Những tình tiết khiến ai cũng "rùng mình" về mức độ tàn độc của kẻ sát nhân
Sau khi vụ án được khám phá, mọi người giật mình khi cơ quan chức năng khẳng định chỉ có 2 hung thủ gây án, một nghi can từng là người yêu cũ của nạn nhân. Lời khai lạnh lùng của các nghi can với nhiều tình tiết khó tin đã khiến nhiều người bàng hoàng.
Tối ngày 10/7, Cục CSĐT (C45) thuộc Bộ Công an đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Hải Dương (24 tuổi) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi) liên quan đến vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành, Bình Phước). Sau khi lấy lời khai, 1 trong số 2 nghi phạm đã được di lý về Bình Phước để phục vụ công tác điều tra.
6 người trong một gia đình bị giết hại gồm: ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, ngụ ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (45 tuổi, vợ ông Mỹ), hai con của ông Mỹ - bà Nga là Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi) và Lê Quốc Anh (15 tuổi), hai cháu là Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi). Các nạn nhân đều chết trong tư thế bị trói chặt chân tay, miệng bịt khăn và cổ bị cắt.
Tại buổi họp báo chiều 11/7 về vụ thảm án ở huyện Chơn Thành (Bình Phước), thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ công an) cho biết nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Nghi can Nguyễn Hải Dương (phải) và nghi can Vũ Văn Tiến (trái).
Cũng tại buổi họp báo, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết nhân thân của hai đối tượng đến nay đã xác minh đầy đủ. Gia đình Hải Dương cơ bản đàng hoàng, Dương chưa có tiền sự, tiền án, được đánh giá là ngoan ngoãn. Vũ Văn Tiến cũng làm nghề thợ mộc như Dương, thân nhân tốt.
Trong quá trình điều tra, lấy lời khai của hai nghi can, nhiều tình tiết được khai báo khiến nhiều người sững sốt.
1. Nghi phạm từng được xem như "con rể" trong gia đình
Nghi can Nguyễn Hải Dương từng lái xe Jaguar của gia đình bị thảm sát tại Bình Phước - Ảnh: Facebook
Ban đầu, Dương cũng làm công nhân như bao người khác. Sau đó, nhờ hiền lành, chịu thương, chịu khó nên Dương được ông Lê Văn Mỹ thương và giao cho công việc nhàn hơn. Thời gian đầu gia đình ông Mỹ không cấm cản mối tình của Dương và Linh, nên Dương có lúc về ở hẳn trong nhà ông Mỹ, ông coi Dương như “con rể” trong nhà. Thậm chí, chiếc xe ô tô “hạng sang” mà ông Mỹ “cưng” nhất cũng giao cho Dương để đưa đón con gái đi học tại Bình Dương vào mỗi dịp cuối tuần.
Ông Nguyễn Dinh (cha của nạn nhân Nguyễn Lê Thị Ánh Nga, ông ngoại của nạn nhân Lê Thị Ánh Linh) cho biết gia đình đối xử với Hải Dương như con cháu trong nhà. "Khi nó quen con Ánh Linh, gia đình còn cho nó đi Hàn Quốc du lịch. Vậy sao nỡ...”, ông Nguyễn Dinh nói.
Trên facebook cá nhân, Dương cũng thường xuyên chia sẻ những bức ảnh trong các chuyến du lịch cùng gia đình bạn gái Ánh Linh. Vì vậy, khi biết Dương là nghi can chủ mưu trong vụ thảm sát kinh hoàng này, nhiều người đã phẫn nộ.
2. Lên kế hoạch sát hại gia đình người yêu từ tháng 4/2015 và chuẩn bị kỹ lưỡng
Trong cuộc họp báo, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định các nghi can có chủ đích giết người ngay từ đầu. Cụ thể, qua lời khai của nghi can Hải Dương, Dương cho biết vì gia đình cấm cản tình yêu và Ánh Linh cho bạn trai mới nên Dương nảy sinh ý định trả thù. Ý định này đã nhen nhóm từ tháng 4/2015, với kế hoạch giết Linh và gia đình nhà ông Mỹ, cướp tài sản để trả thù.
Để chuẩn bị cho hành vi phạm tội, Dương lên kế hoạch mua 1 súng bắn bi giá 6 triệu đồng, 1 khẩu súng điện giá 2 triệu đồng, 1 con dao Thái Lan dài 30 cm, 1 dao bấm lưỡi dài 7 cm, mua 1 sim rác để liên lạc, mua găng tay, khẩu trang bịt mặt, mượn xe máy của Trần Thị Trinh (dì của Dương), lấy 10 dây rút nhựa, 1 cuộn băng keo dính để bịt miệng nạn nhân.
Mô phỏng hiện trường vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Dù đã lên kế hoạch từ lâu nhưng đến trưa ngày 6/7, Dương mới hẹn Vũ Văn Tiến uống cafe và bàn kế hoạch tham gia cướp tài sản nhà ông Mỹ. Tiến đồng ý tham gia.
3. Dụ dỗ nạn nhân 14 tuổi mở cổng nhà để thực hiện cuộc thảm sát
Để đột nhập vào nhà ông Mỹ, Dương biết trước nhà ông Mỹ đều có khóa trong nên Dương đã lừa Vỹ là sẽ cho tiền và quà để Vỹ xuống mở cổng cho Dương và Tiến vào nhà ông Mỹ.
Theo đúng kế hoạch đã đặt ra vào khoảng 2 giờ ngày 7/7, Dương và Tiến đi xe máy đến cổng nhà ông Mỹ và nhắn tin cho Vỹ ra mở cổng, khi Vỹ ra mở cổng Dương và Tiến đã khống chế Vỹ và giết ngay ở sân gần cổng ra vào.
Sau khi nghe lời Dương và mở cổng, Dư Minh Vỹ đã bị sát hại đầu tiên.
4. Trói và khống chế các nạn nhân, sau đó tra khảo nơi cất giấu tài sản
Sau khi giết xong Vỹ, bọn chúng đã đột nhập lên lầu 1 bắt trói Ánh Linh và Tố Như, dùng băng keo bịt miệng Linh và Như, trói vào cửa sổ và xuống tầng trệt bắt trói ông Mỹ và cháu Quốc Anh (con ông Mỹ), khống chế bà Nga yêu cầu chỉ nơi cất giấu tiền và tài sản. Bà Nga đã tự mở két sắt nhưng không có tiền và tài sản quý.
Bọn chúng đã lục soát trong phòng và cướp được hơn 4 triệu và 1 số đô la. Sau đó, bọn chúng trói bà Nga lại dẫn cháu Quốc Anh để tra khảo tiền tài sản. Cháu Quốc Anh trả lời không biết, bọn chúng đã giết cháu Quốc Anh. Sau khi giết cháu Quốc Anh, bọn chúng quay trở lại phòng ông Mỹ giết bà Nga và ông Mỹ.
6. Tâm sự với người yêu cũ trước khi xuống tay sát hại
Theo lời khai của Hải Dương, Linh là người Dương ra tay tàn độc sau cùng. Trước khi ra tay với người yêu cũ, Dương bắt Linh ngồi trước mặt, bên cạnh là thi thể của Tố Như, và tâm sự nỗi lòng của một gã thất tình. Mặc cho Linh cầu xin trong sợ hãi, Dương lạnh lùng ra tay với nhát dao ngay cổ sau khi “nói hết lời”.
Cả hai đối tượng đồng thời lấy đi 5 điện thoại, 1 Ipad của các nạn nhân.
Mặc dù đã có thời gian yêu nhau lâu dài nhưng Dương vẫn lạnh lùng ra tay sát hại mặc cho người yêu cũ van xin.
7. Giết người xong, quay lại đám tang để... khóc than chia buồn
Dương sau khi gây án đã quay lại hiện trường nhiều lần và luôn tỏ ra đau khổ, khóc lóc trước người thân của gia đình nạn nhân nên người nhà không nghi ngờ gì. Ông Nguyễn Dinh (ông ngoại Ánh Linh) cũng cho biết ngay sáng 7/7 khi xảy ra vụ thảm sát, khoảng 9h sáng thì Nguyễn Hải Dương có mặt ở đám tang và bày tỏ vẻ đau buồn.
Đánh giá về việc tại sao Dương lại quay lại dự đám tang mà không cao chạy xa bay, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đánh giá: "Đó là chuyện tâm lý bình thường của tội phạm khi còn chút tình người. Thứ 2 đó là xem diễn biến tình hình sự việc điều tra của công an. Hung thủ tính toán rất kĩ về vấn đề này nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra".
Theo Luật sư Thạch Thảo (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) nhận định, có thể thấy rằng đây là một vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, kẻ thủ ác đã có những hành vi giết người vô cùng dã man và không chừa một ai trong gia đình.
"Vụ án này làm tôi liên tưởng nhớ lại vụ án của Lê Văn Luyện cướp của giết người cách đây không lâu, vụ án đó cũng đã gây nên sự bàng hoàng, lo sợ đối với hành vi của kẻ thủ ác, cũng vì mục đích cướp tài sản mà Luyện đã giết chết 2 vợ chồng và 1 đứa con trong gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, với diễn biến khi xảy ra vụ án đó thì việc Luyện giết người là trong lúc giằng co với người chồng thì Luyện mới ra tay sát hại, người vợ nghe tiếng chồng kêu cứu chạy lên cũng bị giết chết.
Còn đối với vụ án này, với những diễn biến của sự việc thì có thể thấy đây là hành vi phạm tội có tổ chức, được lên kế hoạch, sắp xếp thời gian, phân công vai trò một cách cụ thể, bọn chúng đã bỏ thời gian theo dõi và nắm rất rõ toàn bộ hoạt động của gia đình nạn nhân trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Bọn chúng đã đột nhập vào nhà, khống chế được các nạn nhân và trói các nạn nhân sau đó dùng dao đâm vào cổ từng người. Như vậy có thể thấy những hung thủ này đã có đủ thời gian kiểm soát và khống chế được các nạn nhân nhưng bọn chúng lại ra tay vô cùng tàn ác"
Theo luật sự Thảo, căn cứ vào tính chất, mức độ về hành vi phạm tội của những kẻ thủ ác, thì việc cơ quan cảnh sát điều tra công an Tỉnh Bình Phước kịp thời ra quyết định khởi tố vụ án về tội " Giết người" Theo điều 93 BLHS đối với vụ án trên là lẽ tất yếu.
Với hành vi giết người của những kẻ thủ ác trên sẽ bị xử lí theo điểm a, (giết nhiều người), c (giết trẻ em), i (giết người ma rợ), q (giết người vì động cơ đê hèn) khoản 1, điều 93 BLHS "Tội giết người", có khung hình phạt cao nhất từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là mức án hết sức nghiêm khắc và không thể tránh khỏi của những kẻ thủ ác trên,