Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2)

Mia (TH),
Chia sẻ

Khác với trẻ em thời nay với nhiều trò chơi hiện đại, không gian không có, bị các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại mê hoặc.Tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x gắn liền với những trò chơi dân dã, vận động nhiều.

Chơi quay (cù, gụ)

Chơi quay là trò chơi dân gian mà bất cứ cậu bé nào cũng yêu thích mười, hai mươi năm về trước. Có thể bây giờ, những món đồ công nghệ, các trò chơi điện tử cuốn hút các cậu bé hơn. Nhưng với các chàng trai thế hệ 7x, 8x, thú vui tuổi thơ của họ chính là chơi quay.

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 1

Để chơi được trò này, cần có một con quay và một sợi dây. Quấn chặt sợi dây vào con quay, sau đó người chơi giữ chặt một đầu dây, lăng cho con quay văng ra và kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Kỹ thuật này được gọi là "bổ". 

Trò quay có nhiều luật chơi: có thể thi xem con quay của ai quay lâu hơn, văng xa hơn, hoặc vẽ một vòng tròn, con quay chỉ di chuyển trong đó, vượt ra ngoài là thua, hoặc "hầm", tức là nhiều người "bổ" con quay vào con quay của một người,...

Nhảy ngựa

Ở một vài nơi, trẻ em gọi trò này là "nhảy vô". Cách chơi rất đơn giản, oẳn tù tì, người thua làm ngựa, phải đứng để các bạn nhảy qua người.

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 2

"Ngựa" cúi xuống, còn những người còn lại chống tay lên lưng, chạy từ xa lấy đà, rồi đặt tay lên lưng "ngựa" làm điểm tựa, dang chân sang hai bên nhảy qua. "Ngựa" ngày một đứng cao hơn, các bậc nâng lên, ai không nhảy qua được, là thua, phải vào làm "ngựa".

Rồng rắn lên mây

Bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" quá quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Đến tận bây giờ, trò chơi này vẫn được sử dụng trong các trường học để tạo hoạt động cho trẻ.

Cách chơi như sau, một người làm "thầy thuốc" đứng đối diện với những người làm "rồng rắn". Các "rồng rắn" chọn một người to, khỏe nhất đứng đầu bảo vệ, còn lại nắm đuôi áo nhau.

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 3

"Rồng rắn" đi vòng vèo và đọc bài đồng dao: "Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Có nhà hiển binh/ Thầy thuốc có nhà hay không?"

Sau đó, thầy thuốc và "rồng rắn" thực hiện một màn đối đáp. Rồi thầy thuốc "xin khúc đuôi", và thực hiện đuổi bắt. "Thầy thuốc" vắt được ai, người đó thua và phải ra làm "thầy thuốc". Nếu "rồng rắn" bị ngã, hoặc đứt trong lúc đuổi bắt thì cũng thua.

Ném lon (lia ống bơ, tạt lon)

Đây là trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x trên khắp mọi miền tổ quốc. Nhớ lại những năm tháng bé thơ, hẳn nhiều người không thể quên được tiếng leng keng của lon sữa bò rỗng lăn lóc, hòa lẫn với tiếng reo hò của bè bạn.

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 4

Chỉ cần một chiếc lon rỗng, một viên phấn là có thể bắt đầu trò chơi. Cách chơi như sau: oẳn tù tì, người thua phải lên trông lon. Vẽ một vòng tròn và đặt lon vào trong đó. Dùng dép để ném lon, ai ném trượt lên đứng cạnh dép của mình. Khi có người ném trúng, người trông lon phải đi nhặt lon vào chỗ cũ, còn những người ném trượt mang dép chạy về vạch đích. Người trông lon đuổi theo, bắt được ai, người đó phải lên thay thế vị trí trông lon.

Búng dây thun (dây nịt)

Nếu như tuổi thơ của các bé gái là trò chơi nhảy dây bện từ vòng thun (nịt), thì các bé trai lại dùng những vòng thun này để chơi búng dây thun.

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 5

Trò chơi rất đơn giản, mỗi người chuẩn bị khoảng 10 vòng dây thun. Người làm cái gom tất cả dây thun của mọi người lại, tung lên sao cho mỗi vòng dây rơi ra một vị trí khác nhau. Người làm cái đi đầu tiên, búng dây thun sao cho dây này chồng lên dây khác, nếu búng trúng, thì được quyền "ăn" luôn vòng thun đó, nếu búng trượt thì chuyển sang lượt chơi của người khác. Cuối buổi, ai có nhiều vòng thun nhất, người đó chiến thắng.

Tập tầm vông

Trò tập tầm vông có luật chơi rất đơn giản. Một người cầm viên sỏi, giấu ra sau lưng, đặt vào lòng bàn tay. Sau đó nắm cả hai tay lại, đưa ra phía trước cho người khác đoán, không quên đọc bài đồng dao: "Tập tầm vông, tay không, tay có. Tập tầm vó, tay có, tay không. Mời các bạn đến đây xem thử. Tay nào có, tay nào không. Có, có, không, không".

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 6

Trò chơi được nâng cấp độ thú vị bằng cách đặt ra hình phạt nếu đoán sai, hoặc phần thưởng nếu đoán đúng, thường là có quyền sai khiến người kia làm một việc theo ý mình.

Chọi cỏ gà

Ngày bé, thế hệ 7x, 8x thường chạy trên những con đường đất dài miên man, kiếm cỏ gà bên đường về chọi. Bây giờ, cỏ gà không còn nhiều như xưa, trò chơi chọi cỏ gà vì thể cũng dần lùi vào dĩ vãng.

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 7

Những cọng cỏ được "chọi" nốt sần vào nhau, nốt sần nào bị đứt rời ra thì coi như "gà" thua.  Hoặc gập đôi lại rồi móc "gà" vào nhau và giật, cọng cỏ gà của ai đứt thì bị thua. Để gia tăng độ bền cho "gà", trẻ em thời đó thường cho cỏ gà vào miệng nhai cho chỗ gập đôi khô nước, bã ra thành xơ nhỏ rồi bện lại thành sợi thừng con chắc chắn.

Mèo đuổi chuột

Trò chơi này vẫn được sử dụng nhiều ở các trường học cho đến bây giờ. Có một người giả làm mèo, một người giả làm chuột, còn lại tất cả đứng thành vòng tròn, giơ tay lên cao. Sau đó, tất cả cùng hát bài: "Mèo đuổi chuột/ Mời bạn ra đây/ Tay nắm chặt tay/ Đứng thành vòng rộng/ Chuột luồn lỗ hổng/ Mèo chạy đằng sau/ Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo/ Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột".

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 8

Sau khi bài hát kết thúc, chuột chạy, chui qua các "lỗ" được tạo bởi các bạn đứng nắm tay nhau, mèo chạy theo và cũng phải chui đúng theo như vậy. Mèo thắng khi bắt được chuột, rồi hai người đổi vị trí cho nhau.

Nu na nu nống

Sau khi chạy nhảy mệt, cần nghỉ ngơi, có một trò chơi dân dã mọi thế hệ trẻ em Việt Nam rất thích khi "ngồi yên một chỗ". Đó chính là nu na nu nống.

Bài đồng dao "Nu na nu nống" ai cũng thuộc nằm lòng: "Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Mở cuộc thi đua/ Chân ai sạch sẽ/ Gót đỏ hồng hào/ Không bẩn tí nào/ Được vào đánh trống" Hoặc "Nu na nu nống/ Cái cống nằm trong/ Con ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Bụt ngồi bụt khóc/ Con cóc nhảy ra/ Con gà ú ụ/ Nhà mụ thổi xôi/ Nhà tôi nấu chè/ Tay xoè chân rụt".

Những trò chơi dân dã gắn liền với tuổi thơ 7x, 8x (P.2) 9

Khi đọc bài đồng dao, người chơi ngồi cạnh nhau, duỗi chân ra. Đọc đến từ nào thì người đọc để tay vào một chân, từ cuối cùng đọc lên, tay để vào chân người nào thì người đó co chân lên. Ai co hai chân lên trước thì thắng, ai co hai chân cuối cùng thì thua.

Ảnh minh họa trong bài có nguồn từ Internet.
Chia sẻ