Nỗi khổ hôi miệng

,
Chia sẻ

Tôi năm nay 26 tuổi, bị hôi miệng từ khi nào không biết nhưng khoảng 3 năm nay tôi phát hiện (do người thân mách bảo), tôi đã đi khám nhiều bệnh viện nhưng vẫn không khỏi.

- Đầu tiên tôi đi cạo vôi răng, nhổ bỏ răng sâu ở Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt.

- Rồi có đến khám ở BV Tai mũi họng, chụp X-quang thì bị viêm xoang 2 bên, nước mũi thường chảy xuống họng, tôi có mua thuốc uống và chọc rửa xoang kêkê một thời gian mà không hết, nhảy mũi khi thời tiết lạnh và thường nghe mùi tanh của mũi. Tôi thấy nhiều người bị viêm xoang nặng lắm mà sao không bị hôi miệng, còn tôi thì lại bị.

- Tôi lại đến BV Tai mũi họng nội soi xem có mủ trong xoang do viêm xoang không, kết quả là tất cả bình thường.

- Tôi lại đến BV Gia Định thì bác sĩ bảo là amiđan hốc mủ, phải cắt amiđan, nhưng thật ra amidan không bị sưng đỏ hay triệu chứng gì đau cả, chỉ có điều khi cố khạc ra thì trong vòm họng có ra cục màu trắng ngà hình dạng như bã đậu, bóp mạnh mềm như tinh bột nhưng rất hôi, nghĩ chắc là mình bị hốc mủ thật vì hi vọng bệnh được chữa khỏi nên tôi đã đồng ý cắt amiđan, thế nhưng nó vẫn còn bị hôi.

Súc miệng hằng ngày bằng nước muối, nhỏ nước muối sinh lý rửa hốc mũi... tất cả tôi làm rất nhiều.

Rốt cuộc là không biết do nguyên nhân gì, tôi rất mệt mỏi vì căn bệnh này.

Phuong Phuong
 

 
- Trả lời
 
Hôi miệng là một triệu chứng rất hay gặp, nhưng do đây là một triệu chứng rất tế nhị nên nhiều lúc người bị hôi miệng hoàn toàn không biết mình bị hôi miệng cho đến khi người thân của mình phát hiện. Hôi miệng là một triệu chứng của rất nhiều bệnh. Thông thường người ta phân biệt thành 2 nhóm nguyên nhân chính.

Nhóm thứ nhất, hôi miệng xuất phát từ những rối loạn sinh lý chứ không phải một bệnh thật sự:

- Hôi miệng vào buổi sáng: buổi tối khi ngủ các tuyến nước bọt ngưng hoạt động do vậy vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở tạo ra mùi hôi.

- Hôi miệng do hút thuốc lá.

- Hôi miệng do răng giả hay các dụng cụ nha khoa; khi làm vệ sinh không kỹ thức ăn sẽ đọng lại, vi khuẩn sẽ phát triển và ra mùi hôi.

- Hôi miệng do một số thức ăn, sau khi ăn vào được hấp thu vào máu và thải ra ngoài qua phổi như hành, tỏi,  rượu, thịt, mỡ...

- Hôi miệng do thuốc: các thuốc có tác dụng phụ làm khô miệng có thể sẽ gây ra hôi miệng như thuốc kháng histamine, thuốc trị bệnh tâm thần, thuốc điều trị cao huyết áp và một số thuốc giảm đau.

- Ngoài ra, người ta cũng quan sát thấy chứng hôi miệng thường xảy ra ở một số người già do sự suy yếu về lượng và về chất của các tuyến nước bọt làm khô miệng.
 

Nhóm thứ hai hôi miệng là triệu chứng của một bệnh lý thật sự:

- Bệnh lý tại miệng: sâu răng, viêm nướu, viêm lưỡi, sỏi amiđan, nhiễm nấm do dùng kháng sinh lâu ngày hoặc suy giảm miễn dịch.

- Bệnh lý đường hô hấp: viêm mũi xoang, dị vật mũi, lao phổi, ung thư phổi.

- Bệnh lý tại đường tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày.

- Bệnh lý toàn thân: bệnh tiểu đường, suy thận, suy gan, ung thư gan, ung thư máu.

- Bệnh lý tâm thần: trầm cảm, tâm thần phân liệt, ảo tưởng hôi miệng.

Trường hợp cụ thể của bạn, chúng ta mới có thể loại trừ được một số nguyên nhân tại miệng như vệ sinh răng, cắt amiđan và điều trị viêm xoang. Do đó bạn nên đi khám lại một lần nữa thật kỹ càng với bác sĩ nhiều kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác. 

Theo ThS.BS Nguyễn Trương Khương
(khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)
Tuổi trẻ
Chia sẻ