" N.P": Niềm tuyệt vọng ám ảnh của người con gái
Sau mỗi lần đọc một cuốn tiểu thuyết của Banana Yoshimoto, tôi đều không thể kìm chế được những giọt nước mắt khi thì tức tưởi, khi lại ngấm ngầm dai dẳng suốt một thời gian dài!
N.P
Tác giả: Banana Yoshimoto Dịch giả: Lương Việt Dũng Nxb Đà Nẵng |
Tôi đã đọc tất cả các tác phẩm của Banana Yoshimoto được dịch và xuất bản tại Việt Nam! Và sau mỗi lần đọc một cuốn tiểu thuyết của Banana Yoshimoto, tôi đều không thể kìm chế được những giọt nước mắt khi thì tức tưởi, khi lại ngấm ngầm dai dẳng suốt một thời gian dài, vì những nối ám ảnh gần gụi đến xót xa của các nhân vật như Tugumi (Vĩnh biệt Tugumi), Terako, Maria (Say ngủ)…
Họ đều là những người trẻ như tôi, nhưng họ không thể có một cuộc sống bình thường, bởi họ luôn bị lạc ra khỏi một mắt xích bình ổn của cuộc sống này. Dù họ vẫn đi, đứng, cười, nói như hàng ngàn con người khác, nhưng điều còn lại phía sau những khuôn mặt cười rạng rỡ, những phút đê mê cực độ, những đắm say nông nổi… lại chính là sự cô đơn đến cùng cực của mỗi tâm hồn chênh vênh đến tận cùng.
Họ không thể, hay đúng hơn là không biết cách làm thế nào để xóa bỏ sự cô độc ấy cho chính tâm hồn mình, dù có cố gắng đến cạn kiệt sức lực, nhưng họ luôn tìm cách vẫy vùng. Và sự vẫy vùng của các nhân vật trong tác phẩm N.P chính là sự ám ảnh ngột ngạt nhất khiến cho không chỉ riêng tôi mà những người đã từng đọc tác phẩm này, dù họ là ai, họ cũng không thể nào quên được.
Có người sẽ kịch liệt phản đối những hành động của Saki, Otohiko, Sui và Kamazi, bởi họ không thể chấp nhận được việc một người con gái vừa là người tình của cha, đến khi cha chết lại trở thành người tình của anh mình. Đó hiển nhiên là một mối quan hệ loạn luân, đáng bị ruồng rẫy, nhất là ở một nước Á Đông như Nhật Bản. Nhưng với bản thân tôi, đó là sự “xô đẩy” bản năng nhất mà con người có thể làm được để giải tỏa nỗi sợ hãi và cô đơn cùng cực của con người mình. Khi thế giới bên ngoài kia quá rộng lớn, khi bước chân quá yếu đuối, họ sẽ không thể bước đi đâu khác nữa, đó chính là hình dung của cô gái yếu đuối Sui khi cô chỉ biết gắng gượng tìm kiếm hình ảnh của người cha trong một đống kí ức hỗn độn, để gặm nhấm từng ít một mà sống sót lần hồi qua ngày.
Tôi đã gần như im lặng hoàn toàn khi đọc những dòng cuối của tác phẩm, như chẳng có gì kết thúc, chẳng biết điều gì là phương hướng để suy nghĩ. Mọi điều cũng vụn vỡ và chênh chao như những điều cuối cùng còn lại của tác phẩm. Sự tuyệt vọng đến vô bờ bến hiện diện ở khắp mọi ngóc ngách trong cái đất nước Nhật Bản ấy, khi mà những người trẻ, cả một thế hệ ấy đều đang rên xiết dưới những ngột ngạt, mỏi mệt, và hoang mang của bản thân mình. Họ vùng vẫy ở cái đất nước mà danh giới giữa sự sống và sự chết chỉ là một sợi tơ mảnh, dễ đứt. Và cũng chẳng cần biết thế nào là luân lý đạo đức, vì họ không biết đâu mới thực sự là cái được gọi là “đạo đức” ấy. Họ chỉ có thể làm một điều duy nhất là âm thầm cố gắng trong sự cô đơn và lạc lối đến khắc nghiệt. Chỉ cần dừng lại một khoảng khắc thôi, họ sẽ bị cuốn đi, vào thế giới của cõi chết mênh mang.
Tác giả của tiểu thuyết N.P đã quá nhẹ nhàng với họ. Bà chẳng cần phải lên gân nhiều để nói về sự cô đơn của Saki, Otohio, và đặc biệt là Sui… bởi vốn dĩ bản thân họ mỗi người đã là một tảng băng lạnh giá, mơ hồ, chao đảo, mà không ai có thể làm ấm lên được, bởi càng cố gắng làm ấm bản thân mình, hay làm ấm cho nhau thì lại càng khiến họ dễ tan chảy, để rồi biến mất khỏi cuộc đời này. Nhưng nghiệt ngã hơn là không ai thanh thản buông tay, vì Sui, Saki, Otohio vẫn cố gắng sống chậm từng khoảnh khắc một trong cuộc đời. Vì con đường đó họ buộc phải đi…
Một cuốn tiểu thuyết như tưởng chừng như một bản nhạc nhẹ nhàng say đắm bởi cái cốt cách kể chuyện điềm đạm, tinh tế của nữ tác giả, nhưng hóa ra là thắt chặt trái tim, gặm nát mọi nguồn hi vọng. Cuối con đường vẫn chỉ là tăm tối mênh mông tuyệt vọng… Đó là N.P!