Nỗi niềm của nữ bác sĩ phụ khoa: Một ngày khám 200 ca, chỉ thèm một hớp không khí trong lành
Thường thì bác sĩ trong giờ làm việc không còn thời gian uống nước hoặc đi vệ sinh. Với các bác sĩ phụ khoa, cường độ làm việc khủng khiếp đó còn khiến họ thèm một thứ giản dị hơn: chút thời gian để hít thở.
Tại phòng khám sản phụ khoa, có đầy những câu chuyện tế nhị, khó nói mà chỉ bác sĩ và bệnh nhân biết với nhau. Làm việc ở phòng khám vùng "tam giác mật" của chị em, đồng nghĩa với việc bác sĩ biết hết những bí mật thâm sâu nhất, thấm thía cả những nỗi khổ của bệnh nhân khi mắc bệnh khó nói.
Nhưng có một điều ít người biết, đó là chính bác sĩ cũng có những nỗi niềm riêng, những nỗi khổ nghề nghiệp mà hiếm khi họ chia sẻ rộng rãi, hoặc chỉ để kể nhau nghe lúc trà dư tửu hậu.
Bác sĩ Nhàn Lê, nữ bác sĩ sản khoa đang công tác tại một bệnh viện công ở TP. HCM đã có những trải lòng rất thật về nỗi khổ nghề nghiệp của mình trên Facebook cá nhân của chị. Bài viết nhanh chóng gây "bão" vì sự hài hước, những lát cắt chân thực mà không kém phần chua chát về chuyện nghề tế nhị này.
Một ngày khám 200 "tam giác mật", BS chẳng có thời gian đi vệ sinh
Có lẽ ước muốn khám một ngày dưới 50 bệnh nhân là một ước muốn mãi xa vời ở nơi này. Ước muốn có đủ thời gian để khám cho kỹ và tư vấn cho kỹ thì mãi chỉ là ước muốn mà thôi.
Một ngày khám 200 người, ngày ít thì cũng 150 người cho 8 tiếng.
Như vậy 8 x 60 = 480 phút
480 phút chia cho 200 bệnh nhân thì mỗi người được 2,4 phút. Việc này chỉ đủ thời gian lên bàn, xuống bàn, cởi quần, và mặc lại quần.
Cho nên khi bệnh nhân vào thì bộ phận nữ hộ sinh đã khai thác triệu chứng và ghi vào sổ khám, BS cứ thế nhìn vào sổ để biết bệnh nhân có những vấn đề gì, yêu cầu gì rồi khám, cho thuốc.
Khám xong thì ghi thuốc ra sổ và hộ sinh in toa, đưa lại BS ký là xong, muốn hỏi gì thêm thì qua phòng ngồi chờ cùng với các bệnh nhân khác đi xét nghiệm về. BS khám xong sẽ chạy qua tư vấn một lượt (vì cái chỗ khám rất chật chội).
Nếu cần thêm siêu âm, chụp Xquang, MRI, CT scan. thì sau khi khám BS đã có chỉ định luôn.
Mỗi ngày, một bác sĩ sản khoa ở bệnh viện công có thể có đến 200 bệnh nhân. (Ảnh minh họa)
Một BS khám đông bệnh nhân như vậy sẽ phải tranh thủ tối đa thời gian mới kịp, thường thì BS không còn thời gian uống nước hoặc đi vệ sinh. BS muốn khai thác thêm triệu chứng thì ngay khi bệnh nhân nằm lên bàn là phải hỏi liến thoắng, liên tục, liên tục cho đến cuối buổi là gần như hết hơi.
Và đương nhiên bệnh nhân cũng sẽ không hài lòng vì thời gian dành cho họ quá ít. Có cố gắng đến mấy cũng không thể làm hài lòng hết được.
Chính vì thế cứ dăm bữa, nửa tháng thì lại xảy ra chuyện. BS khám nhiều thì cũng mệt, bệnh nhân thì lại không thông cảm.
Ám ảnh mùi... viêm
Chưa nói đến việc khám phụ khoa nó có đặc thù riêng của nó. 70% bệnh nhân đến khám là do bị viêm, phần còn lại chừng 10% bị rong kinh rong huyết. Số còn lại thì khám vòng, nang buồng trứng và theo dõi nhân xơ tử cung.
Nếu các anh chị muốn tìm hiểu thì cứ tra google mùi của viêm âm đạo thế nào, mùi của máu ứ đọng trong môi trường yếm khí nó ra sao.
Sách vở mô tả khi âm đạo viêm thì có mùi như mùi cá chết, còn mùi máu thì cũng tương tự. Theo cảm nhận của tôi thì phải là mùi tôm chết mới đúng.
Các bạn cắt đầu tôm ra bỏ vào thùng rác, sáng hôm sau mở ra thì sẽ có mùi y như vậy. Cho nên mới có chuyện ông chồng của một BS nọ có phụ vợ ghi sổ sách, và ngồi bàn tiếp nhận tại phòng khám. Sau một thời gian thì anh này nói "bây giờ bà nào bị viêm đi qua trước mặt anh là anh biết ngay".
Viêm vùng kín là một trong những bệnh phổ biến nhất của các bệnh nhân đến với bác sĩ phụ khoa. (Ảnh minh họa)
Và khi bị viêm, nếu các bạn cúi xuống sẽ thấy mùi sực lên mũi. Ít nhất cái mũi của các bạn còn cách xa vùng chiêm trũng ấy 50 cm và cũng chỉ có một thứ mùi duy nhất của chính mình. Còn BS thì một ngày ngửi chừng 150 tới 200 ca như vậy và mũi chúng tôi chỉ cách vùng "ngã ba nguy hiểm" đó 20 cm mà thôi.
Đôi khi lúc khám bệnh cho bệnh nhân, tôi phải nín thở, việc nín thở nhiều đến mức có khi cảm thấy tức ngực . Do đó, có những lúc khám xong, tôi chạy vội qua phòng khác để thở. Hoặc đang khám phải đứng lại quay đầu ra cái quạt để hít không khí rồi mới khám tiếp.
Bị bệnh nhân ý kiến vì ra ngoài hít thở
Ngày nọ, có một bệnh nhân đi khám lúc 16g15, cũng là bệnh nhân cuối cùng. Cô này khám vì lý do ngứa.
Khi khám xong, tôi ra toa, đưa sổ cho cô hộ sinh và tranh thủ chạy qua phòng bên rửa tay, uống nước và... hít thở chút không khí.
Vừa kịp hít vài hơi thì cô hộ sinh kêu "bác ơi bệnh nhân thắc mắc".
Vội chạy qua để xem thắc mắc cái gì.
Bác sĩ sản phụ khoa cũng có những nỗi niềm riêng khó nói. (Ảnh minh họa)
- Tại sao BS khám xong mà không ngồi đây cho tôi hỏi mà lại bỏ đi? Ở các bệnh viện khác thì khám xong là BS ngồi đây đánh máy và cho bệnh nhân hỏi.
- Hỏi cái gì thì em cứ hỏi chứ tôi đâu có cấm? Còn việc của em, tôi khám xong, cho thuốc rồi, tôi đâu có vô trách nhiệm?
- Nhưng mà tôi muốn đi siêu âm.
- Thì chị thích đi siêu âm thì đi siêu âm, cô hộ sinh in chỉ định cho chị chứ có gì mà căng thẳng?
- Nhưng tôi hỏi tại sao khám xong BS lại bỏ đi?
- Này, tôi nói cho cô nghe này. Không có cái lý do gì mà tôi phải ngồi đây để đánh máy trong khi mấy cô phụ tá của tôi ngồi đây có thể làm, một ngày tôi khám 200 người mà cô muốn tôi ngồi đánh máy nữa thì tôi khám cái kiểu gì?
- Nhưng các bệnh viện khác sau khi khám xong BS ngồi đây cho bệnh nhân hỏi mà tại sao chị lại bỏ đi. BS phải xem lại tư cách của mình, không phải mỗi chị mới là BS đâu, nhiều người còn giỏi hơn chị, hay hơn chị, cao hơn chị, thông thái hơn chị, làm ở bệnh viện lớn hơn chị.
- Tôi biết, cô không phải dạy, tư cách của tôi ra sao tôi tự biết, còn cô, cô muốn hỏi thì cô ngồi tại đây, nhân viên phụ tá tự báo tôi, tôi chưa ra khỏi phòng kia mà? Không lẽ tôi đi hít thở mà cô cũng thắc mắc nữa hả?
Chị đi khám ngứa âm đạo thì tôi khám, khám xong ra toa thuốc vậy còn gì? Trong sổ đâu có thấy ghi bệnh nhân muốn siêu âm đâu? Và cũng đâu phải bệnh nhân nào vào BS cũng cho đi siêu âm? Viêm âm đạo thì khám, nhìn bằng mắt chứ siêu âm thì thấy cái gì?
- (Cô phụ tá) Dạ, bệnh nhân muốn đi siêu âm.
- Bệnh nhân muốn siêu âm thì em cứ in chỉ định đi siêu âm, có ai khó khăn chuyện đó?
- Nhưng bệnh nhân nói là tại sao bác không cho chỉ định?
- Tôi khám tử cung không to, bụng không u thì tại sao phải chỉ định? Chị muốn siêu âm cho biết thì chị phải nói chứ?
- (Bệnh nhân) BS khám xong phải ngồi đây cho tôi hỏi chứ sao lại bỏ đi?
Thiệt tình, tới đó là bực lắm rồi, chạy qua phòng bên uống một ngụm nước và thở một miếng không khí sạch cũng không được. Tôi nghĩ, nếu có kiếp sau, mong sao bệnh nhân này rơi vào "cung" BS phụ khoa, mỗi ngày phải ngửi 200 lần mùi... tôm chết để cảm nhận áp lực của nó thế nào.
Chuyện này mà bệnh nhân quay video clip lên, chắc dân tình lại xúm vào chửi tôi, nào là bác sĩ không tận tâm, bác sĩ không nhiệt tình, coi thường bệnh nhân, chứ họ đâu có biết BS khám cho 200 bệnh nhân một ngày, ngửi 200 lần mùi bệnh phẩm cũng có lúc tắc thở và cần hít chút không khí trong lành. Ai cũng là con người kia mà?