Nữ bác sĩ phải ghép tim ở tuổi 30 vì lầm tưởng những triệu chứng khó chịu bắt nguồn từ tình trạng lo âu

Nhung Mai,
Chia sẻ

Nữ bác sĩ này không nghĩ tới có một ngày cô lại trở thành bệnh nhân trong chính bệnh viện đang làm việc.

Alin Gragossian, 30 tuổi, là một bác sĩ cấp cứu tại Philadelphia. Vào cuối năm 2018, cô bị ho và cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Vì tính chất công việc và phải làm tăng ca, nữ bác sĩ này không nghĩ tới đây là dấu hiệu bất thường, có lẽ chỉ do căng thẳng gây ra. Cơn ho dai dẳng tuy khó chịu nhưng chưa đến nỗi không thể chịu đựng được.

Sau đó, các triệu chứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn đến nỗi Alin bị hụt hơi và khó thở khi đi bộ vài bước. Tình trạng nghiêm trọng của cô khiến các đồng nghiệp cũng phải lo lắng. Vài ngày sau, nữ bác sĩ được chuyển đến phòng cấp cứu với tư cách là một bệnh nhân. Đến lúc này Alin mới nhận ra có điều gì đó thực sự không ổn.

Dưới đây là những lời chia sẻ của người phụ nữ này về trải nghiệm ghép tim ở tuổi 30 và lời cảnh tỉnh mọi người:

Trải nghiệm khó quên

Nữ bác sĩ này đã phải ghép tim ở tuổi 30 vì lầm tưởng những triệu chứng khó chịu bắt nguồn từ tình trạng lo âu - Ảnh 1.

Alin Gragossian đã có một trải nghiệm đáng nhớ sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tim vào cuối năm 2018.

Vào ngày 21/12/2018, tôi cảm thấy tim như ngừng đập. Tôi thở gấp và môi chuyển sang màu tái xanh. Mọi thứ trở nên mơ hồ khi đồng nghiệp đưa tôi vào phòng cấp cứu.

Một ngày sau đó, tôi tỉnh lại và được chẩn đoán mắc một chứng bệnh về tim mang tên cơ tim giãn (DCM) do di truyền gây ra. Bác sĩ phát hiện tim ngừng đập từ phút này sang phút khác và đây là dấu hiệu của tình trạng suy tim. Họ cũng yêu cầu tôi dùng thuốc để duy trì hoạt động co bóp của tim.

Vào tháng 1/2019, tên tôi được ghi trên danh sách ghép tim khẩn cấp và ca phẫu thuật được tiến hành sau đó 11 ngày.

Ca phẫu thuật quyết định

Nữ bác sĩ này đã phải ghép tim ở tuổi 30 vì lầm tưởng những triệu chứng khó chịu bắt nguồn từ tình trạng lo âu - Ảnh 2.

Alin trong phòng chăm sóc đặc biệt sau ca phẫu thuật ghép tim.

Là một bác sĩ cấp cứu và làm việc tại phòng chăm sóc tích cực, tôi tiên lượng trước được những gì có thể xảy ra. Dù đây là ca phẫu thuật không đơn giản và có khả năng thất bại, tôi chẳng buồn bã hay tức giận vì điều này không thể thay đổi được gì. Trong 11 ngày đó, tôi xác định rõ những gì mình sẽ làm nếu vượt qua thử thách này. Nếu còn sống vào tuần tới, tôi sẽ kể cho bệnh nhân của mình và mọi người về những gì bản thân đã trải qua.

Bác sĩ và y tá cũng giúp xua tan những suy nghĩ tiêu cực về khả năng tôi sẽ chết ở độ tuổi 30. Thay vì liên tục đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác, tôi trân trọng cuộc sống hiện tại và tiếp tục học hỏi mỗi ngày.

Tôi xuất viện 9 ngày sau ca phẫu thuật và có thể tự chăm sóc cho bản thân sau vài tuần hồi phục.

Bài học đáng giá

Nữ bác sĩ này đã phải ghép tim ở tuổi 30 vì lầm tưởng những triệu chứng khó chịu bắt nguồn từ tình trạng lo âu - Ảnh 3.

Alin bên anh trai sau sinh nhật lần thứ 31 của cô.

Bảy ngày sau khi ca ghép tim thành công, tôi bắt đầu viết blog. Lúc đó tôi vẫn đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trang blog ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành một không gian tuyệt vời giúp mọi người hiểu thêm về bệnh tim.

Đây cũng là nơi vận động hiến tặng nội tạng cho công việc nghiên cứu và cứu sống người bệnh. Đồng thời, tôi còn có điều kiện trò chuyện với những phụ nữ đang gặp phải hoàn cảnh tương tự, đã từng ghép tim và đang chiến đấu với bệnh tim. Trong những tháng đầu tiên, tôi quyên góp được vài nghìn đô-la cho một tổ chức từ thiện tại địa phương.

Ghép tim thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những phụ nữ trẻ như tôi lại chủ quan. Nhiều người không nghĩ tới việc ghép tim lại gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thể chất. Mỗi ngày tôi đều phải dùng thuốc và cẩn thận với đồ ăn. Tôi hạn chế đi biển vì lo nguy cơ mắc ung thư da cao hơn so với người bình thường.

Trải nghiệm này đã khiến tôi thay đổi rất nhiều. Tôi suy nghĩ về việc tận dụng tối đa thời gian của mình và đảm bảo những gì đang làm phù hợp với mong muốn của bản thân. Tôi học được cách thay đổi suy nghĩ, trở nên kiên cường và mạnh mẽ, học hỏi từ những điều không may, trưởng thành từ trải nghiệm và tiếp tục sống một cuộc sống tươi đẹp.

Trong tương lai, tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình với đồng nghiệp và những người xung quanh. Tôi sẽ không bao giờ nghỉ làm trừ khi phải nằm trên giường bệnh.

(Nguồn: Women'shealth)

Chia sẻ