Nơi chôn cất tập thể gần 25 nghìn hài nhi tại Hà Nội
Gần 25 nghìn hài nhi được hơn 30 con người cần mẫn thu gom khắp các phòng phá thai, bệnh viện trên địa bàn Hà Nội trong 6 năm trời, đưa về chôn cất và hương khói tại một ngôi mộ tập thể.
6 năm trời gom được 25 nghìn hài nhi
Những ngày giữa tháng 7 âm lịch, chúng tôi lần theo dấu chân của những người trong nhóm thiện nguyện chuyên thu gom xác hài nhi mang tên "Bảo vệ sự sống" tìm về khu nghĩa trang thuộc thôn Từ Châu (Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) – nơi chôn cất những hài nhi vô tội bị tước đoạt sự sống, quyền làm người từ khi còn trong bụng mẹ.
40 thành viên trong nhóm thiện nguyện, họ là những người cha, người mẹ đã âm thầm không quản nắng mưa, bão tố lặn lội khắp các ngã đường ở Hà Nội để đưa những sinh linh bé nhỏ về "Ngôi nhà chung".
Nơi gần 25 nghìn hài nhi yên nghỉ.
"Ngôi nhà chung" nằm giữa cánh đồng xung quanh là hoa cỏ đua nhau mọc. Giữa nơi tĩnh lặng ấy ít ai biết rằng có đến gần 25 nghìn hài nhi được 40 thành viên nâng niu, trồng thêm hoa, mua sữa, hoa quả và hương khói hàng ngày tại nghĩa trang. Đó là tình thương yêu vô bờ bến mà họ là những người dưng mang lại cho gần 25 nghìn hài nhi đã bị chính cha mẹ tước bỏ quyền sống.
Giữa năm 2013, nhóm đã tiến hành quyên góp tiền để xây thêm một "Ngôi nhà chung" bên cạnh.
Dưới lòng "Ngôi nhà chung" được chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô nhỏ là nơi yên nghỉ của từ 20 -30 hài nhi.
"Ngôi nhà chung" có chiều dài 3m, rộng 2m, sâu 2,5m và phía trên được nắp cẩn thận bằng tấm bê tông cốt thép.
Năm 2008 "Ngôi nhà chung" - nơi các em yên nghỉ được các thành viên xin đất trong nghĩa trang để xây dựng có chiều dài khoảng 3m, rộng 2m và sâu 2,5m. Đến giữa năm 2013, số hài nhi được đưa về đây đã lên đến con số 24 nghìn thì "Ngôi nhà chung" đã không còn chỗ trống. Ngay lúc ấy, các thành viên trong nhóm thiện nguyện đã xin thêm đất của nghĩa trang để xây thêm "Ngôi nhà chung" thứ 2 liền kề cũng với kích thước như trên để các em có chung hoàn cảnh, chung số phận nằm cạnh bên nhau.
"Ngôi nhà chung" mới sâu hun hút giữa cánh đồng, dưới đáy được chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô nhỏ chứa khoảng 20-30 hài nhi. trên cùng được che đậy cẩn thận bằng nắp bê tông để các em khỏi bị nắng mưa đày đọa. Còn ngôi nhà thứ nhất sau khi che đậy cẩn thận, các thành viên trong nhóm tiến hành trồng các loại hoa như: Hoa mười giờ, hoa bách nhật, hoa hồng trắng, hoa cúc…
40 hài nhi nằm trong chiếc thùng xốp được lượm từ các phòng khám, bệnh viện trong vòng 5 ngày.
Một nam thanh niên trong nhóm đưa các em vào "Ngôi nhà chung".
Một người phụ nữ giữ trọng trách quan trọng nhất là tận tay đặt các em xuống để "chung sống" cùng các anh chị.
Những thành viên nữ hăng hái trong việc trộn xi măng, bê tông, xách nước.
Trước khi đặt các em xuống phải dội nước để đảm bảo chỗ các em nằm sạch sẽ.
Cẩn thận lấp cát lại và cuối cùng là phủ xi măng lên. hết lớp này, những người trong nhóm sẽ tiếp tục chia các ô nhỏ chồng lên để có chỗ cho các em mới về.
Ngày chúng tôi đến thăm các em trong "Ngôi nhà chung" cũng đúng lúc các thành viên trong nhóm thiện nguyện đưa thêm 40 sinh linh bé nhỏ nữa về với nơi này, như vậy tổng cộng, tính đến hôm nay là 24.840 em yên nghỉ tại đây. Mỗi em đều được đánh mã số, nơi nhặt các em và tất cả bọc kín trong bao nilon.
Trong khi người đảm nhiệm đặt các thi hài bé nhỏ xuống dưới, những thành viên còn lại đứng cầu nguyện cho các em được yên nghỉ.
Dù nước mắt các chị, các cô không thể rơi nhưng trong sâu thẳm lòng họ lại chứa đựng một tình yêu bao la với những sinh linh bé bỏng.
Những nén hương để các em được siêu thoát...
Có gần 20 thành viên có mặt tại nghĩa trang để làm lễ và đưa 40 hài nhi về “chung sống” với các anh chị. Mỗi người một việc, người thì phụ trách trộn xi măng; người xách nước; người đứng cầu nguyện để linh hồn các em được siêu thoát, được sống ở bên kia thế giới không còn sự bất công, tàn nhẫn. Người quan trọng nhất trong nhóm sẽ có nhiệm vụ nâng niu từng hài nhi đặt các em nằm xuống rồi lấp lại bằng cát, bằng xi măng…
Làm việc thiện để thức tỉnh những ông bố, bà mẹ
Trao đổi với chúng tôi, bác Nguyễn Văn Nho năm nay đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hi” là trưởng nhóm thiện nguyện "Bảo vệ sự sống" nghẹn ngào: “Nhóm chúng tôi có 40 thành viên đều thuộc thôn Từ Châu. Mỗi thành viên đều làm một công việc khác nhau, có người thì làm ruộng, chăn nuôi tại địa phương; có người lên Hà Nội học tập, công tác… Nhưng ai cũng có chung một tình thương bao la đối với những sinh linh bé bỏng. Những sinh linh đó bị chính cha mẹ tước đoạt đi quyền sống, thậm chí còn vứt bỏ các bé xuống cống ngầm, xuống sông nếu chúng tôi không mang các em về đây”.
Bác Nguyễn Văn Nho - trưởng nhóm thiện nguyện.
Trao đổi với bác Nho chúng tôi được biết, năm 2008 một trong các thành viên thấy việc có quá nhiều trường hợp cha mẹ hay các em gái trót lầm lỡ đi phá thai, đặc biệt có những cháu được 6-7 tháng đã lớn và hình hài một con người đã hiện rõ, có tóc, có chân tay và phân biệt được giới tính vậy mà vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm giết chết.
“Ban đầu chúng tôi đến các phòng khám thai, bệnh viện, nếu bắt gặp bất cứ trường hợp nào có ý định phá thai chúng tôi đều khuyên bảo rằng nếu không có điều kiện nuôi thì chúng tôi sẽ cưu mang, sắp xếp cho nơi ăn chốn ở đợi đến ngày sinh nở rồi chúng tôi sẽ có trách nhiệm đưa lên Nhà thờ nuôi. Nhưng số lượng mủi lòng nghe chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, từ đó chúng tôi vừa khuyên bảo vừa kết hợp với việc thu gom hài nhi về chôn cất”, bác Nho nói thêm.
Cô Nguyễn Thị Phúc nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình.
Cô Nguyễn Thị Phúc (gần 50 tuổi) là thành viên từ năm 2008 nghẹn ngào kể: “Dù không lập gia đình nhưng tôi biết thiên chức làm mẹ thiêng liêng đến thế nào. Nghe nói sẽ thành lập nhóm là tôi xin tham gia luôn. Chúng tôi làm việc này chỉ với mục đích đưa các em về nơi yên nghỉ và mong muốn góp 1 phần nhỏ nhoi để làm thức tỉnh những ông bố, bà mẹ có ý định vứt bỏ sinh linh đang sống trong bụng mình”.
Làm việc thiện để thức tỉnh những ông bố bà mẹ có ý định vứt bỏ giọt máu của mình.
Dù đi làm việc thiện nhưng không ít lần cô Phúc bị các bác sĩ, các phòng phá thai hay thậm chí cả các bậc cha mẹ đuổi và mắng chửi như đuổi tà. Nhưng rồi biết mục đích và độ “gan lì” của cô thì nhiều nơi họ cũng xuôi tai và cho cô mang xác các em về chôn cất.
Cụ Hạnh nhiều năm trước vẫn tham gia đạp xe thu gom hài nhi khắp Hà Nội.
Trong buổi tiễn đưa 40 linh sinh bé bỏng, người làm tôi chú ý nhất là cụ Nguyễn Thị Hạnh (82 tuổi), dù lưng đã còng, mắt đã kém nhưng dường như tình yêu thương đối với những sinh linh bé bỏng chưa bao giờ nguôi. Cụ nói: “Tôi làm việc này cảm thấy lòng thanh thản hơn, tôi chỉ trách những thanh niên đã vứt bỏ giọt máu của mình một cách tàn nhẫn. Năm 2008, khi còn khỏe, tôi vẫn đạp xe đến nhiều nơi để mang các cháu về đây. Nhưng hiện nay sức khỏe không được tốt nên chỉ tham gia các công việc dọn dẹp, trồng hoa, hương khói cho các em thôi”.
Hoa hồng trắng, bách nhật, mười giờ và nhiều loài hoa thơm cỏ lạ vây quanh nơi yên nghỉ của các em...
6 năm trời với gần 25 nghìn hài nhi đã nằm yên nghỉ tại "Ngôi nhà chung" và thỉnh thoảng các thành viên vẫn bắt gặp nhiều ông bố, bà mẹ mang bánh trái, sữa, đồ chơi, tã lót, vàng hương… quỳ xuống và khóc nức nở bên nơi con mình yên nghỉ - song đó chỉ là những giọt nước mắt muộn màng…