Nỗi đau của những bà mẹ có con sinh non

Trung Hạ,
Chia sẻ

Sinh non là chuyện đau buồn đối với các bậc cha mẹ trên khắp thế giới. Nhưng nỗi đau còn lớn hơn đối với các bà mẹ ở Trung Quốc vì họ phải chật vật với sự tự dằn vặt và không được người khác thấu hiểu.

Lưu Thục Kỳ vui mừng khôn xiết khi cuối cùng cũng có thể mang thai sau 2 năm cố gắng. Nhưng cô chưa kịp chuẩn bị cho những khó khăn trong vài tháng sắp tới.

Con trai của Lưu chỉ ở trong bụng mẹ được 23 tuần 2 ngày, hơn một nửa so với thời gian mang thai bình thường. Cậu bé là một trong những em bé nhỏ nhất từng được sinh ra ở Trung Quốc, nặng 475 gram, tương đương với 3 quả táo.

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 1.

Đôn Đôn, đúng như cái tên mà Lưu đã đặt cho con, là một đứa trẻ kỳ diệu. Nhưng ca sinh thành công chỉ là sự khởi đầu trong thử thách của Lưu và con trai.

Nỗi đau của người mẹ có con sinh non

Trẻ sinh cực non có tỷ lệ tử vong cao ngay cả ở những quốc gia giàu có kỹ thuật y tế hiện đại nhất: ở Hoa Kỳ, gần một nửa số trẻ sinh ra ở tuần thứ 23 không qua khỏi. Tỷ lệ này đôi khi còn cao hơn ở Trung Quốc.

Khi Lưu chưa kịp nhìn thấy Đôn Đôn, các y tá đã đưa cậu bé đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Lưu không được chạm vào con trong 140 ngày kế tiếp. Các bác sĩ đã thông báo Lưu và chồng rằng họ không thể đảm bảo đứa trẻ sẽ sống, hy vọng quá mong manh.

Vài tuần tiếp theo là khoảng thời gian cực hình đối với Lưu. Hầu hết cô chỉ ở nhà một mình, chờ đợi tin tức từ NICU (Đơn vị săn sóc tích cực sơ sinh). Cô cố gắng khiến bản thân tạm thời quên đi sự bồn chồn trong lòng bằng cách làm vườn, đan len và đọc sách. Song nỗi lo lắng khiến cô như bị giày vò tận tâm can, chỉ cần ngơi tay, cô sẽ nghĩ ngay đến con trai đang giành giật chút sự sống trong bệnh viện.

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 2.

Y tá cho trẻ sinh non bú tại NICU ở Thạch Gia Trang (Hà Bắc, Trung Quốc) năm 2018

Ngay cả những hoạt động đơn giản và cơ bản nhất cũng vô cùng khó khăn đối với trẻ sinh non. Đôn Đôn phải học cách thở, uống sữa và sống sót trong một thế giới đầy vi khuẩn. Cậu bé nằm trong lồng kính cung cấp nhiệt độ và độ ẩm tối ưu, một ống dẫn thức ăn được đưa vào cổ họng và ống thông mũi để cung cấp oxy ổn định. Cơ thể cậu bé chằng chịt bởi dây điện, nối với máy theo dõi huyết áp, nồng độ oxy trong máu và nhịp tim.

Mỗi ngày, bệnh viện đều gửi cho Lưu một vài bức ảnh hoặc video quay cảnh Đôn Đôn nằm trong lồng kính, đồng thời gọi cho cô mỗi tuần một lần để cập nhật về tình trạng của cậu bé. Nếu bác sĩ gọi đến trong khung giờ bất thường như giữa đêm… thì đa phần là tin xấu.

Sau 6 tuần, bác sĩ gọi cho Lưu để thông báo tình trạng Đôn Đôn không thể đi tiểu. “Xét nghiệm chất điện giải cho thấy cậu bé có lượng natri thấp và lượng kali cao. Có thể là do suy thận hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh”, Lưu nhớ lại lời bác sĩ nói.

Trong cuộc gọi, Lưu bị choáng ngợp bởi hàng loạt từ ngữ chuyên ngành. Sau khi cúp máy, Lưu phải tra cứu từng thuật ngữ trên mạng để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đến tận bây giờ, cô vẫn nhớ như in từng câu từng chữ mà bác sĩ đã nói.

Ngay cả sau khi Đôn Đôn cuối cùng đã được xuất viện, Lưu vẫn sống trong tình trạng sợ hãi triền miên. Trong suốt một tháng, cô và chồng dành 24 giờ mỗi ngày để theo dõi máy đo nồng độ oxy trong máu gắn ở chân của Đôn Đôn. Nếu chỉ số giảm xuống dưới 90, chứng tỏ bé đang gặp nguy hiểm.

Tình huống này đã xảy ra một lần. Đôn Đôn đang uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, cậu bé đột nhiên bị nghẹn. Độ bão hòa oxy trong máu của cậu bé giảm xuống còn 57, mặt mày tím tái. Lưu dằn lại sự sợ hãi trong lòng để lấy bình tĩnh. Cô đặt khuôn mặt của bé xuống cánh tay và liên tục vỗ nhẹ vào lưng. Cuối cùng, bé đã khóc và thở đều đặn.

Lưu đã phải chật vật để đối phó với sự hoảng loạn trong giai đoạn này. Cô thường cảm thấy bị cô lập vì xung quanh hầu như không có ai để cô sẻ chia. Mặc dù họ hàng cũng có người mới sinh con nhưng họ vẫn không hiểu cảm giác sinh non là như thế nào.

Lưu nói: “Họ không thật sự hiểu cho nỗi lòng của tôi. Họ không hiểu vì sao tôi có thể sinh non và sự nguy nan mà đứa bé đang chịu hoàn toàn do tôi. Mặc dù họ không cố ý nhưng nó đã khiến vết thương trong tôi càng thêm đau đớn”.

Tinh thần của cha mẹ là một phần trong sự sống những đứa trẻ sinh non

“Nhiều bà mẹ căng thẳng đến mức không thể cho con bú”

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 3.

Một người mẹ hôn đứa con sinh non sau thời gian cậu bé nằm trong NICU 3 tuần, Thái Nguyên (Sơn Tây, Trung Quốc) năm 2017

Lưu không hề cô đơn trong việc này. Trẻ sinh non có thể phải đối mặt với vô số vấn đề về sức khỏe, bao gồm các vấn đề về hô hấp, đường tiêu hóa và chậm phát triển...

Tào Vân, giám đốc khoa sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết các bậc cha mẹ thường hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống bất ngờ này.

Nữ giám đốc nói: “Sinh non là một cú sốc lớn đối với các gia đình. Tôi đã chứng kiến nhiều bà mẹ căng thẳng đến mức không thể cho con bú”.

Đối với các bác sĩ sơ sinh và nhân viên y tá Trung Quốc, việc hỗ trợ cho những bậc cha mẹ đau khổ như Lưu là điều cấp bách.

Trung Quốc có gần 1,2 triệu trẻ sinh non mỗi năm, dịch vụ chăm sóc dành cho các gia đình đã được cải thiện đáng kể trong hơn 20 năm qua. Trước đây, các bệnh viện Trung Quốc hầu như không thể cứu những đứa trẻ sinh non như Đôn Đôn.

Năm 2017, truyền thông đưa tin tỷ lệ sống sót trung bình của trẻ sinh non ở Trung Quốc là 50-60%, trong khi ở những khu vực giàu có như Thượng Hải, tỷ lệ này thường hơn 70%. Đến năm 2020, tỷ lệ sống sót của trẻ sinh trước 32 tuần được ghi nhận trong Mạng lưới Sơ sinh Trung Quốc (một nhóm các bệnh viện giỏi bao gồm Bệnh viện Nhi đồng của Đại học Phúc Đán) là gần 90%.

Các NICU trở nên tự tin hơn vào khả năng giữ cho trẻ sinh non sống sót, nhiều người bắt đầu mở rộng sự tập trung sang cha mẹ của trẻ. Tào Vân cho biết, hỗ trợ cha mẹ là vô cùng cần thiết vì họ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh.

“Khi trẻ xuất viện, cha mẹ nên chăm sóc trẻ sinh non nhiều hơn để ngăn ngừa nhiễm trùng. Điều quan trọng là phải cho chúng ăn đầy đủ để tăng cân nhiều hơn. Điều này sẽ giúp ích cho sự phát triển thể chất và tinh thần của chúng”, bác sĩ Tào Vân chia sẻ.

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 4.

Một y tá chăm sóc trẻ sinh non tại NICU ở Hàng Châu (Chiết Giang,Trung Quốc) năm 2018

Nhưng chăm sóc trẻ sinh non không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Điều này càng khó khăn hơn bởi thực tế là cha mẹ thường phải vật lộn với sức khỏe tinh thần sau sinh.

Đó là lý do tại sao các bác sĩ sơ sinh như Tào Vân đang cố gắng tạo ra những thay đổi trong bệnh viện để các bậc cha mẹ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Một sáng kiến mà cả Tào Vân và Jessica Vương đang ủng hộ là cho phép các bậc cha mẹ Trung Quốc thực hành chăm sóc con theo phương pháp “chuột túi” trong NICU.

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 5.

Một người đàn ông và vợ bế hai đứa con sinh non áp sát vào cơ thể tại một bệnh viện ở Bogota, Colombia, 26/03/2014. Thực hành tiếp xúc đơn giản này bắt đầu ở Colombia hơn 30 năm trước, do tình trạng thiếu hụt lồng kính.

Chăm sóc kiểu “chuột túi” là phương pháp bế trẻ sơ sinh để da tiếp xúc da, có lợi đối với trẻ sinh non, giúp ổn định nhịp tim và hơi thở của trẻ. Nhưng phương pháp này hiếm khi được sử dụng ở Trung Quốc.

Một, hầu hết các NICU không muốn cho phép cha mẹ vào phòng vì họ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Hai, nhiều bà mẹ Trung Quốc ở trong nhà và nghỉ ngơi từ 4-6 tuần sau khi sinh. Phong tục được gọi là “ở cữ”.

Bệnh viện nhi của Đại học Phúc Đán là một trong những bệnh viện đầu tiên ở Trung Quốc giới thiệu dịch vụ chăm sóc “chuột túi”, thậm chí các bà mẹ cũng có thể “ở cữ” trong bệnh viện.

Tào Vân nói: “Nếu cha mẹ được phép dành nhiều thời gian hơn cho trẻ trong bệnh viện. Điều đó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp cha mẹ tự tin hơn trong việc nuôi dạy trẻ sinh non tại nhà”.

Kết nối các ông bố bà mẹ chịu nỗi đau có con sinh non lại với nhau

Jessica Vương biết quá rõ cuộc sống của một người mẹ sinh non khó khăn như thế nào. Năm 2014, trong thời gian làm việc tại Mỹ, cô bị xuất huyết bất ngờ khi mới mang thai được 28 tuần. Các bác sĩ nói rằng cần phải sinh con gấp. Thông tin này như sét đánh ngang tai Vương.

Đối với Vương, thật đau lòng khi phải sống với suy nghĩ rằng con gái mình có thể chết bất cứ lúc nào. Cô không dám nói với mẹ ở Trung Quốc về việc sinh non. Cô ấy khóa tất cả tài khoản mạng xã hội và dành hàng giờ liền nhớ lại quá trình mang thai của mình, cố gắng tìm xem liệu bản thân có làm điều gì sai hay không. Bạn bè lo lắng và an ủi, cô thậm chí còn cảm thấy đau khổ hơn.

Vương nói: “Tôi rất nhạy cảm và yếu đuối, nhưng nỗi đau thật khó để chia sẻ”.

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 7.

Jessica Vương (đứng bên trái), tên thật là Vương Tuệ Giai

Trải nghiệm này đã giúp Vương trở thành một blogger nuôi dạy con cái và thành lập Chưởng Hân - tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc hỗ trợ các gia đình có trẻ sinh non vào năm 2018. Kể từ đó, cô đã nói chuyện với hàng trăm các ông bố bà mẹ và nhận thấy rằng nhiều người cũng trải qua những cảm xúc tiêu cực giống mình: sự hoảng loạn pha trộn giữa lo lắng, trầm cảm, xấu hổ và tội lỗi.

Năm 2019, trung tâm Chưởng Hân đã thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng 5.000 gia đình Trung Quốc có trẻ sinh non, kết quả cho thấy 90% số người được hỏi đã trải qua những cảm xúc tiêu cực và đổ lỗi cho bản thân vì con họ sinh non. Gần 60% cha mẹ gặp khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với các gia đình khác. Một nửa trong số họ còn phát sinh mâu thuẫn ẩu đả với chồng/vợ hoặc cha mẹ. Các bà mẹ thường cảm thấy tội lỗi hơn các ông bố.

Vương dành hàng giờ để giúp các gia đình đau khổ nắm bắt được những thuật ngữ y học phức tạp, đồng thời giúp họ nhận ra rằng việc sinh non không phải lỗi của họ.

Vương nói: “Họ thường mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực như tức giận, tội lỗi, cô đơn và trầm cảm. Những cảm xúc này không chỉ ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội, mà còn là trở ngại khiến họ không thể nuôi dạy con cái”.

Sinh non là sự xấu hổ và tổn thương của các bà mẹ Trung Quốc - Ảnh 9.

Tổ chức hỗ trợ các gia đình có trẻ sinh non Chưởng Hân

Vương đang tập trung vào việc xây dựng mối liên hệ giữa các gia đình có trẻ sinh non. Cô nhớ lại một sự cố gần đây, khi trung tâm Chưởng Hân nhận được hàng tá tin nhắn tuyệt vọng từ mẹ của một em bé chào đời sau 34 tuần. Bà mẹ này rất đau khổ vì con không chịu ngủ và cho rằng đây có thể là biểu hiện của tổn thương não.

Vương nói: “Chúng tôi đã nói chuyện cả đêm và người mẹ nhận ra rằng cô ấy vẫn đang sống trong ám ảnh của việc sinh non. Chúng tôi muốn kết nối những gia đình này để nói rằng họ không hề đơn độc”.

Trong một thời gian dài, Lưu thậm chí còn sợ nói với người khác rằng mình đã sinh non. Cô nói: “Tôi sợ người khác phán xét mình với hàng loạt câu hỏi như tại sao lại sinh non, tại sao lại bị như vậy. Tôi không dám cho đi quần áo cũ của Đôn Đôn vì sợ các ông bố bà mẹ từ chối chúng. Vì sao họ từ chối nhận? Vì họ nghĩ nếu con mình mặc đồ của một đứa trẻ bị sinh non sẽ gặp chuyện xui rủi”.

May mắn thay, Đôn Đôn ngày càng khỏe mạnh. Mỗi khi nhìn thấy con cười khúc khích, Lưu lại nghĩ về giấc mơ trong bệnh viện sau khi vỡ ối: Một chú mèo con lông xù chuẩn bị rơi từ ban công xuống và cô đã lao ra đỡ lấy nó.

“Tôi biết đó là Đôn Đôn. Tôi tin rằng mình có thể bảo vệ con”, Lưu nói trong ánh mắt tràn đầy sự mạnh mẽ của một người mẹ đã vững vàng sau cú sốc sinh con non.

Nguồn: Sixthtone

Chia sẻ