Nơi người dân sống chung với tàu hỏa giữa Hà Nội
Mỗi khi có đoàn tàu chạy qua, người dân lại "dạt" sang hai bên để tránh đường. Sau đó, mọi sinh hoạt lại trở về bình thường như được lập trình sẵn.
Nhà cửa san sát nhau, chỉ cách đường ray tàu hỏa chưa đầy 2m, hằng ngày người dân nơi đây vẫn sống và sinh hoạt như được “lập trình” sẵn giữa lòng Thủ đô. Nơi mà họ mang cả cuộc sống của mình lên đường sắt.
Nói là lập trình, bởi người dân ở đây nắm rõ giờ tàu chạy. Các hoạt động thường ngày từ cơm nước, giặt giũ đến những công việc như đánh giấy ráp, làm mộc, bán hoa quả, quần áo đều diễn ra sát cạnh, thậm chí ngay trên đường ray. Khi có tàu đến, họ tránh một bên. Tàu đi qua, họ lại trở về vị trí của mình.
Sống chung với tử thần
Đó là khu phố ven đường ray tàu hỏa kéo dài từ đường Lê Duẩn, qua Khâm Thiên và lên lối Cửa Nam. Mỗi ngày, có đến hàng chục chuyến tàu hỏa chạy qua đây, và hàng trăm hộ gia đình vẫn “thản nhiên” sống và sinh hoạt chung với cảnh “xình xịch” của tàu hỏa, nguy hiểm luôn rình rập. Nếu ai lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng này, ắt sẽ phải “nổi da gà” vì có thể bị tàu hỏa cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào, nhưng với nhiều hộ gia đình đã gắn bó hàng chục năm ở khu phố đặc biệt này, đó là chuyện bình thường.
Có mặt tại đoạn đường sắt từ đường Lê Duẩn cắt ngang đường Điện Biên Phủ, chúng tôi chứng kiến cảnh sinh hoạt của hàng chục hộ dân khi không có tiếng còi tàu. Vòi nước cách đường ray chưa đầy 2m, bác Tuyến đang rửa rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Khi gặp tôi đi dọc đường sắt, bác cười nói: “Chỗ này có gì đâu mà tham quan du lịch hả chú”. Hỏi chuyện, được biết bác ở đây đã mười mấy năm. Bác có hai người con cùng sinh sống trong căn nhà ngay sát đường ray.
Nhà nhỏ, để tiết kiệm diện tích, bác lắp thêm vòi nước ở trước cửa nhà để tiện cho sinh hoạt. Khi tôi hỏi, nếu có tàu đến chạy sao cho kịp hả bác? Với kinh nghiệm hơn chục năm sinh sống ở đây, bác bảo: “Giờ mình quen giờ tàu rồi chú ạ, nắm rõ trong lòng bán tay, kể cả ngày lễ tăng tuyến. Đến khung giờ đấy có tàu chạy thì sẽ tránh khỏi khu vực đường ray cho an toàn, đến khi tàu chạy qua, mọi sinh hoạt lại trở về bình thường. Bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn sinh hoạt như vậy mà. Chỉ có người khách đến thì mới thấy lạ, sợ tàu hỏa, chứ chúng tôi thì quá quen rồi”.
Cách đó mấy bước chân, chị L. đang nhóm bếp than để nấu ăn. Cũng như gia đình bác Tuyến, vào giờ nấu ăn, gia đình chị L. phải di chuyển bếp than tổ ong ra khỏi khuôn viên nhà để nấu nướng cho tiết kiệm diện tích. Chị L. cùng chồng thuê căn phòng trọ cạnh đường sắt này được gần nửa năm. “Hai vợ chồng đi làm cả ngày nên cũng không cần thuê nhà rộng rãi, lại vừa tiết kiệm được chi phí. Ngày đầu mới về đây sống, sợ tàu hỏa lắm. Tối đến tiếng tàu chạy xình xịch, còn buổi ngày nhìn nó lao nhanh cũng thấy sợ, nhưng sống miết rồi lại quen” chị L. tâm sự.
Theo quan sát của PV, hầu hết những hộ gia đình sống hai bên đường sắt đều đặt bếp than trước cửa nhà để tiện cho việc nấu nướng và tiết kiệm diện tích. Có người còn nói đùa rằng: "Chúng tôi mang cả cuộc sống của mình lên đường tàu"
Bác Th. Là một cư dân lâu năm tại khu phố này, lý giải cho việc gắn bó hàng chục năm ở đây, bác bảo: “Cũng muốn chuyển đi chỗ khác sống cho thoải mái, tránh nguy hiểm nhưng điều kiện không cho phép. Gia đình đành phải khắc phục khó khăn để tiếp tục gắn bó với nơi này”. Nhiều hộ gia đình còn nuôi cả gà, trồng rau xanh vào các chậu xốp xếp dọc đường tàu.
Và ở đây, cũng không thiếu những hàng quán kinh doanh. Các quán cơm bình dân, quán cắt tóc, cơm phở vẫn mọc lên đều. Theo tìm hiểu, những khu vực này thường chi phí thuê thấp, phục vụ chủ yếu các đối tượng lao động phổ thông. Nên các chủ hàng vẫn chấp nhận thuê để kinh doanh mặc dù gặp nhiều khó khăn về giao thông. Để đi vào được một quán cắt tóc tại xóm đường tàu này, người đi xe máy phải men theo con đường đá rộng khoảng nửa mét, gồ ghề.
Tấp nập hơn, nhộn nhịp hơn là xóm đường tàu dọc đoạn đường từ Lê Duẩn – Khâm Thiên vào đến Ga Hà Nội. Nằm giữa khu phố trung tâm, đoạn đường này vẫn tấp nập như những con phố bình thường ở Hà Nội. Dọc theo đó là những cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, đồ nội thất. Cung đường này phục vụ các tuyến tàu chạy Bắc - Nam nên số lượng chuyến tàu chạy rất nhiều, hầu như tàu chạy rải đều vào các khung giờ trong ngày. Vào giờ tàu chạy, tại các điểm giao cắt với đường sắt, thường có một vài người dân sống cạnh đó đứng ra nhắc nhở các phương tiện giao thông không đi ngang qua để đề phòng tai nạn.
Giờ tàu luôn cố định, nên người dân dễ dàng nắm bắt được đế sắp xếp sinh hoạt của mình. Tuy nhiên, sống cạnh đường ray tàu hỏa vẫn luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Anh K. kể với chúng tôi: “Nhiều hôm gia đình có khách, giờ nấu ăn lệch với sinh hoạt hằng ngày, đúng vào giờ có tàu chạy, khách đến chơi thấy gia đình ngồi nấu ăn trước cửa, gần đường ray mà ai cũng hốt hoảng”.
Nguy hiểm nhất tại xóm đường tàu là đối với trẻ em. Trẻ con ở xóm đường tàu chỉ dám đi lại khi có bố mẹ dắt đi cùng, có chăng chúng chỉ dám chơi đùa mon men trước cửa nhà, nhưng cũng không thoát khỏi ánh mắt trông chừng của bố mẹ. Vừa chở con đi học về, chị H. dắt cháu nhỏ ra công viên chơi, chị nói: “Ở đây mình phải cẩn thận với các cháu, sơ sểnh cái là rất nguy hiểm. Sống ở đây không có sân bãi cho các cháu chơi, nên buổi chiều chở cháu đi học về mình lại dẫn cháu ra công viên Lê Nin cho cháu chơi cùng các bạn”.
Mỗi lúc có tàu đến, người dân lại chạy vào nhà hoặc nép vào sát tường nhà để không bị cuốn vào theo quán tính của tàu. Đồ dùng, xe cộ của gia đình đều phải xếp ngay ngắn và có đủ khoảng cách với đường sắt để bảo đảm tài sản và không gây cản trở tàu khi lưu thông.
Đối với những người dân nơi đây, nỗi sợ hãi mỗi khi có tàu đã không còn nữa. Tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng máy chạy xình xịch đã thành một thói quen tự bao giờ đối với họ.