữ cơ phó 25 tuổi: Đằng sau vẻ ngoài ngọt ngào là "tinh thần thép", gạt đi nỗi sợ để chinh phục bầu trời
Cô cũng là một trong những phi công tập sự đầu tiên của Việt Nam được chọn lọc để cử đi huấn luyện ở nước ngoài.
Trở thành tiếp viên hàng không năm 19 tuổi, 3 năm sau trở thành cơ phó người Việt đầu tiên lái máy bay Embraer, Trang Nhung - một cô gái trẻ sở hữu vẻ ngoài ngọt ngào, nhưng ẩn chứa bên trong là một khát khao chinh phục bầu trời, mặc cho nỗi sợ độ cao vẫn luôn hiện hữu.
Thông tin nhân vật:
Họ tên: Hồ Trang Nhung
Năm sinh: 1999
Công việc hiện tại: Cơ phó của một hãng hàng không
Sợ độ cao từ nhỏ nhưng lại có ước mơ được bay lượn
Cùng với đam mê được bay lượn trên bầu trời, Trang Nhung lại có một nỗi sợ luôn tiềm ẩn. Cô sợ độ cao từ bé và luôn tránh đặt chân đến những nơi quá cao. "Từ nhỏ mình đã sợ độ cao, mình nghĩ ai có chung nỗi niềm này đều sẽ hiểu. Cứ đến nơi nào quá cao, hoặc chỉ đơn giản đứng trên tầng thượng của một tòa nhà, mình đã hoa mắt chóng mặt rồi" - Trang Nhung tâm sự.
Quyết tâm trở thành tiếp viên hàng không, đồng nghĩa với việc tự bản thân Trang Nhung phải vượt qua nỗi sợ của mình. Trang Nhung chia sẻ, cô không thể để nỗi sợ ấy chi phối niềm đam mê của mình.
"Ai rồi cũng sẽ rất dễ chán nản với những thứ mình không thích và cảm thấy khó vượt qua, không làm được. Thay vì cứ nghĩ đến nỗi sợ ấy, mình sẽ tập trung vào những điều mình thích để không còn bận tâm quá nhiều đến nỗi sợ. Mình rất thích ngắm mặt trời mọc vào sáng sớm, và thực sự ngắm trong buồng lái thì lại đẹp vô cùng. Mỗi ngày lại cố gắng thêm một chút, đến giờ dù vẫn sự độ cao nhưng khi lên máy bay là nỗi sợ ấy chỉ là một phần rất nhỏ so với những điều mình được ngắm nhìn và cảm nhận trong buồng lái" - Trang Nhung tâm sự.
Nữ cơ phó kể lại, khi còn là học viên theo học đào tạo về tiếp viên hàng không, quy trình tiếp viên mới sẽ được ngồi trong buồng lái một lần duy nhất để nhìn máy bay cất cánh và hạ cánh. Lúc ấy Trang Nhung mới 18 tuổi. "Từ góc nhìn trong buồng lái, bầu trời vào đêm rất đẹp, mình vẫn nhớ như in những hình ảnh ấy đến bây giờ, và có lẽ mình cũng đã yêu nghề từ đấy. Sau 3 năm làm tiếp viên hàng không, mình quyết định theo học phi công để có thể trực tiếp điều khiển máy bay".
Lịch bay liên tục, đã quen với những ngày lễ, Tết "lơ lửng trên trời"
Trong mắt tất cả mọi người, phi công hay tiếp viên hàng không luôn được đặt chân đến khắp nơi trên thế giới, tất cả đều sở hữu ngoại hình ưa nhìn và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Nhưng đằng sau những hào quang ấy, phi công hay tiếp viên hàng không đều phải đánh đổi nhiều thứ mà không phải ai cũng thấu hiểu.
Khác với những công việc theo giờ hành chính, thì tiếp viên hay phi công sẽ có giờ giấc làm việc đặc thù hơn. Trang Nhung chia sẻ: "Lịch trình của phi công và tiếp viên khá bận rộn. Nếu nói về thời gian bay, mình bay khoảng 6 - 7 tiếng/ ngày nhưng thời gian chờ và di chuyển cũng mất thời 4 - 5 tiếng, nên tính ra cũng gần hết ngày" - Trang Nhung chia sẻ.
Nữ cơ phó xinh đẹp cũng tâm sự, 3 năm là tiếp viên hàng không và giờ là cơ phó, cũng có vài lần lịch bay trùng vào ngày lễ Tết, Nhung cũng từng đón giao thừa trên máy bay cùng các đồng nghiệp.
"Hồi mới bắt đầu công việc là tiếp viên, lúc đó mình chỉ khoảng 18 - 19 tuổi, những ngày lễ Tết xa nhà cũng cảm thấy tủi thân và cảm thấy trống trải. Nghĩ đến mọi người được quây quần bên gia đình trong khi mình và đồng nghiệp vẫn đang trong giờ bay, bản thân cũng chạnh lòng một chút. Nhưng giờ mình đã quen với cường độ, gia đình cũng hiểu tính chất công việc nên thông cảm cho mình. Những ngày lễ Tết có lịch bay, với mình đôi khi chỉ cần một dòng tin nhắn trong vài giây, hay một cuộc gọi ngắn ngủi cũng đủ để thể hiện tình cảm đong đầy rồi" - Trang Nhung tâm sự.
Đằng sau vẻ ngoài ngọt ngào
Sở hữu vẻ ngoài ngọt ngào trong trẻo, nhưng Trang Nhung lại thuộc tuýp phụ nữ dám đam mê và chinh phục thử thách, nhất là trong công việc và sự nghiệp của mình. Cô cũng là một trong những phi công tập sự đầu tiên của Việt Nam được chọn lọc để cử đi huấn luyện ở nước ngoài.
Trang Nhung tâm sự về đặc thù công việc của mình, trong buồng lái với hàng trăm nút điều khiển, các phi công phải đảm nhiệm các nhiều công việc cùng lúc như xin lệnh bay; giám sát thông số về độ cao, tốc độ, điều kiện thời tiết…; điều khiển máy bay; liên lạc kiểm soát viên không lưu về các vấn đề phát sinh và đưa ra quyết định trong tình huống khẩn cấp… Vậy nên công việc của một phi công đòi hỏi sự quyết đoán, và độ chính xác tuyệt đối.
"Bạn luôn phải tập trung 100% tinh thần và tâm trí mỗi khi ngồi trong buồng lái, bởi phía sau là hàng trăm, hàng nghìn người. Có những thời khắc không cho phép bạn chần chừ dù chỉ là 1 giây. Căng thẳng đến mấy cũng không được mất bình tĩnh, phải luôn khiến hành khách phía sau tin tưởng và thoải mái nhất trong hành trình bay. Kỹ thuật bay là điều tiên quyết, bên cạnh đó, phi công luôn phải có 'tinh thần thép' trong mọi tình huống" - Trang Nhung chia sẻ.
Vị khách đặc biệt nhất từng tiếp đón
Khi trở thành cơ phó, có một vị khác đặc biệt mà Trang Nhung từng tiếp đón. Trong chuyến bay từ Phú Quốc đến Sài Gòn, danh sách hành khách có người phụ nữ đặc biệt nhất của cuộc đời cô.
"Mẹ mình đã đi chuyến bay QH1522 từ Phú Quốc đến Sài Gòn, đây cũng là chuyến bay mà mình trực tiếp lái. Từng bay rất nhiều chuyến, nhưng QH1522 là chuyến bay đặc biệt ý nghĩa đối với mình. Được tự tay chăm lo, đảm bảo an toàn cho chuyến bay có mẹ, thực sự là một điều vô cùng thiêng liêng đối với mình. Khi đó, chỉ riêng ánh mắt của mẹ, mình cũng cảm nhận phần nào niềm tự hào mà mẹ dành cho con gái" - Trang Nhung tâm sự.