Nỗi ám ảnh của nạn nhân mua bán người

Nguyễn Ngân, Minh Đức, Lan Anh ,Bích Ngọc, Duy Công, Quang Trung,
Chia sẻ

Tội phạm mua bán người xuyên quốc gia. Nhiều đường dây đang bị điều tra trong các đợt trấn áp tội phạm của lực lượng công an các cấp.

Trong các vụ việc này, điểm chung của các nạn nhân là họ đều đã nghe theo những lời dụ dỗ bịa đặt của các đối tượng lừa đảo. Những người được giải cứu và trở về từ đường dây mua bán người xuyên quốc gia nhiều khi chẳng còn lại gì ngoài những nỗi đau và sự ám ảnh.

13 nạn nhân liên quan đến cơ sở mại dâm tại đặc khu kinh tế Boten, Lào, trong đó có những em dưới 16 tuổi được giải cứu. Đầu năm 2023, nhóm đối tượng sử dụng tài khoản facebook tham gia các hội nhóm "Tuyển nhân viên karaoke" tìm kiếm những cô gái tại nhiều tỉnh thành, nhu cầu tìm việc làm. Các cô gái bị bán qua nhiều quán và nhiều nhóm đối tượng, một trong những nạn nhân là một cô gái dưới 14 tuổi, em quê tại 1 tỉnh phía Nam, mong muốn tìm việc làm. Cơ sở này đã mua lại em từ 1 đối tượng với giá 70 triệu đồng.

Nỗi ám ảnh của nạn nhân mua bán người - Ảnh 1.

Nạn nhân đường dây mua bán người chia sẻ: "Em tự tử nhiều lần lắm rồi, giờ tay em vẫn còn 1 vết sẹo. Khiếp những trận đòn họ đánh lắm. Mấy bạn cũng bị ở đấy, mấy bạn ấy bảo nếu không nghe lời họ giết luôn".

Từ việc tiếp nhận 31 công dân Việt Nam bị tạm giữ tại Campuchia do vi phạm pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép; lao động trái phép và 5 công dân được cơ quan chức năng giải cứu, công an Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ đường dây mua bán người xuyên qua Campuchia.

Bằng nhiều thủ đoạn, đưa thông tin gian dối, đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, cưỡng ép đưa người trong nước sang Campuchia làm việc tại các sòng bạc trá hình, công ty hoạt động lừa đảo qua mạng.

Nạn nhân không hợp tác, đối tượng đánh đập, đe dọa, bán người lao động qua nhiều cơ sở khác nhau tại Campuchia.

"Tôi thấy khá là yên tâm, lúc lên xe 4 người Campuchia, chúng tôi bị bán vô 1 công ty. Tôi biết mình bị lừa rồi. Có 1, 2 ngày đầu công ty chỉ cho mình cách tiếp cận khách, làm sao để ăn nói để khách phải lòng mình" - Nạn nhân đường dây mua bán người khác cho biết.

Kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, hoạt động phạm tội là những mục đích chính của những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Theo những số liệu của Bộ Công an vào năm 2023 cho thấy mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động chiếm trên 57%, 47% nạn nhân dưới 18 tuổi. 2/3 các vụ mua bán người sang các quốc gia Lào, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc.

Nỗi ám ảnh của nạn nhân mua bán người - Ảnh 2.


Trung Quốc - Thái Lan hợp tác chống lừa đảo mua bán người

Khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á quả thật đang là điểm nóng của nạn buôn người. Bộ Công an Trung Quốc mới đây cũng đã kêu gọi các nước Đông Nam Á phối hợp cùng nước này trấn áp hoạt động cờ bạc trực tuyến và lừa đảo viễn thông. Theo giới chức Trung Quốc, hàng loạt vụ việc đang xảy ra tại khu vực biên giới Thái Lan-Myanmar. Điển hình là vụ diễn viên Vương Tinh bị bắt cóc tại Thái Lan, và đưa sang Myanmar

Theo lời kể của Vương Tinh trước báo giới, tại Thái Lan anh đã bị lừa vượt biên trái phép sang Myanmar và giam giữ trong một tòa nhà cùng với khoảng 50 người Trung Quốc khác. Tại đây, họ đã bị ép học đánh máy, cách thức lừa đảo qua tin nhắn và cuộc gọi. Vương Tinh đã miêu tả cuộc sống tại đây không khác gì "địa ngục trần gian". Cảnh sát Trung Quốc và Thái Lan mới đây đã phối hợp bắt giữ 12 nghi phạm trong và ngoài nước có dính líu đến các hoạt động lừa đảo, trong đó có vụ diễn viên Vương Tinh.

Nỗi ám ảnh của nạn nhân mua bán người - Ảnh 3.


Nhiều đường dây mua bán người đang bị điều tra tại Việt Nam

Trong việc trấn áp nạn buôn người, cần có những nỗ lực và hợp tác quốc tế. Phía Việt Nam cũng đang tích cực tổ chức điều tra những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, phối hợp với các nước láng giềng.

Thượng tá Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: "Tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức các chuyến công tác, tổ công tác sang phối hợp với các đơn vị chức năng của bạn để khảo sát trực tiếp tại những địa bàn có thể có nạn nhân Việt Nam bị mua bán đặc biệt là các đặc khu kinh tế. Chỉ đạo các lực lượng cử tổ công tác sang cùng các bạn giải cứu nạn nhân".

Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: "Càng ngày càng tinh vi, đa dạng và xảo quyệt hơn. Việc nhẹ lương cao chẳng hạn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một bộ phận không có công ăn việc làm hoàn cảnh túng quẫn. Đấy chính là cơ hội để đối tượng hoạt động. Cần phòng ngừa từ sớm từ xa, nâng cao nhận thức là giải pháp quan trọng nhất".

Nỗi ám ảnh của nạn nhân mua bán người - Ảnh 4.


Kịp thời đối phó với thách thức mới của nạn mua bán người

Quy mô lẫn thủ đoạn của tội phạm mua bán người luôn thay đổi, đòi hỏi những cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn. Cùng với đó là những thay đổi trong hoạch định chính sách để kịp thời đối phó với những thách thức mới nổi của nạn mua bán người.

Theo Hồ sơ di cư năm 2023 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế IOM công bố, năm 2023, mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động nổi lên và đáng báo động. Điểm đến thường là Campuchia, Lào, Myanmar. Trong khi giai đoạn trước tập trung vào phụ nữ và đưa sang Trung Quốc.

Cũng theo thống kê này, sau năm 2022, nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới giảm còn 15%, ngược lại người dân vùng đồng bằng, thậm chí thành phố lớn đang tăng

Những thách thức này khiến các cơ quan chức năng cần thay đổi trong tiếp cận và hoạch định chính sách, thay vì tập trung vùng sâu cần mở rộng ra cả đồng bằng, thành phố lớn, thậm chí cửa khẩu vì tội phạm có thể đưa nạn nhân đi bằng đường chính ngạch.

Bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết: "Ghi nhận tình hình mới có nạn nhân là thạc sĩ, nhiều người học vấn cao, ở thành thị, nên chúng tôi cho rằng cần thay đổi trong chính sách tuyên truyền, phổ cập tới nhiều đối tượng rộng hơn, mọi vùng miền".

Công nghệ đã trở thành một công cụ đắc lực của các đối tượng mua bán người. Nạn mua bán người ngày càng mang tính có tổ chức chặt chẽ thông qua các mạng lưới kín, khiến việc phát hiện và triệt phá trở nên khó khăn hơn. Từ năm 2023, các tổ chức tạo thành đường dây chặt chẽ chiếm khoảng 92%, hoạt động đơn lẻ 8%. Trong khi trước đó tỷ lệ này lần lượt là 65% và 35%.

Nỗi ám ảnh của nạn nhân mua bán người - Ảnh 5.


Bà Kendra Rinas, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết: "Chúng tôi hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc và kỹ năng khởi nghiệp cho lao động tay nghề thấp. Thông qua hợp tác với các Bộ ban ngành liên quan và công ty Microsoft, IOM đã phát triển nền tảng học trực tuyến congdanso.edu.vn, mang lại lợi ích cho hơn 13.000 người học Việt Nam, đặc biệt là lao động di cư trong nước".

Cũng theo hồ sơ Di cư 2023, thời gian gần đây cũng ghi nhận gia tăng của nạn mua bán nội tạng, mua bán thai nhi. Vì vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa mua bán người, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, việc làm và dịch vụ y tế cho những người yếu thế.

Trong nhiều vụ mua bán người, nạn nhân mắc lừa là do muốn tìm việc nhẹ lương cao, hoặc đơn giản là muốn tìm kiếm việc làm và thu nhập. Vì vậy, một mặt cần có thêm những biện pháp nghiệp vụ, hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, mặt khác, sẽ cần có những chính sách của nhà nước để đảm bảo đời sống xã hội, công ăn việc làm cho người dân, nhất là người yếu thế - Những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người.

Chia sẻ