NSƯT Công Lý mổ xẻ nhược điểm của 4 nữ chính “Những cô gái trong thành phố”
Không chỉ là diễn viên trong phim, NSƯT Công Lý còn đảm nhiệm vai trò phụ trách diễn xuất nên những ưu, nhược điểm của các diễn viên trong phim, anh đều hiểu rất rõ.
NSƯT Công Lý trong phim “Khi đàn ông góa vợ bật khóc”. Ảnh: TL
Giờ chỉ mong được đóng vai… người chết
Là nghệ sĩ hài nhưng với phim truyền hình, các đạo diễn lại ít khi tận dụng thế mạnh đó của anh mà thường giao các vai bi, thân phận hoặc ngổ ngáo, bất cần. Tại sao vậy?
- Nhiều người nói tôi có khả năng diễn xuất đa dạng, diễn được nhiều dạng vai khác nhau. Tôi nghĩ, là một diễn viên chuyên nghiệp thì với bất cứ ai cũng làm được điều này thôi. Thậm chí, được giao các vai càng khác biệt với cái trước, họ càng thích. Diễn hài thực ra rất khó, khó hơn vai bi rất nhiều. Với diễn viên hài mà đóng vai bi như con dao hai lưỡi vậy. Nhiều khi, nhìn đã thấy buồn cười hoặc nói ra là khán giả chỉ thấy buồn cười. Tôi dù sao vẫn xuất phát điểm là diễn viên kịch nói, diễn hài chỉ là một mảng trong nghề thôi.
Anh làm thế nào để rũ bỏ hình ảnh của một nghệ sĩ hài khi làm phim truyền hình?
- Cái đó hoàn toàn là dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp thôi. Lúc đầu tôi cũng không nghĩ mình lại diễn được vai bi đâu. Như hồi quay phim dài tập “Khi đàn ông góa vợ bật khóc” (đạo diễn Vũ Trường Khoa) chẳng hạn, tôi tham gia với vai trò là phó đạo diễn, casting diễn viên và phụ trách diễn xuất. Ba nữ chính là 3 cô gái thì đã tìm được rồi nhưng vai ông bố đưa ra 4-5 đề cử mà đạo diễn vẫn không ưng, bảo muốn có một ông bố góa vợ có gì đó khác biệt. Vừa cam chịu, khắc khổ, vừa có cái gì đó yếu đuối để đúng hoàn cảnh vừa là bố, vừa là mẹ nuôi 3 đứa con của nhân vật. Một buổi, Đỗ Thanh Hải - Tổng đạo diễn gọi cho tôi bảo: “Sao ông bố đó lại không phải là ông?”. Tôi giãy nảy: “Ông bị điên à? Làm sao mà tôi hợp với vai đó? Lứa tuổi cũng không hợp vì với 3 cô con gái lớn như thế thì ông bố phải ở độ tuổi ngoài 50, mà tôi thì mới hơn 40?”. Đỗ Thanh Hải nói, điều đó không đáng ngại, vì có thể hóa trang để khắc phục. Hơn nữa, xu hướng làm phim bây giờ là nắn kịch bản theo nhân vật chứ không phải diễn viên minh họa cho nhân vật. Nghe cũng có lý nên tôi đồng ý luôn.
Để lại dấu ấn ở nhiều vai trò khác nhau, trong khi bạn bè anh đều đã là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc nhà hát thì anh mới chỉ ở vị trí Trưởng đoàn kịch, như thế có phải là thiệt thòi quá không?
- Thực ra, với bất cứ một nghệ sĩ nào, dù ở vị trí nào thì hạnh phúc lớn nhất vẫn là được khán giả yêu quý. Với những gì đang có hiện nay, tôi đã được rất nhiều rồi. Còn để đủ thì chả biết thế nào là đủ đâu.
Làm diễn viên, lồng tiếng rồi phó đạo diễn, bao giờ thì anh nghĩ mình sẽ “đứng mũi chịu sào” trong vai trò đạo diễn?
- Chắc là không đâu. Tôi chỉ thích làm phó thôi. Vì khi mình đứng ở vị trí “đầu tàu” sẽ phải lo rất nhiều thứ, mệt mỏi lắm chứ đâu có sung sướng gì…
Nhiều năm trong nghề, thử sức ở nhiều dạng vai rồi, vậy có thử thách nào mà anh muốn được chinh phục không?
- Có, vai người chết! Mà trông tôi thế này thôi nhưng cũng từng đóng vai lãnh tụ rồi đấy!
Thế hệ của các anh, được học hành bài bản, lại say mê nghề, chịu khó tìm tòi nên dù đóng dạng vai nào cũng đều có màu sắc riêng. Không giống như bây giờ, nhiều đạo diễn phàn nàn là lớp trẻ thiếu chiều sâu, lại lười học hỏi. Lắm khi, ra trường quay rồi mới nhìn đến kịch bản…
- Cá nhân tôi làm việc với người trẻ rất nhiều nhưng tôi thấy các bạn ấy rất chăm chỉ. Như phim “Những cô gái trong thành phố”, tôi phụ trách về diễn xuất thì thấy các bạn rất cầu thị, ý thức cao. Do là lần đầu đóng phim nên ai cũng lo lắng, cẩn thận và nghiên cứu kịch bản kỹ. Họ hồn nhiên và có sức trẻ, sự tươi mới nên học rất nhanh. Mỗi phân cảnh khó, họ đều hỏi tôi về cách diễn. Có cô cũng cãi, muốn diễn khác với gợi ý của tôi. Tôi bảo các bạn ấy: “Vậy bây giờ thế này, cháu cứ làm theo 2 cách: Một theo ý cháu, một theo gợi ý của chú. Xong cái nào hơn thì sẽ chọn”. Sau khi thử thì các bạn thừa nhận cách của tôi hợp lý hơn. Vì diễn viên chỉ nhìn vào nhân vật của mình chứ không nhìn tổng thể như chúng tôi. Phải có cái nhìn bao quát thì khi dựng, từng phân đoạn mới ăn ý với đường dây chung của phim.
Tôi cứ nhớ mãi ngày mới về Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng khi đó mới chỉ là diễn viên thôi, đã cho tôi những trải nghiệm mà tôi vẫn đang áp dụng cho đến tận bây giờ. Vở “Hà Nội đêm trở gió”, anh vào vai chính, có một phân cảnh anh rất băn khoăn là cảnh, anh cầm cây mía định đánh cô vợ, vì cái tội để con khóc. Cô vợ mới nói: “Em hết sữa rồi”. Người chồng ân hận buông cây mía xuống. Nhưng buông như thế nào để vẫn ép-phê mà không bị che mặt? Tôi bảo, anh vẫn đưa hai tay lên để thể hiện sự tức giận nhưng khi hạ xuống, nhạc lên thì phải hạ từ từ, từng tay một. Đấy, anh tính toán đến từng chi tiết nhỏ như vậy và không ngần ngại hỏi một đứa mới chân ướt chân ráo vào nghề như tôi. Cho nên, đến bây giờ cũng vậy, dù có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi vẫn hỏi người trẻ. Đâu phải cái gì mình cũng biết hết được.
Nghĩ lại khoảng thời gian “nghiện” game thật vô bổ
NSƯT Công Lý trong phim “Những cô gái trong thành phố”.
Trong 4 nữ chính của “Những cô gái trong thành phố”, ai là người anh đánh giá cao nhất?
- Mỗi diễn viên có một thế mạnh riêng. Cúc do Thu Trang (Nhà hát Tuổi trẻ) đóng thì có lợi thế là cảm xúc rất tốt, lại là diễn viên chuyên nghiệp nữa nên dù là lần đầu đóng phim truyền hình nhưng bạn ấy học rất nhanh. Thu Trang nói với tôi: “Em rất thích nhân vật của mình”. Cảm nhận được như thế là rất tốt, vì có thích mới sáng tạo được. Chỉ cần khắc phục một chút nhược điểm về kỹ năng đứng trước ống kính nữa thôi là Thu Trang sẽ làm chủ vai diễn của mình. Chúng tôi đùa với nhau là phim sau sẽ thành cáo thành cú luôn, vì cái gì cũng biết.
Mai Anh thì đóng nhiều phim rồi nhưng bị một cái là bản năng quá. Trong nghề, diễn viên đều có những “tiểu xảo” để che nhược điểm của mình thì Mai Anh chưa làm được cái này. Cô này có một “tật” khi tức giận là mắt cứ trợn lên. Chẳng hạn có đoạn mẹ mất trên giường bệnh, cần phải lấy nước mắt của khán giả nhưng do cảm xúc quá, mắt cứ trợn lên. Tôi bảo, nhìn vào mặt mẹ, đừng nhìn lên. Khi nào mẹ tắt thở mới ngẩng và nước mắt trào ra. Cảm xúc được đẩy lên cao và mắt không bị trợn lên nữa.
Kim Oanh - người tương tác với vai Lâm của tôi nhiều nhất nên cũng được chỉ bảo nhiều hơn. Vấn đề của cô này lúc ban đầu là sợ tôi lắm, khi không khí chân tình cởi mở rồi thì Kim Oanh tâm sự rằng: “Chỉ cần nhìn thẳng vào mắt chú là cháu được truyền cảm xúc”.
Vai diễn của Lương Thanh có lẽ là nặng nhất nhưng bạn này lại nhạy cảm quá, rất dễ khóc. Chưa đến đoạn cao trào thì đã khóc vã ra rồi. Đến đoạn cần khóc thì nước mắt “chạy” hết rồi. Như đoạn Tùng bỏ đi chẳng hạn, chưa gì đã nức nở. Tôi phải hướng dẫn cách tiết chế, dằn cảm xúc xuống. Vì nhân vật đang cố tỏ ra mạnh mẽ thì phải kìm lại. Tùng đi rồi lúc đó mới khóc.
Anh hướng dẫn nhiều diễn viên trẻ rồi, vậy với các con của anh thì sao? Anh đã bao giờ hướng các con theo nghiệp diễn?
- Định hướng thì tất nhiên vẫn có nhưng tôn trọng là chính. Như cô con gái lớn năm nay muốn thi vào khoa đạo diễn mà tôi thì muốn hướng con làm biên kịch. Tôi cũng có phân tích để con hiểu rằng nghề đạo diễn gian nan, vất vả thế nào, khó phù hợp với nữ. Nhưng phải chấp nhận thôi vì đó là mong muốn của con, ép thì chúng sẽ không học tốt được. Còn Tít thì vẫn sớm nắng chiều mưa. Đòi đi học võ, được mấy buổi, thấy các bạn bơi thích quá lại chuyển sang bơi.
Nghe vợ cũ của anh - MC Thảo Vân nói, Tít ham chơi game và mơ trở thành game thủ. Cái này hình như giống anh ngày trước?
- Đúng là Tít có năng khiếu về khoản công nghệ thông tin. Ngày trước, hai bố con cùng chơi một trò, tôi chơi nhiều mà không phát hiện ra những tính năng mới của trò chơi. Nhưng Tít chỉ chơi một hai lần là tìm tòi ra được hết. Bây giờ nghĩ lại thì thấy đúng là khoảng thời gian đó thật vô bổ. Thức đêm thức hôm để chơi. Giờ thì tôi bỏ rồi, không còn hứng thú gì mấy trò đó nữa.
Cảm ơn NSƯT Công Lý!