Nữ bệnh nhân sốc tim 10 phần chết 9 và cuộc giằng co ngoạn mục với 'thần chết'

Minh Dũng,
Chia sẻ

Một bệnh nhân nữ (77 tuổi, ở Nam Định) sốc tim nguy kịch do viêm cơ tim cấp vừa được các bác sĩ Bệnh viện E hồi sinh thành công bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo ECMO.

Đây là một trong những kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp nhất trong chuyên ngành Hồi sức tích cực đã được Bệnh viện E thực hiện thành công, mở ra hy vọng sống cho những người bệnh đang ở “ngưỡng cửa tử” khi không đáp ứng điều trị với các biện pháp hồi sức tích cực khác.

Cách đây vài ngày, người bệnh có hiện tượng khó thở nhiều, đau ngực, nhất là khu vực thượng vị đau dữ dội lan ra sau lưng… Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện và được chuyển cấp cứu lên bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp. Sau đó người bệnh được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E trong tình trạng khó thở, mệt nhiều, da tái lạnh, huyết áp tụt, xét nghiệm men tim tăng cao bất thường… Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Nội tim mạch người lớn nhanh chóng kiểm soát đường thở, thở máy nội khí quản, đặt đường truyền tĩnh mạch, dùng thuốc vận mạch, tiến hành chụp động mạch vành qua da kiểm tra và kiểm soát nhịp tim cho người bệnh.

Sau khi chụp động mạch vành qua da, các bác sĩ loại trừ nguyên nhân do nhồi máu cơ tim nhưng kết quả siêu âm tim của người bệnh cho thấy, giảm vận động mỏm tim và thành bên thất trái… Bệnh nhân được sử dụng phối hợp 3 loại thuốc vận mạch và trợ tim liều cao nhưng không nâng được huyết áp của bệnh nhân lên mức đảm bảo tưới máu các tạng trong cơ thể. Các bác sĩ nghĩ đến người bệnh bị viêm cơ tim có biến chứng sốc tim với nguy cơ tử vong cao và được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E. Tuy nhiên tình trạng người bệnh diễn biến nặng nguy kịch phải phối hợp các thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp, rối loạn nhịp xuất hiện liên tục và đã được sốc điện để khử rung thất và loạn nhịp tim 5 lần.

Nữ bệnh nhân sốc tim 10 phần chết 9 và cuộc giằng co ngoạn mục với 'thần chết' - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốc do viêm cơ tim cấp được các BS Bệnh viện E Trung ương cứu sống. Ảnh: BV cung cấp

BSCK II Vũ Hải Vinh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết, trước diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và Hồi sức tích cực đã khẩn trương hội chẩn và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E để “các chuyên khoa phải dồn toàn lực để cứu sống được người bệnh”. Các bác sĩ thống nhất quyết định chỉ định kỹ thuật ECMO - VA (hệ thống tim phổi nhân tạo phương thức hỗ trợ tuần hoàn) nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho người bệnh.

Ngay khi áp dụng kỹ thuật ECMO-VA điều trị, khoa Hồi sức tích cực đã phân công bố trí các bác sĩ và điều dưỡng đã được đào tạo và học tập về kĩ thuật ECMO theo dõi sát sao và điều chỉnh theo diễn biến tình trạng của bệnh nhân. Nhớ lại thời khắc khó khăn nhất của các bác sĩ giành giật lại sự sống cho người bệnh, ThS. BS Đỗ Quốc Phong – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, người được phân công trực tiếp điều trị và theo dõi bệnh nhân chia sẻ: “Ngay sau khi hệ thống ECMO được “kích hoạt”, oxy máu của người bệnh được đảm bảo, các chỉ số huyết động dần ổn định, tình trạng người bệnh cải thiện rõ rệt, các chỉ số sinh tồn ổn định, giảm liều thuốc vận mạch. Hy vọng sống của người bệnh được “thắp lên” theo từng vòng quay của hệ thống ECMO. Mặc dù tình trạng của bệnh nhân dần tiến triển tốt lên, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn phải theo dõi, ghi chép, điều chỉnh liên tục từng giờ”. Cũng theo ThS.BS Phong, viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim vẫn có nguy cơ tử vong cao ngay cả khi người bệnh được sử dụng kỹ thuật ECMO. Cộng thêm yếu tố người bệnh cao tuổi nên nguy cơ diễn biến càng khó lường, vì thế, ê kíp điều trị ECMO càng phải thận trọng và tỉ mỉ trong tất cả các diễn biến và tiến triển bệnh của người bệnh.

Nữ bệnh nhân sốc tim 10 phần chết 9 và cuộc giằng co ngoạn mục với 'thần chết' - Ảnh 2.

Hệ thống ECMO tại Bệnh viện E Trung ương. Ảnh: BS cung cấp

Theo những ghi chép hồ sơ bệnh án của người bệnh trong quá trình điều trị và chạy ECMO có nhiều thời điểm tình trạng người bệnh diễn biến nguy kịch, oxy xuống rất thấp, hệ thống hồi sức tích cực được báo động đỏ liên tục, các bác sĩ, điều dưỡng luôn luôn phải túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục các chuyên khoa để tìm phương án tối ưu cho người bệnh. Hàng ngày bệnh nhân được thăm dò đánh giá chức năng tim, khả năng co bóp của tim, chức năng các cơ quan cơ thể. Cuối cùng, sau 7 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, được bỏ máy thở rút ống nội khí quản, thở oxy qua gọng kính, chức năng tim co bóp tốt, không đau ngực, ngừng duy trì thuốc vận mạch, và được kết ECMO.

“Trường hợp của người bệnh bị viêm cơ tim có sốc tim là tình trạng tối cấp cần chỉ định thực hiện kỹ thuật ECMO-VA để có thể cứu sống người bệnh trước nguy cơ tử vong cận kề. Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các người bệnh suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng, viêm cơ tim, tổn thương tim do sốc phản vệ... Với nguyên lý hoạt động tương tự như một máy tim phổi nhân tạo, ECMO sẽ giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục” – TS.BS Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ.

Nữ bệnh nhân sốc tim 10 phần chết 9 và cuộc giằng co ngoạn mục với 'thần chết' - Ảnh 3.

Người bệnh được cứu sống. Ảnh: BS cung cấp

Theo TS.BS Phan Thảo Nguyên, kỹ thuật ECMO được Bệnh viện E triển khai từ năm 2014 và áp dụng thường quy trong điều trị các bệnh lý tim mạch, các bệnh nhân phẫu thuật tim mạch. Gần đây, kỹ thuật ECMO được áp dụng triển khai trên một số ca bệnh suy hô hấp cấp tiến triển, sốc tim do nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim… ECMO được đánh giá là kỹ thuật phức tạp và chuyên sâu cần 1 ekip bác sĩ hết sức chuyên nghiệp để vận hành.

“Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Đối với các bệnh lý như trong viêm cơ tim cấp, sau cấp cứu ngừng tim, suy tim sau phẫu thuật tim... khiến tim bị suy giảm sức co bóp, huyết áp tụt không nâng lên được bằng truyền dịch và dùng thuốc co mạch cũng như thuốc làm tăng co bóp cơ tim thì ECMO là một lựa chọn hiệu quả. Hoặc trong các trường hợp phẫu thuật tim mạch, đặc biệt là phẫu thuật tim bẩm sinh. Tuy nhiên, ECMO không chỉ điều trị các bệnh lý tim mạch mà còn áp dụng điều trị với các bệnh lý suy hô hấp nặng do viêm phổi hay trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển... dù đã được xử trí các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở oxy, thở máy mà lượng oxy máu vẫn thiếu.

Trước đây, khi chưa sử dụng áp dụng kỹ thuật ECMO-VA điều trị thì người bệnh viêm cơ tim có sốc tim thường đối mặt nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, sự hồi phục của người bệnh tuổi cao ở “ngưỡng cửa tử” sau khi đặt máy tim phổi nhân tạo ECMO tại Bệnh viện E đã khẳng định thêm sự thành công về năng lực triển khai, năng lực chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật hiện đại của các bác sĩ Hồi sức cấp cứu, góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống các ca bệnh nặng, nguy kịch. Để có được thành công này là do sự quan tâm sát sao, chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc và sự phối hợp chặt chẽ của các khoa như Cấp cứu tim mạch thì đầu, Nội tim mạch người lớn, Hồi sức tích cực và chống độc, Chẩn đoán hình ảnh, Huyết học, Vi sinh, Sinh hóa…

Hiện người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe dần hồi phục, người bệnh tự ăn uống và trao đổi cùng nhân viên y tế và người thân của mình. Người bệnh được chuyển sang khoa Nội tim mạch người lớn để tiếp tục theo dõi và điều trị các bệnh lý kèm theo và sớm xuất viện.

Chia sẻ