Nữ bác sĩ 4 mùa trực cấp cứu Tết và những câu chuyện mang đủ dư vị cảm xúc nghẹn ngào, sợ hãi lẫn đắng cay...
4 mùa trực cấp cứu Tết, nữ bác sĩ trẻ chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động, sợ hãi lẫn đắng cay, nhiều khi bất lực nhìn bệnh nhân ra đi trong sự đau đớn tột cùng của người ở lại.
Đồng hồ chỉ 23h đêm. Còi hú cấp cứu kêu dập dồn trước sân Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Xe vừa đưa xuống một bà cụ hôn mê, mặt nạ oxy đậy kín mũi. Tiếng băng ca kéo vội lướt qua nền gạch hòa lẫn tiếng bước chân hớt hải của người thân nghe thật nặng nề.
Nữ bác sĩ 4 mùa trực cấp cứu Tết
Trong phòng trực, một nữ bác sĩ dáng người nhỏ nhắn lao đến chỗ bệnh nhân. Cô hỏi nhanh người nhà về triệu chứng, bệnh sử rồi tiến hành hồi sức cho bà cụ trong tích tắc.
Người đang mệt mỏi trên cáng là cụ bà 78 tuổi. Đang ngủ, bà đột ngột thấy khó thở. Người nhà đưa bệnh nhân vào BV Bình Thạnh cấp cứu, điều trị thuốc ban đầu, trợ thở rồi chuyển ngay sang tuyến trên khi bệnh nhân vã mồ hôi, huyết áp lên rất cao. Sau khi tiến hành hồi sức và khẩn trương làm xét nghiệm máu, chụp X-quang, nữ bác sĩ cùng cộng sự chẩn đoán bà H. bị suy hô hấp, suy tim cấp, viêm phổi.
Suốt 1 giờ theo dõi liên tục, đến khi tình trạng cải thiện, các nhân viên y tế tiếp nhận ban đầu mới yên tâm chuyển bệnh nhân lên khoa Tim mạch tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền cấp cứu cho một bệnh nhân suy hô hấp.
Một đêm trực của bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền (31 tuổi, quê Long An) luôn có những bất ngờ ập đến như vậy.
Vốn dĩ cấp cứu trong ngày bình thường đã luôn khẩn trương, vội vàng. Nhưng cấp cứu bệnh nhân lúc nửa đêm vào thời điểm Tết Nguyên đán lại càng gấp gáp, áp lực.
Lý giải về điều này, bác sĩ Tuyền cho biết, hầu hết những ca cấp cứu vào đêm thường là bệnh nhân nặng. Chỉ cần chậm trong một khoảnh khắc thì bệnh nhân có thể không còn cơ hội cứu chữa.
Nếu không phải bệnh nhân đột quỵ, cao tuổi, nhiều bệnh nền thì cũng là người nhập viện do tai nạn giao thông nặng, đả thương.
Đó cũng là lúc mà các bác sĩ vừa phải điều trị chuyên môn, vừa làm công tác tâm lý cho bệnh nhân nhưng cũng phải chú ý đến việc bảo vệ bản thân, nếu chẳng may đối tượng được đưa vào là côn đồ quá khích.
Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Cấp cứu cũng cần biết cách trấn an tinh thần bệnh nhân.
"Ban đầu khi tiếp nhận bệnh nhân là giang hồ, "anh chị", mình cũng có chút sợ, có tâm lý né tránh. Nhưng dần cũng quen, cứ tập trung cứu chữa tốt nhất cho bệnh nhân và giải thích kỹ càng cho họ là mọi cảm xúc lo lắng đều lo hết.
Hơn nữa, BV cũng liên tục tập huấn về quy trình "Code grey" (Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện) để ngăn chặn các đối tượng gây rối trật tự. Khi cần thiết, quy trình sẽ được kích hoạt ngay để bảo vệ nhân viên y tế" – nữ bác sĩ trẻ mỉm cười chia sẻ.
Là một bác sĩ nội trú tại BV Nhân dân Gia Định, ban đầu bác sĩ Thanh Tuyền định hướng theo chuyên khoa Tiêu hóa để thời gian làm việc có thể chủ động hơn.
Tuy nhiên khi BV đang thiếu hụt nhân viên cấp cứu, cô gái với vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn lại là một trong những người xung phong vào chỗ "đầu sóng ngọn gió" của BV.
Đến nay, cô đã có 4 năm công tác liên tục tại khoa Cấp cứu và chừng ấy mùa trực Tết.
Những câu chuyện không thể nào quên, xúc động có, sợ hãi lẫn đắng cay cũng có
Trong mùa Tết Nguyên đán, mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 250-300 bệnh nhân.
Có những trường hợp bị chấn thương, phải nhập viện vì tình huống rất bất ngờ tưởng chừng như không có gì, như sửa đèn thay bóng điện đón Tết bị điện giật nặng, hay lau nhà bị té gãy xương.
Và cũng có những câu chuyện mà suốt 4 năm làm Cấp cứu, mỗi khi nhớ lại bác sĩ Thanh Tuyền tưởng như vừa mới xảy ra mà thôi.
"Có một gia đình nuông chiều con gái nhưng không thích việc con thường xuyên đi đêm nên quyết định khoá cửa nhà nhốt con lại. Đêm hôm đó, cô con gái 18 tuổi trốn ra ngoài chơi với bạn trai nhưng không may xe của họ xảy ra va chạm giao thông trên đường.
Khi đưa vào khoa Cấp cứu, cô ấy bị chấn thương sọ não quá nặng.
Lúc cha bệnh nhân hay tin chạy vào thì cô cũng vừa tắt thở. Nhìn gia đình gào khóc bên cạnh thi thể bệnh nhân mình thấy thật chạnh lòng. Chỉ trong một giây phút ngắn ngủi của ngày 29 Tết, người cha đã vĩnh viễn mất đi con gái" – bác sĩ nói.
Biến cố xảy ra, người ta thường đau lòng vì mất đi người thân vĩnh viễn. Nhưng có một lần, nữ bác sĩ trẻ ngỡ ngàng khi chứng kiến điều ngược lại. Đó là lúc cận kề sinh tử, lại có người nhẫn tâm chối bỏ tình thân.
"Đêm hôm đó, bà cụ gần 80 tuổi được người ở viện dưỡng lão đưa đến BV. Bà bị tiểu đường, cao huyết áp và vừa xảy ra cơn tai biến.
Khi tiếp nhận, mình phát hiện bà đã ngưng thở nguy kịch. Cả 3 lần hồi sức đều không hiệu quả.
Biết lành ít dữ nhiều, khoảng 15 phút sau mình tìm thông tin liên lạc để gọi cho người nhà. Nhưng con của bệnh nhân chỉ đến viện dưỡng lão, hỏi thăm tình hình vài câu rồi lẳng lặng bỏ về, không liên lạc lại nữa" – bác sĩ Tuyền kể và cho biết cô thật sự sốc. Vì lẽ nào trong hoàn cảnh mẹ đã cận kề cái chết, phận làm con ruột sao nỡ dửng dưng tìm cách chối bỏ?
Sau những câu chuyện cấp cứu đau buồn, nữ bác sĩ rút ra cho mình nhiều bài học về cách đối nhân xử thế, để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Lại có lần bác sĩ Tuyền gặp một tình huống "tai nạn nghề nghiệp" khiến cô phải sống trong sợ hãi cả tháng trời. Nhưng sự việc đó cũng để lại bài học cẩn trọng sâu sắc cho cô.
"Hôm ấy mình tiếp nhận một bệnh nhân hôn mê. Vì cấp cứu đông và gấp quá nên không để ý, lúc quơ tay khám cho ngang qua áo thì bị một vật nhọn trong áo bệnh nhân đâm phải.
Lúc đó mình mới tá hỏa phát hiện bệnh nhân nghiện, có kim tiêm. Cả tháng trời phải uống thuốc điều trị phơi nhiễm và sống sợ hãi, may mà mọi thứ đều ổn".
Ca trực nào cũng để lại những cảm xúc khó quên, bên cạnh những lo lắng, sợ hãi thì cũng không thể thiếu những giây phút hạnh phúc, vui lây niềm vui của bệnh nhân. Động lực giúp BS Tuyền yêu nghề còn đến từ những câu chuyện hỗ trợ bệnh nhân kịp thời, ngoạn mục.
Như Tết năm ngoái, 1 ca thai phụ đang đi taxi thì bất ngờ vỡ ối. Tài xế vừa đẩy băng ca vào thì sản phụ có dấu hiệu đẻ lọt con.
Khi các nhân viên y tế vừa chạy đến sát xe thì đứa bé cũng lọt ra ngoài băng ca. Tất cả đều vỡ òa vì đã "mẹ tròn con vuông", thai không bị rơi xuống đất. Bác sĩ Tuyền tâm sự, lúc ấy bản thân còn vui hơn cả người nhà sản phụ.
Phải đương đầu với áp lực trong công việc nhưng may mắn có gia đình cảm thông
Kể câu chuyện như trên, BS Tuyền muốn bày tỏ với các đồng nghiệp, những đàn em rằng nếu đã chọn làm Cấp cứu, hãy là một người bản lĩnh, dám thử thách bản thân và đương đầu với những áp lực.
Công việc trực cấp cứu lắm lúc thêm khó khăn vì trong lúc cấp bách, không phải bệnh nhân hay người nhà bệnh nào cũng hiểu được cho các bác sĩ. Thậm chí có cả những trường hợp người nhà bệnh nhân giở thói côn đồ, hành hung bác sĩ ngay khi họ đang trực tiếp cứu người nhà của mình.
Nhưng với nữ bác sĩ xinh đẹp, cô sẵn sàng làm hết những gì có thể miễn là có thể đem lại sự sống và sự an toàn cho bệnh nhân.
Với đặc thù là phải trực hàng ngày, hàng đêm, cũng như nhiều nữ bác sĩ khác, BS Tuyền cũng phải xa gia đình để đến với những bệnh nhân cần cấp cứu trong đêm trực của mình. Nhưng cô tự nhận mình may mắn khi kết hôn và ở nhà chồng ngay trong TP.HCM, không quá xa BV. Nhất là vào những ngày Tết, điều này cũng giảm áp lực cho cô rất nhiều khi mà cô có thể nhanh chóng hoàn tất công việc gia đình và nhanh chóng tới bệnh viện để thực hiện công việc của mình.
Kết hôn vào năm 2017, một tuần đều đặn có 2 đêm trực, ban đầu vợ chồng cô cũng xảy ra cãi vã, nghi ngờ. Dần dần khi biết được tính chất công việc, cha mẹ chồng còn hiểu và thương con dâu hơn.
"Năm nay mình trực đêm 27, chiều 30 tháng Chạp, Mùng 1 và Mùng 5 Tết nên thời gian thoải mái hơn. Sáng 30 sẽ lo cơm cúng ông bà, chiều đi trực rồi 21h về đón giao thừa cùng chồng vẫn kịp.
100% thời gian dành cho gia đình thì không thể nhưng nếu cố gắng, mình tự tin có thể chu toàn" – bác sĩ Tuyền trải lòng.