Nỗi sợ hãi sinh con thứ 2 của các bà mẹ ở Trung Quốc và hệ lụy không ngờ của những gia đình chỉ có một con

Diệp Lục,
Chia sẻ

Nhiều gia đình Trung Quốc từ chối việc sinh thêm con thứ 2 nhưng họ không ngờ rằng chính điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa con duy nhất.

Nỗi sợ hãi sinh con thứ 2

Xu Meiru, 38 tuổi, đang ngày càng từ bỏ ý định sẽ sinh con thứ 2. Mỗi ngày của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc cho đến 23 giờ đêm. Cô bận rộn cả ngày với việc đưa con trai 9 tuổi đến trường, dạy con học bài, chuẩn bị bữa tối và điều hành công việc kinh doanh bán quần áo online. Xu Meiru cho hay thật khó để cô có một giấc ngủ trọn vẹn hay thời gian chợp mắt ít ỏi.

Tuy nhiên, điều mà cô lo lắng nhất đó là làm sao để giúp con có một tương lai xán lạn phía trước. Cô cho con đi học âm nhạc, taekwondo và lớp tiếng Anh. Người phụ nữ 38 tuổi cho biết, xã hội ngày nay tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nếu con bạn không học giỏi ở trường thì sẽ không thể nào vào được một trường đại học tốt. Điều đó dẫn đến việc con cô sẽ không có một công việc tốt trong tương lai. Chính vì vậy, Xu Meiru luôn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh sinh con thứ 2. Điều này sẽ khiến cô kiệt sức, không đảm bảo nuôi dạy tốt 2 đứa trẻ cùng một lúc.

Theo các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, quốc gia này đang phải đối mặt với thực trạng dân số ngày càng thu hẹp và già hóa. Dù đã chấm dứt chính sách một con từ nhiều năm nay nhưng dường như hệ lụy của nó vẫn kéo dài cho đến hiện tại. Tỷ lệ sinh ở nước này đang tiếp tục giảm vì nhiều cha mẹ không muốn sinh thêm con. Thậm chí giới trẻ ngày nay đã trì hoãn việc kết hôn và sinh con để chạy theo mục đích, lý tưởng sống của mình.

fh - Ảnh 1.

Cô Xu Meiru không có ý định sinh con thứ 2.

Hơn nữa, việc chính sách một con tồn tại nhiều thập kỷ qua đã khiến các hộ gia đình coi việc sinh một đứa con là chuẩn mực. Theo dự đoán, 1/3 dân số Trung Quốc sẽ là những người trên 60 tuổi vào năm 2050, tạo ra áp lực cho các dịch vụ nhà nước và bản thân những người trẻ cũng phải chịu căng thẳng cho việc chăm sóc người thân cao tuổi.

Với kinh tế eo hẹp, anh Zhang và vợ quyết định không sinh con nữa. Anh đã không được tăng lương trong 3 năm qua. Khi con trai anh đi học mẫu giáo, một nửa thu nhập của Zhang đã dùng để chi trả cho việc học tập của con cùng các hoạt động ngoại khóa. Anh Zhang luôn hy vọng con sẽ được học trong trường đại học nổi tiếng và có được sự nghiệp thành công hơn anh.

Do đó, nhiều bậc cha mẹ đã dồn hết sự yêu thương và chăm sóc của mình cho đứa con độc nhất với hy vọng chúng sẽ có tương lai tươi sáng, dẫn đến việc hàng trăm triệu trẻ em là con một trở thành "tiểu hoàng đế" bởi chúng được nuôi chiều quá mức. Ngay từ rất sớm, các "ông vua nhỏ", theo sự sắp đặt của người lớn, đã phải tham gia "cuộc đua" tìm kiếm vị thế cao quý cho mình. Các bậc phụ huynh Trung Quốc đua nhau đầu tư tiền của để con không bị tụt hậu hay thua kém bè bạn.

Nỗi sợ hãi sinh con thứ 2 của các bà mẹ ở Trung Quốc và hệ lụy không ngờ của những gia đình chỉ có một con - Ảnh 2.

"Tiểu hoàng đế" trong gia đình

Việc nuông chiều quá mức của cha mẹ đã để lại hệ lụy dành cho những đứa trẻ này. Việc cha mẹ đầu tư tiền bạc để cho các con học ngoại khóa, tham gia các lớp học năng khiếu đã vô tình khiến những đứa trẻ mất đi tuổi thơ, áp lực đè nặng lên đôi vai của các em từ rất sớm, gánh vác trên vai thực hiện những kỳ vọng của cha mẹ. Không ít những trường hợp tự tử đã xảy ra ở các em học sinh chỉ vì không đạt được thành tích trong học tập, bị bố mẹ la mắng và khiến họ thất vọng.

Bên cạnh đó, vì chỉ có đứa con duy nhất nên các gia đình luôn bảo bọc cẩn thận đứa con của mình khiến đứa trẻ mất đi kỹ năng sinh tồn và không chịu được những sự tổn thương, đả kích quá lớn. Sự nuông chiều quá mức của các bậc phụ huynh đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành và phát triển nhân cách ở trẻ. Nghiên cứu mới đây nhất của Viện tâm lý thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết những đứa trẻ con một, đặc biệt là ở thành phố, sống ích kỷ, thích dựa dẫm vào người khác và luôn đòi hỏi đáp ứng ngay những gì chúng muốn.

Zhang Sining, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học nhân văn Liêu Ninh nhận định tỷ lệ ly hôn ở thế hệ 8X ở Trung Quốc hiện nay khá cao. Những cuộc hôn nhân tồn tại ngắn ngủi bởi ai cũng muốn mình là số một, như khi còn bé. Không ai chịu nhượng bộ và họ cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày như ai sẽ giặt quần áo, ai sẽ nấu cơm…Theo tờ Tân Hoa Xã tỷ lệ ly hôn là 24,5% khi cả hai người đều là con một và là 8,4% khi chỉ một người là con một.

Nỗi sợ hãi sinh con thứ 2 của các bà mẹ ở Trung Quốc và hệ lụy không ngờ của những gia đình chỉ có một con - Ảnh 3.

Nhiều đứa trẻ trở nên mong manh vì sự bao bọc quá kỹ của gia đình.

Trong khi đó, nhiều người chưa kết hôn ở độ tuổi 30 vẫn sống với bố mẹ và được bao bọc như còn trẻ con. Theo truyền thống, người Trung Quốc sống ở nhà cho đến khi lập gia đình. Chen Xinxi, một nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Phụ nữ Quốc gia, nói với tờ Los Angeles Times: "Ở Mỹ, khi trẻ em 18 tuổi, cha mẹ coi họ là người lớn và đuổi họ ra khỏi nhà. Ở Trung Quốc, cha mẹ của những đứa con độc thân không muốn chúng lớn để rời khỏi nhà, cho dù họ bao nhiêu tuổi cũng vẫn là trẻ con".

Nhiều cha mẹ Trung Quốc hiện nay đang rơi vào vòng luẩn quẩn họ không muốn sinh con thứ 2 vì muốn giúp đứa trẻ duy nhất của họ thành công. Tuy nhiên họ lại sợ các con áp lực mà có thể tự sát. Họ hết sức nuông chiều con nhưng cuối cùng lại khiến chúng trở nên mong manh hơn trước thực tại khắc nghiệt.

Cô Xu gửi con đến lớp học thêm để con có hành trang vững chắc vào đời nhưng cô lại lo lắng rằng con mình phải chịu quá nhiều áp lực. Cô luôn cố gắng sắp xếp lịch trình để con trai có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi con cô nhận điểm kém trong bài kiểm tra cô lại lo lắng và tự dằn vặt mình tại sao không để con học hành chăm chỉ thêm. Rõ ràng việc chỉ sinh một con chưa hẳn là một điều tốt hoàn toàn như theo suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc.

Nguồn: Theguardian

Chia sẻ