Rơi máy bay Boeing 737: 189 người "không ai sống sót"; chưa tìm thấy thi thể nào toàn vẹn
Vụ rơi máy bay ở Indonesia: Chiếc máy bay của hãng Lion Air, bị mất liên lạc với kiểm soát không lưu vào lúc 6h33 sáng nay (giờ địa phương), được xác nhận đã rơi xuống biển.
Cập nhật 22h13: Không tìm thấy thi thể nguyên vẹn
Trưởng đoàn cứu hộ thông báo, mặc dù các thợ lặn đã ngừng tìm kiếm nhưng tàu sử dụng sóng âm sẽ tiếp tục công việc. Thi thể các nạn nhân được cho là bị mắc kẹt trong thân máy bay. Một thiết bị chạy ngầm đã được đưa vào hoạt động.
Trên những tấm bạt ngay cạnh cảng Jakarta, các thành viên đội cứu hộ sắp xếp lại những đồ vật vớt được: từ bình khí oxy cho tới vật dụng cá nhân như ví, điện thoại, tiền và hành lí.
Bộ trưởng Giao thông Indonesia Budi Karya Sumadi cho biết 9 túi đựng thi thể đã được đưa tới bệnh viện để xác minh. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, những túi này hầu hết đựng mảnh thi thể, không có thi thể nào toàn vẹn.
Cập nhật 20h55: Các nhóm lặn dừng hoạt động
Trong thông báo mới nhất, hãng Lion Air cho biết đã bắt đầu đưa gia đình các nạn nhân của máy bay JT-610 từ Pangkal Pinang tới Jakarta.
Hiện tại, 90 người thân người bị nạn đã tới nơi, 76 người khác đang trên đường đi.
Trưởng đoàn cứu hộ cho biết công cuộc tìm kiếm sẽ được thực hiện xuyên đêm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, các nhóm lặn đã tạm dừng hoạt động.
Đoàn tìm kiếm cứu hộ vẫn tiếp tục hoạt động. Ảnh: AP
Cập nhật 20h11:
Trước tai nạn thảm khốc này, Ủy Ban Châu Âu cho biết không có kế hoạch cấm hãng hàng không Lion Air hoạt động tại châu Âu.
Phát ngôn viên của Ủy ban Enrico Brivio cho biết "không có dấu hiệu nào cho thấy mức độ an toàn của hãng Lion Air hay toàn bộ Indonesia nói chung đang giảm sút".
Tuy vậy, ông Brivio khẳng định Ủy ban sẽ phân tích kết quả của cuộc điều tra và đưa ra quyết định sau.
Hoạt động tìm kiếm vào chiều muộn ngày 29/10. Ảnh: AP
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Australia cho biết các quan chức chính phủ và những nhân vật quan trọng của công ty Australia "được yêu cầu không sử dụng dịch vụ của Lion Air" sau vụ tai nạn.
Cập nhật 19h08: Tàu chiến vào cuộc
Trả lời tại cuộc họp báo ngắn, một đại diện cho biết: "Chúng tôi đã tìm được các mảnh thi thể và cho vào 6 túi lớn để đưa tới Bệnh viện Quốc gia. Chúng tôi phát hiện được chân, bàn tay, tai và một số bộ phận khác, nhưng không tìm được người sống sót". Ngoài ra, hải quân Indonesia đã huy động KRI Rigel, một tàu chiến được trang bị thiết bị vận hành từ xa cùng công nghệ sóng âm để hỗ trợ cho công tác tìm xác máy bay.
Cập nhật 18h29: Ưu tiên tìm kiếm thi thể
Theo thông tin mới nhất, vẫn chưa tìm thấy vị trí chính xác của xác máy bay. Các đội cứu hộ đang tập trung tìm kiếm người mất tích cùng thi thể các nạn nhân.
Một quan chức cho biết, vùng nước nơi xảy ra tai nạn sâu tới 30m. Theo kế hoạch ban đầu, việc tìm kiếm sẽ kéo dài 7 ngày và có thể lâu hơn nếu không đạt được kết quả như ý.
Được biết, vụ tai nạn ngày hôm nay là thảm họa hàng không kinh hoàng nhất tại Indonesia kể từ khi một chuyến bay của hãng AirAsia bay từ Surabaya tới Singapore lao xuống biển vào tháng 12/2014 làm toàn bộ 162 người thiệt mạng.
Các hãng hàng không Indonesia đã bị cấm bay tới châu Âu từ năm 2007 bởi lo ngại về vấn đề an toàn. Lệnh cấm đã được gỡ bỏ hoàn toàn vào tháng 6 năm nay.
Lion Air là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất và mới nhất của Indonesia. Hãng khai thác nhiều tuyến nội địa và quốc tế.
Cập nhật 18h14: Công bố thông tin các thành viên phi hành đoàn
Cơ trưởng trong chuyến bay là Bhavye Suneja, một công dân Jakarta gốc New Delhi. Theo hồ sơ, phi công Suneja làm việc tại Lion Air từ tháng 3/2011 và đã có 6.000 giờ bay. Ông cũng từng là phi công tập sự tại hãng Emirates từ tháng 9 tới tháng 12 năm 2010.
Cơ phó tên là Harvio và có 5.000 giờ bay.
Cơ trưởng Bhavye Suneja. Ảnh: FBNV
Các thành viên phi hành đoàn là Shintia Melina, Citra Noivita Anggelia, Alviani Hidayatul Solikha, Damayanti Simarmata, Mery Yulianda, và Deny Maula.
Hãng Lion Air đã đổi màu trang web và trang mạng xã hội thành màu đen để tưởng niệm các nạn nhân xấu số.
Các nguồn tin khác cho biết máy bay có số đăng kí PK-LQP, được sản xuất năm 2018 và bắt đầu đi vào vận hành tại Lion Air từ ngày 15/8/2018.
"Lion Air rất quan ngại về vụ việc và sẽ hợp tác với các bên liên quan để xử lí các vấn đề liên quan," đại diện hãng hàng không nói.
Indonesia tìm thấy mảnh vỡ máy bay Lion Air trên biển
Cập nhật 17h11: Indonesia trục vớt những thi thể đầu tiên
Nhóm cứu hộ thuộc Đơn vị Phòng vệ Biển và Bờ biển (KPLP) đã đưa 7 túi thi thể tới cảng JICT 2, Tanjung Priok vào lúc 17h00 chiều nay. Hiện vẫn chưa rõ những thi thể này có còn nguyên vẹn hay không.
Các thi thể đã lập tức được xe cứu thương đưa về bệnh viện Cảnh sát Kramat Jati để làm công tác giám định.
Ảnh: Kompas
Ảnh: Kompas
Cập nhật 16h46: 80 xe cứu thương túc trực
Khoảng 80 xe cứu thương đã được điều động tới một cảng biển ở Tanjung Priok gần hiện trường, sẵn sàng tham gia ứng cứu trong trường hợp tìm thấy các nạn nhân của vụ tai nạn.
Ảnh: Kompas
Cập nhật 16h02: Phi công Lion Air yêu cầu quay lại sân bay 2-3 phút sau khi cất cánh
Một trong hai phi công của chuyến bay JT-610 (hãng hàng không Lion Air) đã đề nghị đài kiểm soát không lưu cho phép máy bay quay trở lại sân bay chỉ 2-3 phút sau khi cất cánh, người đứng đầu ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia cho biết.
Đề nghị này đã nhận được sự cho phép của bộ phận kiểm soát.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Soerjanto Tjahjono cho biết:
"Chúng tôi đang đánh giá xem điều gì khiến [phi công] yêu cầu quay trở lại sân bay. Bộ phận kiểm soát không lưu đã chấp nhận yêu cầu. Điều này sẽ được làm rõ sau khi chúng tôi có được hộp đen. Chúng ta hãy cùng chờ đợi".
Cập nhật 15h58: Tổng thống Jokowi Widodo chia buồn
Đăng tải trên Twitter, Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo chia buồn với thân nhân của các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay JT-610 của Lion Air, vừa bị rơi sáng nay.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tìm kiếm các nạn nhân", ông Widodo nhấn mạnh trong tweet mới đây, chia sẻ kèm bức hình minh họa chiếc máy bay gặp nạn.
Theo Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi, ông Widodo sẽ tới sân bay Soekarno Hatta vào lúc 18h00 hôm nay.
Cập nhật 15h40: "Không ai sống sót"
Bình nhiên liệu của chiếc máy bay hãng Lion Air đã được trục vớt từ hiện trường tai nạn. Sputnik dẫn nguồn phát ngôn viên Cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia (Basarnas) cho biết, bình nhiên liệu đã bị nổ vỡ.
"Không ai sống sót cả. Bình nhiên liệu được vớt đã bị vỡ và nổ. Phía trên bình nhiên liệu có một lỗ rò", phát ngôn viên của Basarnas nói.
Cập nhật 15h29: Thời tiết có thể không phải là nguyên nhân tai nạn
Chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Lion Air đã cất cánh trong điều kiện thời tiết thuận lợi và trước đó đã được bảo trì đầy đủ, giám đốc điều hành Lion Air cho hay.
CNN dẫn lời cựu điều tra viên sự cố Alan Diehl nhận định:
"Các nhà điều tra an toàn hàng không sẽ nhìn vào 4 hạng mục lớn: Kỹ thuật, con người, thời tiết và tội phạm. Có vẻ như hiện nay, thời tiết không phải là vấn đề, nhưng ngoài ra thì mọi yếu tố đều có thể tính đến".
"Rõ ràng, nếu gặp tình huống cấp bách thì trước hết bạn sẽ phải tập trung tìm hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề, vì thế có thể bạn không có nhiều thời gian để trao đổi với các nhân viên kiểm soát không lưu. Việc họ có đủ thời gian để nói rằng họ muốn quay lại [sân bay] là điều đáng chú ý".
Cập nhật 15h02: Xác định được vị trí hộp đen
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia đang gom các mảnh vỡ từ chiếc máy bay của hãng Lion Air, được cho là đã rơi xuống vùng biển phía bắc Karawang, Tây Java. Hộp đen vẫn chưa được trục vớt nhưng giới chức Indonesia cho biết, họ đã xác định được vị trí của vật thể này.
"Cho tới thời điểm này hộp đen vẫn chưa được tìm thấy, nhưng từ những công cụ hiện tại, chúng tôi đã giám sát được vị trí rồi", Phó phụ trách hoạt động của Basarnas Nugroho Budi cho biết.
Phó phụ trách hoạt động của Basarnas Nugroho Budi. Ảnh: idnnews
Ông Nugroho cho hay, nhóm cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được phần xác chính của chiếc máy bay. Họ mới chỉ trục vớt được các mảnh vỡ và một số đồ vật được cho là thuộc về các hành khách có mặt trên chuyến bay gặp nạn.
Ảnh: Kompas
Ảnh: Kompas
Ảnh: EPA
Infographic: Toàn cảnh vụ tai nạn
Cập nhật 13h32: JT-610 từng gặp trục trặc kỹ thuật
JT 610 đã gặp vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay trước đó nhưng vấn đề đã được giải quyết theo quy trình, lãnh đạo Lion Air cho hay.
"Máy bay ở trong tình trạng phù hợp để bay. Có vấn đề kỹ thuật được ghi nhận sau chuyến bay vào đêm hôm trước, chặng Denpasar-Jakarta và sau đó vấn đề đã được xử lý", giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait nói trong một cuộc họp báo, "Chúng tôi chắc chắn rằng các phi công của mình đã vận hành theo đúng quy trình".
Cập nhật 13h07: Boeing sẵn sàng hỗ trợ
Trong thông cáo đăng tải trên trang web, hãng Boeing đã bày tỏ sự thương tiếc trước sự mất mát liên quan tới vụ rơi máy bay của Lion Air và cho biết hãng sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong công tác điều tra.
Cập nhật 13h03:
Lực lượng cứu hộ sẽ lặn xuống biển để tìm kiếm, thu thập mảnh vỡ và xác của chiếc máy bay gặp nạn.
"Chúng tôi đã điều động 130 nhân sự và 30 người từ các đơn vị khác, 3 tàu, 1 trực thăng và một vài tàu thuyền", người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu hộ quốc gia Indonesia Muhammad Syaugi nói trước báo giới.
Theo Tân Hoa Xã, ông Syaugi cho biết, một trong những trọng điểm của công tác cứu hộ là lặn xuống biển ở độ sâu từ 30 tới 35m để tới được nơi xác máy bay rơi.
"Chúng tôi đang nỗ lực lặn xuống để tìm kiếm phần xác chính của máy bay. Chúng tôi đã phát hiện thấy phao, điện thoại di động và nhiều thứ khác", ông Syaugi nói.
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: Twitter
Ảnh: Twitter
Cập nhật 12h40:
Thân nhân của các hành khách có mặt trên chuyến bay JT-610 lo lắng đợi tin ở sân bay.
Ảnh: Reuters
Ảnh: AP
Cập nhật 11h50:
Cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia đã đăng tải những dòng tweet chính thức đầu tiên cập nhật về sự cố hàng không. Theo đó, một nhóm 46 người đã được huy động tới hiện trường, và phát hiện một số giấy tờ tùy thân, bằng lái xe... thuộc về các hành khách.
Nhóm cứu hộ cũng xác nhận hình ảnh mảnh vỡ từ hiện trường.
(Ảnh: Basarnas)
Một số vật dụng mà lực lượng tìm kiếm thu được từ hiện vị trí máy bay gặp nạn trên biển Java (Ảnh: Twitter)
Cập nhật 11h06: Trên máy bay có 20 quan chức
Người đứng đầu NSRA ông Muhammad Syaugi trao đổi với báo chí, cho biết chiếc máy bay đã bị rơi xuống Vịnh Karawang. Vùng nước ở vị trí tai nạn sâu khoảng 30m đến 35m.
"Chúng tôi tìm thấy mảnh vỡ [máy bay] trên mặt biển... Vị trí nằm cách địa điểm máy bay mất liên lạc khoảng 2 hải lý," ông cho biết. Vị trí vụ tai nạn nằm gần một cơ sở của doanh nghiệp dầu mỏ quốc doanh Pertamina tại tỉnh West Java.
Một đoạn video trên truyền hình địa phương cho thấy một số ví và điện thoại di động đã được tìm thấy trên mặt nước.
Các quan chức cho biết chiếc máy bay đã yêu cầu trở lại [sân bay] trước khi biến mất khỏi radar.
Lãnh đạo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT), tiến sĩ Soerjanto Tjahjono chiếc Boeing 737 Max 8 gặp nạn được đưa vào sử dụng từ tháng 8 năm nay và mới chỉ bay 800 giờ.
Trả lời về nguyên nhân sự cố, ông nói "chúng tôi chưa thể nhận định gì trước khi tìm thấy hộp đen, cũng như các đoạn ghi âm từ kiểm soát không lưu".
Liên quan đến 189 hành khách trên chuyến bay, báo Strait Times cho biết có khoảng 20 công chức Bộ tài chính Indonesia được cho là có mặt trên máy bay gặp nạn.
Theo Reuters, cơ trưởng và cơ phó điều khiển chuyến bay JT-610 có tổng giờ bay là 11.000 giờ.
Mảnh vỡ từ máy bay của Lion Air được tìm thấy trên biển (Ảnh: National Disaster Mitigation Agency)
Thân nhân các hành khách chờ tin ở sân bay Depati Amir, Pangkal Pinang (Ảnh: AP)
Cập nhật 10h13: JT-610 chở 189 người
Theo cơ quan phụ trách chiến dịch tìm kiếm của Indonesia, chiếc máy bay gặp nạn chở 189 người, trong đó có 2 trẻ sơ sinh, 1 trẻ nhỏ, 2 phi công và 6 người trong đội tiếp viên.
Trang Flightradar đã theo dấu hành trình của chiếc máy bay, cho thấy chiếc Boeing bay về phía nam sau khi cất cánh rồi vòng lại hướng bắc, trước khi lộ trình bị mất dấu ở biển Java, ngoài khơi Indonesia.
Chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành. Cơ quan tìm kiếm cứu hộ quốc gia (NSRA) Indonesia đã gửi điện đề nghị không quân nước này hỗ trợ tìm kiếm ở một địa điểm trên biển Java.
Ông Edward Sirait, giám đốc điều hành của Lion Air Group, cho biết hãng "chưa thể đưa ra bình luận gì vào lúc này". "Chúng tôi đang cố gắng thu thập tất cả thông tin và dữ liệu," ông nói.
Cập nhật 9h41: Indonesia xác định máy bay rơi, mất liên lạc sau khi cất cánh 13 phút
Người phát ngôn cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia, ông Yusuf Latif, thông báo "đã xác nhận [máy bay Lion Air] bị rơi". Ông cho biết chiếc Boeing mất liên lạc với kiểm soát không lưu 13 phút sau khi cất cánh và đã bị đâm xuống biển ngoài khơi Indonesia.
Đài phát thanh Elshinta cho hay, Dịch vụ lưu thông tàu thuyền (VTS) của cảng Tanjung nhận được thông báo từ một tàu kéo rằng tàu này xác định được một chiếc máy bay lao xuống nước vào sáng nay.
Số lượng hành khách và thành viên phi hành đoàn có mặt trên máy bay chưa được xác định.
Hình ảnh ghi lại hành trình của chuyến bay JT-610 trước khi mất liên lạc (Nguồn: flightradar24)
Thông tin ban đầu
Chuyến bay số hiệu JT-610 của hãng Lion Air (Indonesia) cất cánh từ sân bay Jakarta vào lúc 6h20 sáng nay, 29/10, và mất liên lạc lúc 6h33.
Được biết, máy bay mất tích là một chiếc Boeing 737. Chuyến bay dự kiến hạ cánh tại Pangkal Pinang lúc 7h20.
Phát ngôn viên của hãng Lion Air Danang Mandala Prihantoro cho biết: "Chúng tôi xác nhận một trong các chuyến bay của mình đã bị mất liên lạc và vị trí máy bay chưa thể được xác định".
Người phát ngôn Cơ quan Kiểm soát Không lưu Indonesia (AirNav) Yohanes Harry Douglas cũng xác nhận thông tin chuyến bay JT-610 mất liên lạc.
Sự cố hàng không nghiêm trọng gần đây nhất ở Indonesia là vụ việc vào tháng 12/2014, khi máy bay Airbus A320 chở 162 hành khách bị rơi xuống biển sau khi cất cánh từ Surabaya đi Singapore.