Nỗi cực của chàng ở rể

,
Chia sẻ

Đang say sưa chuyện trò, Lâm ngó đồng hồ, giật mình: “Tớ về nhé” rồi phóng như bay xuống nhà để xe. Nguyên nhân là vì anh sợ muộn giờ cơm tối cùng nhà vợ.

Nhà vợ như trại lính

Vợ chuyển về bên ngoại ở cữ, Lâm thành ra ở rể bất đắc dĩ. Bỏ căn hộ chung cư mới mua lạnh ngắt, đôi vợ chồng trẻ lại chen chúc trong căn nhà nhỏ 30m² cùng với bố mẹ vợ và một cậu em.Lâm cho biết, bố mẹ vợ cũng tốt tính nhưng được cái cụ ông "mắc bệnh" đúng giờ (được thừa hưởng từ trong quân ngũ). Do đó, ngoại trừ những trường hợp bất đắc dĩ, còn buổi chiều cứ khoảng 7h00 là cả nhà quây quần bên mâm cơm tối. Buổi sáng, cứ 5h30 là ông cụ sang gõ cửa phòng, gọi con rể đi tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Chiều bố vợ, Lâm cũng dậy sớm và luôn đi làm trong tình trạng ngủ gà ngủ gật.
 
 Luôn bị nhắc nhở

Anh Khanh (Quận Phú Nhuận, TPHCM) thì khổ sở vì có cô vợ không biết "bao che". Anh nhăn nhó: "Những tật xấu của mình (thỉnh thoảng đãng trí đi cả giày vào nhà hoặc quên giật nước khi đi vệ sinh) cũng được các thành viên bên nhà vợ thuộc lòng. Đến mức, vừa thấy mình dừng xe trước cổng, không phải bố thì mẹ vợ cũng nhắc: Nhớ tháo giày, nhà vừa lau đấy".

Có hôm, anh Khanh quên tắt bình nước nóng sau khi tắm cũng bị bố mẹ vợ phàn nàn. Nếu anh có lỡ bật tivi trong phòng riêng thì các cụ đánh tiếng, bảo ra ngoài phòng khách xem cùng cả nhà cho vui. Anh Khanh nhấn mạnh thêm, thôi thì cố chịu vậy, chứ bản thân anh cũng sắp đủ tiền sắm nhà ra riêng rồi.

Nỗi buồn tinh thần

Anh Dũng (TP Huế) đi ở rể mà chẳng khác gì ở trọ. Đơn giản vì bà xã làm phóng viên xã hội nên thường xuyên vắng nhà. Những lúc như thế, anh thường tranh thủ nhận nấn ná ở cơ quan để giết thời gian. Có hôm, anh lang thang ngủ nhờ nhà bạn cho vui vì ngại cảnh về nhà chẳng biết tâm sự chuyện gì với bố mẹ vợ. Mặc dù bố mẹ vợ rất quan tâm nhưng anh Dũng bảo, anh vẫn chưa vượt qua được cảm giác xa lạ vì thân phận ở rể.

Không được "dạy vợ"

Anh Quang (Mai Dịch, Hà Nội) rút kinh nghiệm xương máu là không nên to tiếng với vợ trong chính nhà vợ. Nhớ có lần, vợ chồng cãi nhau vì chuyện nhỏ nhặt, anh tức tối ném vỡ chiếc điện thoại di động với mua của bà xã. Ngay lập tức, anh Quang đã được bố mẹ vợ gọi xuống "họp nóng" và buộc phải thề không bao giờ được phép "đánh vợ".

Những lần sau đó, dù cãi nhau với vợ, anh Quang cũng luôn trong tình trạng giữ ý để tránh bị bố mẹ vợ hiểu nhầm.

Khó thoải mái

Trên thực tế, ngay cả khi gia đình bên vợ có thoải mái, tế nhị đến đâu thì chàng rể vẫn luôn mang trong mình tâm trạng của người "ở nhờ". Họ luôn thấy thiếu tự tin, mất tự chủ thậm chí có người còn nói rằng mình mất mọi quyền hành. Những lúc này, sự tế nhị của người vợ có tác dụng xoa dịu tính tự ái của chồng rất hiệu quả. Chị em tuyệt đối nên tránh chê bai chồng trước mặt các thành viên trong gia đình mình. Thay vào đó, nên tạo cơ hội để ông xã gần gũi và thân mật với nhà mình hơn.

Nếu có điều kiện, các cặp vợ chồng trong tình trạng “ở rể” nên ra sống riêng cho thoải mái. Người vợ không nên vì muốn sống cùng cha mẹ mà “ép chồng” phải ở rể theo mình. Dù có vất vả vì phải đi thuê nhà nhưng cuộc sống sẽ thoải mái hơn khi người đàn ông được làm chồng, làm cha, làm trụ cột trong gia đình theo đúng nghĩa.

Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé
Chia sẻ