Những uẩn khúc cần làm rõ trong vụ trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ: Nghe được nhịp tim nhưng báo cáo là thai đã chết lưu?

Phong Nguyên,
Chia sẻ

Thai đã chết lưu trước đó hay còn sống? Nếu chết lưu từ trước thì sao sản phụ lại chuyển dạ bình thường? Tại sao không tiến hành siêu âm cho sản phụ trong quá trình thăm khám..., là những câu hỏi cần giải đáp trong sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa qua.

Liên quan đến vụ việc trẻ sơ sinh tử vong với nhiều vết đứt trên cổ, mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở y tế Hà Tĩnh báo cáo nhanh vụ việc báo chí phản ánh về trường hợp này.

Bởi rất khó để tin rằng, bác sĩ Trưởng khoa sản lại kéo đứt lìa đầu đứa trẻ sơ sinh. Càng khó có thể tin được, bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt lại được phân công trực chính sản khoa... Nhưng tất cả lại là sự thật trong vụ việc chấn động mới xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

1

BVĐK huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh.

Báo cáo thai chết lưu đã 7 ngày nhưng trước đó nữ hộ sinh vẫn đo được tim thai?

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế ngày 2/7, sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia sản khoa, qua hình ảnh nhận định thai chết lưu trên 7 ngày.

Theo tường trình của nữ hộ Sinh Hoàng Thị Định cho biết, thời điểm sản phụ Tình nhập viện, chị là người trực tiếp thăm khám, xác định sản phụ thai 35 tuần, tử cung đã mở 4 phân.

2

Các bác sĩ có liên quan trong vụ việc.

Còn hộ sinh Hoàng Thị Trinh thì cho biết, quá trình vào chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần. Lần đầu vào 9h39 phút (ngày 30/6), lần thứ 2 vào 12h trưa và lần thứ 3 vào 15h cùng ngày. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 – 130 lần/phút.

Như vậy, các nữ hộ sinh đều xác định sản phụ nhập viện trong tình trạng bình thường, tim thai nghe được trong cả 3 lần nghe. Anh Nguyễn Sỹ Chiến, SN 1977, chồng sản phụ cũng khẳng định, lúc đưa vợ vào nhập viện, phía y bác sĩ thăm khám cho biết cổ tử cung đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường, chờ sinh thường.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Cường – Phó giám đốc bệnh viện lại cho rằng thai nhi khả năng đã chết lưu trước đó, việc nghe được tim thai của nữ hộ sinh có thể là không chính xác, tư thế nghe sai nên nghe… không đúng.

3

Phó giám đốc bệnh viện Phạm Hồng Cường cho rằng thai nhi đã chết lưu trước đó. Ảnh: BVPL

Theo chuyên gia y tế TS.BS Bùi Chí Thương, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định: "Nếu thai lưu, tất cả hệ mạch máu không thể hoạt động được. Do đó, tuyệt đối không thể nhầm lẫn tiếng động mạch thai nhi thành tiếng tim. Đây là điều cần khẳng định rõ. Nhân viên y tế chỉ có thể nhầm tiếng động mạch của người mẹ với tim thai. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, lỗi này thường do sự bất cẩn, nhầm lẫn của nhân viên y tế trong quá trình thăm khám".

Vậy điều gì dẫn đến sự sai sót này? Đây là điều khiến nhiều người thắc mắc.

Tại sao thai chết lưu nhưng mẹ vẫn chuyển dạ bình thường?

Theo báo cáo, tình trạng thai nhi sau khi sổ: "Da đầu bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp, da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày".

Theo như nhận định về kết luận này, Ths.BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng thai đã chết lưu 7 ngày rất khó để sản phụ có cơn co tự nhiên, chuyển dạ. Thông thường, các bác sĩ phải tiêm thuốc để sản phụ có cơn co, đẩy thai ra ngoài.

Bên cạnh đó, TS.BS Bùi Chí Thương cũng cho rằng, trường hợp mẹ chuyển dạ nhưng thai đã chết lưu bác sĩ chỉ cần quan sát nước ối sẽ phát hiện bất thường. Bởi khi đó, nước ối thường bẩn đục. Da của thai lưu thường bong tróc hay thẩm màu vì nhúng trong nước ối lâu ngày.

Không siêu âm cho sản phụ trong quá trình thăm khám?

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, sau khi nhập viện, sản phụ Tình được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu, theo dõi tim thai và cơn co tử cung. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm cho sản phụ này.

Đáng nói, theo kíp đỡ đẻ, bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền là vị bác sĩ được giao trực chính sản khoa, cũng là bác sĩ tham gia đỡ đẻ ban đầu cho sản phụ Nguyễn Thị Tình, tuy nhiên bác sĩ Quyền lại là bác sĩ chuyên khoa Răng- Hàm - Mặt? Trong cuộc làm việc với PV, ông Phạm Hồng Cường – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cũng xác nhận điều này.

2

Sản phụ Tình đang phải điều trị tại Bệnh viện ĐK Đức Thọ

Theo bác sĩ Bùi Chí Thương, siêu âm là cách tốt nhất để đánh giá tình trạng thai nhi còn sống hay đã chết lưu. Trong trường hợp thai lưu, hình ảnh sẽ thể hiện rõ trong màn hình siêu âm.

Sở Y tế Hà Tĩnh cũng nhận định việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi.

Bác sĩ kéo quá mạnh tay làm cháu bé đứt cổ dẫn đến chết?

Trước giả thiết bác sĩ kéo quá mạnh tay làm cháu bé đứt cổ dẫn đến chết, ông Phạm Hồng Cường lý giải theo kiến thức y khoa thì cổ trẻ sơ sinh có thể chịu đựng được lực kéo từ 50 đến 60kg.

Tuy nhiên, có rất nhiều người đặt ra nghi vấn về vết đứt gọn gàng quanh cổ cháu bé có thể do ngoại lực như kéo (cắt tầng sinh môn), kẹp.

Nhận định về việc này, ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai), cho rằng đối với thai bình thường, không to, nếu sản phụ đã mang bầu lần thứ 5 và ở tuần 35, khả năng đứt cổ khó có thể xảy ra.

Trả lời trên Vietnamnet, một nữ bác sĩ khác cho rằng trẻ đã chết lưu vài ngày khác hoàn toàn với thai nhi mới tử vong. Nếu thai chết lưu, bị hoại tử, thối rữa khi bị tổn thương rất khó để khâu nối lại vì thịt đã mủn.

Chính vì vậy, nguyên nhân cháu bé bị đứt cổ dẫn đến chết vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Công an, VKSND huyện vào cuộc

Theo nguồn tin trên báo BVPL, trước sự việc gây sốc vừa xảy ra trên địa bàn, có dấu hiệu ê kíp đỡ đẻ tắc trách, dẫn tới cái chết đau lòng của đứa trẻ sơ sinh, Thượng tá Trần Hải Trung – Phó Trưởng Công an huyện Đức Thọ cho biết, phía đơn vị đã nắm thông tin và cử cán bộ điều tra đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thu thập thông tin, hồ sơ, xác minh làm rõ. Theo Thượng tá Trần Hải Trung, Công an huyện sẽ triệu tập những cán bộ có liên quan để lấy lời khai, xác định vai trò, trách nhiệm cụ thể.

Phía VKSND huyện Đức Thọ, Viện trưởng Nguyễn Anh Hào cho biết, đơn vị đã nắm thông tin qua báo chí, đã trao đổi với lãnh đạo công an huyện, đề nghị vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý tin báo ban đầu. Trước mắt, đã đề nghị công an cử cán bộ điều tra làm việc với gia đình nạn nhân, làm việc với bệnh viện và kíp đỡ đẻ. Quá trình điều tra, xác minh, có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như trước đó đã thông tin, 8h sáng ngày 30/6, chị Nguyễn Thị Tình, trú tại xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có dấu hiệu chuyển dạ, được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thăm khám. Tại đây, sản phụ Tình được thăm khám 3 lần thì cả 3 lần đều kết luận tim thai và sức khỏe bình thường, cho đẻ thường.

Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, tử cung mở hết và được đưa lên bàn đẻ. Bác sĩ Quyền, hộ sinh Định và hộ sinh Trinh là người trực tiếp thăm khám, đỡ đẻ cho sản phụ Tình. Khi đầu sản nhi ra ngoài, phần lưng và vai mắc trong người mẹ, kíp trực đã gọi bác sĩ Đức đến hỗ trợ. Quá trình này, bác sĩ Đức cầm tay kéo khiến cổ sản nhi bị đứt dài 8cm, phải khâu 8 mũi.

Đến 19h20 phút cùng ngày, gia đình sản phụ nhận được thông báo cháu bé đã tử vong do thai chết lưu. Thấy thi thể con được quấn khăn trắng kín cổ, chồng sản phụ Tình mở ra xem thì phát hiện sản nhi có vết đứt quanh đã được khâu lại.

Gia đình nạn nhân cho rằng, cháu bé đã bị kíp trực làm tử vong trong quá trình đỡ đẻ. Còn bệnh viện cho rằng nguyên nhân bị lưu thai trước đó nhưng kíp trực đã nhận định sai vì nghe nhầm nhịp tim với động mạch?

Chia sẻ