NSƯT Phạm Bằng - Nhớ vợ và quán bánh trôi tàu
NSƯT Phạm Bằng đi lại nhanh nhẹn hơn, ông đã hồi phục sức khoẻ sau 2 lần mổ gần đây, cửa hàng bánh trôi tàu, lục tàu xá của ông sau thời gian im ắng cũng đang túc tắc bán trở lại.
Thời gian gần đây người ta đồn nhau hàng “Bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù” của ông đóng cửa, âu cũng là là điều sớm muộn không tránh khỏi, ở tuổi gần đất xa trời, nhất là người vợ ông nhất mực yêu thương đã không còn, bà đã không còn có thể đồng hành cùng ông từ những thứ hoạt động nhỏ bé trong cuộc sống ấy. Ông phủ nhận thông tin trên và bảo: “Giờ lúc nào có sức thì tôi làm chứ nhất định không nghỉ, nhưng một năm thường chỉ làm được vài tháng từ tầm tháng 9 đến tháng 4, nhiều người đi qua thấy không còn nữa thì vào tận ngõ hỏi, không hiểu người ta kháo nhau thế nào mà mấy ông Tây ba lô cũng đổ về đây ăn nhiều lắm, bán không còn hàng nhưng sức thì cầm chừng. Sau đợt nghỉ dưỡng sức vừa rồi, tôi đang tính mở lại."
Nghệ sĩ Phạm Bằng là dân Hà Nội gốc, khí chất là điều luôn còn đầy ăm ắp, nhất là ở ánh mắt của ông, tinh nhanh và trong, ánh mắt vẫn còn chắc chắn và kiên định. Đó là điều thường thấy ở những chàng trai Hà Nội gốc cùng thời kỳ với ông, trong các gia đình tiểu tư sản. Ngoài nhân vật ông sếp đã “đi vào lòng người” với 2 nghệ sĩ Quang Thắng, Quốc Khánh, nghệ sĩ Phạm Bằng đóng rất nhiều vai diễn ông già nông thôn. Ông vào vai giản dị và không bị cường điệu, nhưng vẫn có cái tinh tế của người diễn có nghề, làm người xem thấy thích mà không bị “ấm ức” vì nhân vật nhạt nhoà.
Niềm vui của ông giờ đây là ở bên con cháu.
Nếu bây giờ Phạm Bằng còn trẻ, ông chắc chắn là "dân chơi" phố cổ, như cái cách mà bây giờ người ta vẫn hay gọi mấy cậu choai choai, lượn xe đắt tiền ầm ầm ngoài đường. Ông bắt đầu nghề diễn từ những năm 60, thời mà chỉ có một đoàn nghệ thuật duy nhất hoạt động tại Hà Nội, và tất cả mọi loại hình kịch, phim, múa, cải lương đều “sinh hoạt” chung với nhau, nhưng cái kiểu “dân chơi” thời các cụ ngày xưa thì rất khác. Hà Nội rất bé, mọi thứ đều vừa trong tầm mắt, và đã có cái máu nghệ thuật trong người thì gần như ai cũng biết nhau cả.
Sinh ra vào những năm 30 của thế kỷ trước, có một tuổi thơ đủ đầy, nghệ sỹ Phạm Bằng một thời từng là cậu ấm của đất Hà thành vì gia đình làm ăn phát đạt, thuộc hàng có của ăn của để khi ấy. Tuy nhiên, kể từ khi ông cụ thân sinh của nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời khi mẹ ông mới chỉ 24 tuổi, đã khiến cuộc đời ông gặp nhiều thử thách.
Nghệ sĩ Phạm Bằng thở dài nhẹ trong sự tiếc nuối: “Ngày xưa gia đình cũng gọi là có của ăn của để đấy, nhưng mọi sự chuyển dời rất nhanh, khi tôi cưới bà ấy thì gia đình rơi vào tình trạng khó khăn không thể tưởng tượng được, khi ấy tôi phải chuyển vào đoàn nghệ thuật Hà Nội vì vừa có thể diễn, vừa có thể làm, mà nói là làm cho oai thôi, chứ thực ra người ta nuôi mình đủ ăn, vậy thôi”.
Ông cũng tự nhận mình từng là "dân chơi" của Hà Nội cổ ngày xưa.
Những câu chuyện dí dỏm, hài hước của Phạm Bằng nhanh chóng khắc hoạ ông chỉ trong vòng 2 tiếng trò chuyện. Ngoài cái chất nghệ sĩ như một nguồn năng lượng chưa bao giờ vơi, nghệ sĩ Phạm Bằng còn là người nhanh nhẹn từ tư chất, và sống không hề bon chen, dù ông vốn là người Hà Nội gốc, từ bé hưởng sung sướng an nhàn: “Tôi muốn làm nghệ thuật, khi về già vẫn có thể làm nghệ thuật chân chính, đó là hạnh phúc”.
Hình ảnh của nghệ sĩ Phạm Bằng lãng tử khi còn trẻ.
Cuộc đời của Phạm Bằng gặp nhiều thử thách, bươn chải.
Khi cha ông mất, sự cứng rắn và mạnh mẽ bươn chải, vừa làm cha, vừa làm mẹ của người phụ nữ đã tạo nên tính hà khắc đến nghiệt ngã trong con người mẹ ông. Nghiêm khắc với các con chưa đủ, đến cả khi các con đã yên bề gia thất bà còn khắc nghiệt với cả con dâu, đến tận khi lìa xa cõi đời, bà vẫn giữ nguyên sự cố hữu đến bảo thủ trong con người mình. Điều đó đã cản trở người NSƯT rất nhiều, nhưng cuộc đời không cho ông dừng lại.
Nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn nhớ dai dẳng, trong suốt những năm tháng ông theo đuổi con đường nghệ thuật, chưa một lần mẹ ông đến xem dù chỉ một vở kịch, hay một chương trình có con trai tham gia, bởi với bà, "nó chỉ là con hát đi mua vui cho thiên hạ".
Nghệ sĩ Phạm Bằng không được sự ủng hộ của gia đình với nghề diễn, đặc biệt là mẹ ông.
Hồi mới vào nghề, khi đã hoạt động tại đoàn nghệ thuật Hà Nội 4 năm nhưng nhiệm vụ chính của ông chỉ toàn bán vé. Không chấp nhận hoàn cảnh trong khi vợ con đói ăn, khổ sở, ông đã tính đến chuyện bỏ nghề, đi đạp xích lô, đánh giày kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng rất may, những người bạn trong nghề, những người đạo diễn đã kịp nhìn ra khả năng của ông, động viên ông ở lại với nghề.
Khoảng năm 1964, nỗ lực của nghệ sĩ Phạm Bằng bắt đầu được đền đáp. Các vai chính đến với ông nhiều hơn. Với gương mặt điện ảnh, Phạm Bằng thường được giao các vai tư sản, phản động, các vai cường hào ác bá thời phong kiến, đàn áp dân thường. Sau thời điểm giải phóng Sài Gòn năm 1975, cái tên Phạm Bằng đã trở nên nổi tiếng trong làng kịch, hình thức giải trí hiếm hoi của người dân bấy giờ. Những chuyến lưu diễn dài biền biệt hàng tháng trời kéo Phạm Bằng đi khắp các tỉnh thành. Không có điều kiện ở bên vợ, con, ông gửi thư và tiền về mỗi khi có dịp.
Những vai diễn của ông để lại nhiều dấu ấn.
Nghệ sĩ Phạm Bằng cũng luôn nhớ đến người bạn thân đã ra đi, nghệ sĩ Văn Hiệp.
Sự "ghê gớm" trong cách diễn của ông luôn ẩn chứa nét hài tinh tế.
Gần đây, không mấy khi hẹn mà gặp được NSƯT Phạm Bằng dễ dàng, hỏi ra mới biết ông phải bay ra bay vào liên tục giữa Sài Gòn và Hà Nội, bởi những căn bệnh tuổi già bắt đầu kéo đến, sức khỏe chẳng còn được như trước nữa. Đợt vừa rồi ông ở trong Sài Gòn khá lâu, ra Hà Nội được vài hôm lại chuẩn bị bay vào. Ông tâm sự có 2 điều ông thấy không thể thiếu được là người vợ tần tảo và quán bánh trôi tàu.
Thiếu đi bàn tay chăm sóc của người vợ đã hơn chục năm nay, mỗi lần đau ốm lại nhờ đến con cái, nhưng "con chăm cha không bằng bà chăm ông", mà nhờ đến các con nhiều quá cũng ngại, nên NSƯT Phạm Bằng cứ lủi thủi một mình như thế trong căn nhà đơn sơ giản dị. Đến cả lúc đi chữa bệnh, ông cũng chẳng nói với ai, cứ lẳng lặng với lỉnh kỉnh đủ thứ thuốc men.
Sự ra đi của người vợ để lại nỗi buồn vô hạn trong ông.
Trong câu chuyện nào của NSƯT Phạm Bằng cũng thấy ông nhắc đến người vợ đã quá cố của mình, mặc dù bà bỏ ông đi đã hơn chục năm, nhưng với Phạm Bằng, người bạn đời đã đồng cam cộng khổ suốt cả cuộc đời, còn sâu nặng hơn cả những ân tình. Còn nhớ, khi đi đến quyết định lấy một cô gái như thế nào về sống với mình cả đời ông cũng phải lựa xem ai là người sống được với mẹ, nên ngay cả khi có gia đình riêng, ông vẫn có một nỗi cô đơn khó nói.
NSƯT Phạm Bằng nhớ khi mẹ ông mai mỉa mình làm cái nghề xướng ca vô loài, là con hát đi mua vui cho thiên hạ và chưa một lần đến xem ông biểu diễn, vợ ông đã âm thầm đứng sau lưng, hy sinh tất cả để chồng theo đuổi con đường mà ông đã chọn lựa.
Ông vẫn trầm ngâm mỗi khi nhắc đến vợ.
Nỗi buồn về sự ra đi của người tri kỷ khiến ông gặp nhiều khoảnh khắc mệt mỏi trong đời thường.
Bà xã là người chịu thương chịu khó, có lẽ cũng khó có người con dâu nào chiều được mẹ chồng khó tính như vợ ông, nên Phạm Bằng nói ông thương vợ, lúc nào cũng thương dáng vẻ hiền lành, có gì đó cam chịu và luôn dõi đôi mắt theo cuộc đời ông. Thế nên dù đã đi xa lâu lắm rồi, nhưng trong căn nhà cổ kính của ông lúc nào cũng như còn hình bóng người vợ vẫn đâu đây.
Và mọi câu chuyện của ông, chỉ dừng lại khi đã đong đầy hình ảnh của bà.
Một số hình ảnh của NSƯT Phạm Bằng trong ngôi nhà của ông: