Nỗi lòng của bậc làm cha mẹ các "quái xế"

Chuyển động 24h,
Chia sẻ

Sau nhiều vụ học sinh vi phạm giao thông xảy ra trên địa bàn, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã tập trung, tăng cường ra quân xử lý nhóm đối tượng này.

Mấy ngày nay, dư luận xã hội lại dành nhiều sự quan tâm để mổ xẻ các góc độ khác nhau liên quan đến những "quái xế". Sự kiện trực tiếp nhất kéo chúng ta quay lại chủ đề không mới này là vụ tai nạn kinh hoàng khiến 1 phụ nữ tử vong tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu - Hà Nội vào rạng sáng 3/11 vừa qua. Sự việc đau lòng này khiến nhiều bậc phụ huynh phải giật mình ám ảnh mỗi khi nghĩ đến tiếng tiếng nẹt pô ầm ĩ với nhiều câu hỏi: "Liệu con mình có đang là 1 trong những thanh niên "đầu đội trời" chứ nhất quyết không đội mũ bảo hiểm kia? Và liệu con mình có đang dừng đèn đỏ trên đường?

Nỗi ám ảnh ấy của các bậc phụ huynh là hoàn toàn có thể hiểu được, bởi thực tế là hàng tối, những tiếng rú ga - nẹt pô vẫn đâu đó làm huyên náo những con đường. Để ngăn chặn 1 hiện tượng thì cách tốt nhất là đi từ nguyên nhân, những yếu tố hình thành nên hiện tượng đó.

Theo Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển xe gắn máy phải có độ tuổi tối thiểu từ đủ 16 tuổi trở lên đối với xe dưới 50 phân khối và người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 phân khối trở lên và phải có giấy phép lái xe phù hợp với từng loại phương tiện.

Vậy nhưng, những ngày qua, khi Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác bí mật ghi hình các bãi giữ xe bên ngoài một trường THPT trên địa bàn thì lại phát hiện không ít học sinh đi xe máy có dung tích xi lanh từ 110 - 125cc. Lý do cho việc sử dụng phương tiện trái quy định thì chỉ đơn giản là "bố mẹ đi công tác không có ai đưa đón nên em lấy xe này đi"; "xe này cháu chỉ dùng để đi học, không đi chơi gì ạ"; "con đi trên đường thì an toàn bình thường, không ảnh hưởng đến ai cả"...

Có thể các em chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ lạng lách, đánh võng trên chiếc xe đi học của mình, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà Luật giao thông đường bộ lại quy định giới hạn độ tuổi điều khiển các phương tiện.

Một trong những lý do cho việc giới hạn độ tuổi đó có lẽ là yếu tố thứ 3: Khả năng làm chủ khao khát thể hiện bản thân của mỗi lứa tuổi. Đây thực sự là yếu tố khó nói, là nỗi canh cánh của nhiều ông bố bà mẹ trong việc đồng hành cùng con, đặc biệt là ở lứa tuổi ngưỡng cửa trưởng thành.

Sự hối hận muộn màng

Chỉ vì không muốn bị bỏ lại phía sau đoàn đua, cậu bé 17 tuổi này đã gây ra tai nạn khiến một nạn nhân 27 tuổi bị chấn thương sọ não, bản thân em cũng bị vỡ quai hàm kèm vết thương nặng ở chân. Phương tiện gây ra tai nạn lại là chiếc xe máy mà bố mẹ em đã phải chắt chiu mới mua được để con trai đi học.

Thương con, tin con, mong con có điều kiện sống tốt hơn nên trao xe cho con. Vậy nhưng con có thực sự nghe lời và thực hiện đúng như cam kết viết trong tờ giấy này thì lại là chuyện khác. Chỉ 1 năm sau khi cậu con trai nhận xe, gia đình đã 2 lần nhận tin con trai có những hành vi vi phạm pháp luật.

Sau sự việc khiến nạn nhân 27 tuổi bị chấn thương sọ não xảy ra vào tháng 6 vừa qua, cậu bé 17 tuổi này đang đứng trước hình phạt 17 tháng tù treo. Giờ thì chuyện đã rồi, tất cả chỉ còn là sự hối hận muộn màng.

Trước thực trạng quái xế gây lo ngại cho người tham gia giao thông, ngày 7/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngoài việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nhiều giải pháp cũng đang được quyết liệt triển khai.

Lạng lách, đánh võng, mang theo cả hung khi gây náo loạn đường phố. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian gần đây, lực lượng công an các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể như tuyên truyền, lập chốt tuần tra kiểm soát ban đêm dưới nhiều hình thức.

Sau nhiều vụ học sinh vi phạm giao thông xảy ra trên địa bàn, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã tập trung, tăng cường ra quân xử lý đối với nhóm đối tượng này. Thay vì chỉ kiểm tra trên các tuyến đường, để tăng tính hiệu quả trong xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã bí mật tiếp cận các bãi xe trong và ngoài trường học, xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối.

Cũng trong đợt cao điểm ra quân, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều trường hợp học sinh sử dụng xe dung tích lớn 110 - 150 phân khối, thậm chí, 1 số phương tiện còn được độ chế sai quy định.

Bằng nhiều biện pháp, lực lượng chức năng đã và đang kịp thời phát hiện để ngăn chặn từ sớm, từ xa việc thanh thiếu niên tụ tập vi phạm pháp luật, từ đó giữ gìn bình yên cho các tuyến phố, an ninh trật tự cho toàn xã hội.

Chia sẻ