Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Dù biết mình thuộc diện phải giải tỏa từ rất lâu nhưng các hộ dân còn sót lại ở khu vực cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4, TP.HCM) vẫn dùng dằng chưa muốn đi bởi vẫn còn những nỗi lo về cuộc sống tương lai canh cánh trong người dân nơi đây.

Những ngày gần đây, người dân tại khu vực cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4, TPHCM) bỗng xôn xao trước thông tin chính quyền địa phương sẽ tiến hành giải tỏa gấp nơi họ đang sinh sống để triển khai Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3. Dù quyết định giải tỏa đã có từ cách đây 10 năm nhưng vì nhiều lý do, đến giờ nhiều gia đình vẫn cố bám trụ nơi đã sinh sống mấy chục năm qua.

Người dân cù lao Nguyễn Kiệu nói về lý do chưa chấp nhận giải tỏa.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Kể từ khi khu vực này có quyết định giải tỏa vào năm 2007, theo thời gian, phần lớn các hộ dân sinh sống xung quanh cù lao Nguyễn Kiệu đã rời đi, chỉ còn lại khoảng 70 hộ dân vẫn còn bám trụ, chưa chịu di dời bởi cho rằng số tiền bồi thường chưa hợp lý.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Ngồi trước cửa nhà, bà Lý Thị Hoa (64 tuổi) cho biết: "Tôi là dân gốc ở cầu Ông Lãnh, sau khi nhà bị cháy mới chuyển qua đây, sống đã được 20 năm. Sau khi có quyết định giải tỏa, nhiều lần chính quyền có mời hai chị em tôi lên bàn về việc bồi thường, nhưng giá thấp quá, cả căn nhà chỉ khoảng 800 triệu đồng".

  
Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Hiện tại, bà Hoa đang ở cùng em gái là bà Lý Thị Xê. Vì tuổi đã cao, hai người chỉ còn cầm cự qua ngày bằng công việc rửa chén, quét dọn, giặt đồ mướn. "Ai thuê gì thì mình làm đó. Được cái mình ở đây lâu nên người ta cũng đã quen mặt nên hay kêu mình làm để giúp đỡ. Giờ chuyển đi rồi, tụi tôi không biết sống bằng nghề gì" – bà Xê cho biết.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Theo các hộ dân tại đây, lúc bắt đầu giải tỏa, chính quyền đề ra mức giá bồi thường là 8,2 triệu đồng/m2, sau đó nâng lên 10,8 triệu đồng, và đến hiện tại là 21,9 triệu đồng. Tuy giá bồi thường có cao hơn nhưng theo thời gian, giá nhà đất cũng tăng theo nên số tiền bồi thường chẳng thấm tháp...

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Bà Trần Thị Hiền (81 tuổi) cho biết, đã ở đây tổng cộng 53 năm, chứng kiến biết bao thăng trầm. "Hồi ấy nhà cửa thưa thớt, đi lại bất tiện khó khăn chồng chất. Giờ có điện nước đầy đủ, bắt đầu sung sướng rồi lại sắp phải ra đi" – bà nói. Theo bà Hiền, chiếu theo giá bồi thường hiện tại, căn nhà bà và vợ chồng con gái đang ở giá chỉ 700 triệu đồng. Để mua được một ngôi nhà tại các chung cư lân cận là điều không tưởng.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Tựa người vào chiếc cổng sắt, cô Nguyễn Thị Na chia sẻ, biết để các hộ tự tìm nhà sẽ khó khăn, nhà nước cũng có chính sách đưa người dân vào khu tái định cư Phú Mỹ (quận 7). "Qua đó thì xa xôi quá, lại chung cư cao tầng. Nhà tôi trẻ nhất cũng hơn 50 tuổi, má thì đã 80 tuổi rồi đi lại rất khó khăn" – cô Na tâm sự.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Từ một cù lao có khoảng 500 hộ dân sinh sống, những ngày sau giải tỏa, nơi chỉ còn trơ lại những vách nhà mục nát, bị đập phá tan hoang.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 9.

Cạnh vài ngôi nhà sát mé kênh còn sót lại, một vài bãi rác lộ thiên hiện lên cũng khiến cho môi trường nơi đây ít nhiều bị ô nhiễm.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 10.

Sống gần mé sông nên nhiều sinh hoạt như tắm rửa, chuyện đi vệ sinh của người dân cũng phụ thuộc vào con nước.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 11.

Đã chấp nhận mức đền bù và di dời đi từ lâu nhưng nhiều người vẫn luyến tiếc, thường xuyên quay trở lại nơi đã sinh sống từ lâu để thăm bà con, hàng xóm. Số ít người hành nghề buôn bán thì trở lại để tìm kế sinh nhai, vì nơi đây có nhiều bạn hàng quen.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 12.

Không chỉ lo lắng trong chuyện an cư, nỗi sợ của các hộ dân nơi đây còn ở chuyện học hành của trẻ nhỏ. Chị Linh (46 tuổi) cho biết, bé Ti Na - cháu chị hiện đang học lớp hai tại trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 4), gần nhà nên rất tiện lợi. Giờ nếu di dời thì buộc lòng gia đình phải chuyển trường cho cháu.


"Nhà chỉ có 24m2, với giá bồi thường như hiện tại chỉ có nước về vùng ven mà sống thôi. Cũng không biết rồi cháu sẽ học chỗ nào?" – chị Linh chia sẻ.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 14.

Tại ngôi nhà cuối cùng nằm trong diện giải tỏa ở cù lao Nguyễn Kiệu, hai vợ chồng cô Thanh Thuỷ (62 tuổi) đang đếm ngược từng ngày còn được sống tại đây. Hiện nguồn sống chủ yếu của cả hai là từ tiền chạy xe ôm của người chồng, nhưng cũng bữa đực bữa cái.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 15.

Theo dự kiến, việc di từ nay đến năm 2020, 9.800 căn nhà phải được giải tỏa để thực hiện các dự án nâng cấp kênh rạch, trong đó có khu vực cù lao Nguyễn Kiệu.

Nỗi hoang mang của người dân tại cù lao sắp bị giải tỏa ở Sài Gòn - Ảnh 16.

Sẽ rất chóng vánh, nơi này rồi cũng trở thành một khu công viên sạch đẹp với dòng kênh trong lành, hiền hoà, làm điểm tựa cho một thành phố phát triển. Nhưng số phận của những người dân trước giờ chỉ quen bám víu đời mình vào con nước, hiện tại hãy còn rất lênh đênh...

Chia sẻ