Khoa học pháp y: "Soi" từng vết máu đến xương tàn để tìm ra chân tướng của tội ác, giúp hóa giải hàng loạt vụ án suýt bị chôn vùi
Trong xã hội hiện đại ngày nay, hiếm có một vụ điều tra hình sự nào lại không có sự góp mặt của pháp y. Có những vụ án tưởng chừng như sẽ bị chôn vùi mãi mãi vì không đủ chứng cứ nhưng khoa học pháp y đã giải đáp những bí ẩn đó.
"Sherlock Holmes" đời thực - Edmond Locard và nguyên tắc giúp các nhà điều tra phá án
Nói đến ngành khoa học pháp y, chúng ta không thể bỏ qua sự tồn tại của Phòng thí nghiệm tội phạm đầu tiên được thành lập vào năm 1910, tại Lyon, Pháp do nhà hình sự học nổi tiếng Edmond Locard sáng lập.
Trong khoa học pháp y, nguyên tắc của Locard, được lập ra bởi tiến sĩ Edmond Locard đã giúp nhân loại tìm được công lý trong những vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc. Theo đó, nguyên tắc của Locard là một lý thuyết liên quan đến việc chuyển giao các dấu vết bằng chứng giữa các đối tượng. Nguyên tắc Locard cho rằng “mỗi lần tiếp xúc sẽ để lại một dấu vết".
Lý thuyết chỉ ra rằng, khi hai đối tượng tiếp xúc với nhau, mỗi người sẽ lưu lại một cái gì đó từ đối phương hoặc để lại cái gì đó ở đối phương. Bất cứ nơi nào thủ phạm bước qua, bất cứ điều gì họ chạm vào, thậm chí đó chỉ là trong vô thức cũng sẽ để lại bằng chứng phục vụ như một nhân chứng im lặng. Không chỉ dấu vân tay, dấu chân, mà ngay cả mái tóc, các sợi từ quần áo, máu hoặc tinh dịch đều được thu thập một cách tỉ mỉ.
Khi một tội phạm để lại dấu vết bằng chứng được thu thập từ hiện trường, đội điều tra hiện trường vụ án (CSI) sẽ đến thu thập cẩn thận, niêm phong và đem chúng đi phân tích tại phòng thí nghiệm tội phạm. Trong suốt quá trình này đều được ghi lại bằng video, chụp ảnh hiện trường. Nếu như cần thiết, họ sẽ tái hiện lại hiện trường gây án. Không dễ gì có thể tìm được bằng chứng tại hiện trường vụ án, vì vậy sau khi đội CIS thu thập được bằng chứng họ phải đem về phòng thí nghiệm và bắt đầu phân tích một cách tỉ mỉ để tìm ra sự thật vụ án.
Phương pháp phân tích pháp y giúp giải mã những vụ án bí ẩn tưởng chừng như bị chôn vùi
Trong thực tế, khi một vụ án được đưa vào xét xử, nhiều luật sư lo ngại rằng những chứng cứ của họ sẽ thiếu tính thuyết phục nếu như không có bằng chứng pháp y. Khi cảnh sát không ngừng điều tra tình hình xung quanh thì nhân viên trong phòng thí nghiệm tội phạm cũng rất vất vả để chứng minh giá trị của họ để sớm đưa sự thật phơi bày trước ánh sáng. Đây là những cách mà họ tìm ra chân tướng sự thật.
Luminol - chất chỉ điểm vết máu mặc dù hiện trường được lau dọn sạch sẽ
Khi một vụ án xảy ra, thủ phạm thường có xu hướng lau dọn sạch sẽ nhằm xóa đi dấu vết phạm tội, đặc biệt là xóa sạch những vết máu trên sàn nhà hoặc hung khí. Thậm chí, kẻ giết người có thể phi tang xác nạn nhân và lau sạch máu. Tuy nhiên, nếu không có hóa chất tẩy cực mạnh, các hạt máu li ti vẫn sẽ còn bám lại trong nhiều năm.
Để tìm ra những vết máu đó, các điều tra viên sẽ sử dụng Luminol xịt lên bề mặt khả nghi, sau đó tắt điện và đóng kín cửa sổ, bề mặt dính máu sẽ phát ra ánh sáng màu xanh dương ngả xanh lá trong khoảng 30 giây. Lúc này, điều tra viên sẽ chụp ảnh lại hoặc ghi hình hiện trường để lưu trữ lại đường đi của máu.
Việc sử dụng Luminol có thể giúp họ tìm ra mấu chốt của vụ án. Cụ thể, đường đi vết máu có thể giúp điều tra viên xác định địa điểm tấn công và hung khí gây án. Ngoài ra, Luminol cũng có thể làm xuất hiện dấu giày dính máu rất mờ, cho biết hung thủ đã làm gì sau khi gây án.
Ngày 6/11/1994, cảnh sát Mỹ tìm được thi thể của Kelly Lovera chết trong ô tô trên núi. Nguyên nhân ban đầu được cho là nạn nhân đã mất lái và bị đâm vào thân cây, chấn thương ở đầu dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nhờ Luminol mà điều tra viên biết được đó không phải là vụ tai nạn mà là một vụ giết người vì thi thể vốn nằm ở ghế sau. Hung thủ giết chết Kelly chính là vợ và nhân tình.
Độc chất học pháp y
Độc chất học được hệ thống hóa đầu tiên bởi nhà độc học và hóa học người Tây Ban Nha - Matthieu Orfila (1787 - 1853). Các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra và xác định sự hiện diện của số lượng thuốc hoặc độc chất trong cơ thể của con người. Những báo cáo này sẽ hỗ trợ cho các điều tra viên để biết rõ hơn về độc chất học trong cơ thể của nạn nhân.
Năm 1751, tại Henley-on-Thames đã xảy ra vụ án đầu độc khi con gái ra tay giết cha mình. Theo đó, một người phụ nữ người Anh tên Mary Blandy có ý định kết hôn với người đàn ông đã có vợ nhưng bố cô đã phản đối. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cả hai vứt bỏ mọi thứ, cao chạy xa bay, mặc kệ sự phản đối của người cha.
Thế nhưng, căm hận sự phản đối của bố Mary, người đàn ông kia đã tặng cho Mary một lọ thuốc tình yêu đặc biệt để trộn vào thức ăn của người bố mỗi ngày. Chính lọ thuốc này đã giết chết người cha. Sau khi cảnh sát điều tra, đã phát hiện loại thuốc đó có chứa chất asen cực độc.
Vụ án này được xem là vụ sử dụng độc chất học đầu tiên của nhân loại. Một bác sĩ người Anh - Anthony Addington khi đó đã tham gia vào điều tra vụ án cho biết, đây là một vụ mưu sát man rợ. Sau cùng, Mary Blandy đã nhận tội và bị tòa kết án treo cổ vào năm 1752, còn người tình bỏ trốn sang Pháp nhưng cũng không thoát tội.
Huyết thanh học pháp y
Trong quá trình điều tra vụ án, các điều tra viên có thể dùng huyết thanh học để phát hiện, xác định, phân loại và nghiên cứu các chất dịch cơ thể khác nhau như máu, tinh dịch, nước bọt, nước tiểu, sữa mẹ, chất nôn, phân và mồ hôi cùng với mối quan hệ của chúng với hiện trường vụ án. Ngoài ra, các điều tra viên cũng có thể dùng huyết thanh học để tham gia phân tích DNA và phân tích mẫu vết máu.
Năm 1901, nhờ nhà vi trùng học người Đức tên Paul Uhlenhuth, vụ án thảm sát trẻ em mới được đưa ra ánh sáng và hung thủ đã bị trừng phạt thích đáng. Sự việc xảy ra vào ngày 1 tháng 7 năm 1901 khi hai anh em trai, một bé 6 tuổi và một bé 8 tuổi bị mất tích trong khu rừng Gohren ở Đức. Ngày hôm sau, thi thể hai anh em được tìm thấy trong tình trạng hộp sọ bị vỡ nát.
Lúc này, mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào một người đàn ông thợ mộc tên Ludwig Tessnow. Sau khi điều tra, cảnh sát tìm thấy trên quần áo của hắn có những vết bẩn đáng ngờ. Khi hỏi đến, hắn nói rằng đó là thuốc nhuộm gỗ. Lúc này, mọi người đều tin rằng hắn là hung thủ giết người nhưng không có bằng chứng buộc tội.
May mắn thay, một công tố viên vừa biết về xét nghiệm mới tên Paul Uhlenhuth đã dùng phương pháp huyết thanh học và chứng minh rằng các vết bẩn kia không phải thuốc nhuộm mà là máu. Cuối cùng, Tessnow đã bị xử tử.
Nhân chủng học pháp y
Trong ngành pháp y, nhân chủng học được xem là phương pháp đặc biệt hữu ích trong việc cung cấp câu trả lời bí ẩn cho các vụ án xảy ra hàng chục thập kỷ khi hầu hết các bằng chứng khác đã biến mất. Nhân chủng học pháp y chủ yếu nghiên cứu về xương, tóc… của con người. Đặc biệt, nếu như tại hiện trường vụ án phát hiện một bộ xương trắng thì nhân chủng học pháp y sẽ được phát huy hết tác dụng. Các điều tra viên có thể thông qua việc đo đạc xương cốt để tính toán chiều cao, dựa vào việc quan sát xương để đoán giới tính cũng như biết được tuổi của người chết.
Trong quá khứ, đã có vụ án được phá nhờ vào nhân chủng học pháp y. Vào năm 1961, ba người thợ đã tìm thấy một bộ xương trong cái hang gần Swansea, xứ Wales. Khi đó, bộ xương được đưa đến phòng thí nghiệm pháp y ở Cardiff, sau quá trình phân tích hộp sọ và xương chậu, các điều tra viên tin rằng nạn nhân là một phụ nữ trẻ. Cộng thêm các bằng chứng thu thập được là một chiếc nhẫn cưới có khắc dấu từ năm 1918, và một số tua rua thuộc về thời trang khăn choàng đầu những năm 1920, các nhà điều tra tin rằng nạn nhân đã chết khoảng 40 năm trước.
Trong quá trình điều tra, xâu chuỗi mọi tình tiết, một số người đã nhớ ra sự biến mất bí ẩn của một vũ nữ tên Mamie Stuart. Theo đặc điểm nhận dạng, Mamie Stuart hoàn toàn phù hợp với những mô tả trên. Được biết, cô biến mất vào năm 1920, năm đó người chồng là George Shotton bị buộc tội giết người nhưng lại được tha bổng vì không tìm thấy xác.
Nhìn chung, ngành khoa học pháp y còn bao hàm nhiều nội dung khác bao gồm nha khoa pháp y, lâm sàng học pháp y, bệnh lý học pháp y, vật chứng học pháp y, hiện trường khám tra học,... Tất cả những phương pháp này đều mang tính quan trọng trong việc giải đáp bí ẩn của một vụ án bất kể là xảy ra trong thời gian nào.
(Nguồn: Tổng hợp)