Những tình huống "khó đỡ" của ông chồng đi chăm vợ đẻ
“Nửa đêm vợ kêu đau, tức bụng dưới, vội vã gọi mẹ để hỏi mới hay vợ có dấu hiệu sinh. Luống cuống sắp đồ, gọi taxi đưa vợ đi lúc nửa đêm...", đó là một trong vô số chia sẻ của các ông chồng khi chăm vợ đẻ.
Nửa đêm đội mưa đưa vợ đi đẻ
Nhiều ông chồng luống cuống vì lần đầu được làm bố, không ít người làm bố đến mấy lần vẫn hồi hộp y như lần đầu. Từ lúc vợ sắp đến ngày sinh cho tới lúc con chào đời, mỗi giai một cảm xúc khác nhau khiến các ông bố gây nên những chuyện dở khóc dở cười.
Các cụ vẫn thường nói “đau đẻ chờ trăng lên”, tức là đến ngày, đến giờ không đẻ cũng không được mà muốn sinh trước cũng không xong. Ngoại trừ việc mổ sinh theo yêu cầu của gia đình thì ai sinh để cũng phải theo quy luật tự nhiên đó.
(Ảnh minh họa)
Anh Trịnh Văn Tuấn đang tất bật với những công việc của người chồng chăm vợ mới sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Anh Tuấn, chị Sen quê ở Thanh Hóa, cưới nhau xong hai vợ chồng ra Hà Nội làm việc, không bao lâu sau chị mang bầu. Vì anh Tuấn là cháu đích tôn nên cả nhà vui mừng, muốn chị nghỉ việc về nhà để có điều kiện chăm sóc tốt nhất. Nhưng vì công việc và muốn gần chồng chị quyết định ở lại, hai vợ chồng thuê một gian phòng gần 40m để ở và cũng chuẩn bị để khi vợ sinh bà nội, bà ngoại ra chăm còn có chỗ nghỉ ngơi. Niềm vui nối tiếp, mấy tháng sau chị Sen đi siêu âm bác sĩ chuẩn đoán cái thai là con trai. “Song hỷ lâm môn” gia đình vừa mừng vì cháu trai sinh năm rồng vừa vui vì được tôn danh “tứ đại đồng đường”. Gia đình hai bên thấp thỏm chờ ngày cháu bé chào đời. Nhưng chưa đến ngày sinh như dự kiến của bác sĩ nên cả nhà vẫn ung dung chưa sắp xếp đến trực con sinh cháu.
Bất ngờ trước ngày sinh dự kiến 1 tuần chị Sen đau bụng, “nửa đêm vợ kêu đau, tức bụng, vội vã gọi mẹ để hỏi mới hay vợ có dấu hiệu sinh. Luống cuống sắp đồ, gọi taxi đưa vợ đi lúc nửa đêm. Hôm đó trời mưa, rét nữa mới khổ chứ. Đưa vợ đến viện rồi mà tim đập chân run” – anh Tuấn toát mồ hồi nhớ lại.
Chị Sen sinh cháu bé 3,8kg, may mắn là chị không phải mổ đẻ nhưng cũng bị khâu mấy mũi. Vì thế chị không thể đi lại, đi đâu, làm gì cũng phải có người đỡ. Hai ngày đầu hai bà chưa sắp xếp công việc ở quê nên anh phải trực ở bệnh viện 24/24. “Có những việc chưa bao giờ đụng đến như dìu vợ đi vệ sinh, bế trẻ, thay tã lót… nên làm việc gì cũng lóng ngóng. Chạy đi chạy lại, thức đêm vài ngày cũng mệt lắm nhưng nhìn vợ con đều khỏe mạnh cũng thấy vui. Giờ nghĩ lại cái cảnh vợ đau đẻ nhăn mặt kêu rên, rồi la hét dù đã qua rồi mà vẫn còn thấy run” – anh Tuấn cho biết.
Chăm bà đẻ thường vất vả một, chăm vợ mổ đẻ khổ gấp mười
Cũng trong cương vị một người cha trẻ anh Hoàng có vẻ vất vả hơn. Nhà ở không cách xa bệnh viện là mấy, chị lại không thích vào viện vì khó chịu đủ thứ mùi nên anh liều để vợ ở nhà đến lúc sinh mới chạy vào viện. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng khi vợ bắt đầu đau bụng anh vẫn cuống quýt. Nhất là khi, vợ anh trở dạ lúc 2h sáng, còn dở dang giấc ngủ anh đờ đẫn hết người. Mất vài phút lấy bình tĩnh anh vội vàng khăn gói, tay xách nách mang đưa vợ đi viện. Khổ một nỗi, chị vợ khó đẻ nên phải mổ theo chỉ định của bác sĩ.
Chăm vợ từng li từng tí.
Thông thường, sản phụ sau khi mổ đẻ phải kiêng cữ, không vận động trong mấy ngày đầu. Ăn uống cũng phải có người đỡ rồi bón từng thìa, đi vệ sinh có khi phải xử lý tại chỗ. Nằm vài ngày không cử động nhiều, sản phụ không thể tự đứng lên đi, người nhà phải dìu tập từng bước. “Chăm vợ đẻ vất vả 1 thì vợ mổ đẻ còn vất vả hơn 2 – 3 lần. Vì vết thương mổ lâu lành nên bác sĩ căn dặn sản phụ “nằm một chỗ” 4 – 5 ngày mới tập cho đứng dậy đi lại” – anh Hoàng cho biết.
Mẹ chị Hương mất sớm, mẹ chồng thì bệnh yếu nên từ khi đưa vợ vào viện sinh đến khi con chào đời, rồi tập cho vợ đi từng bước đầu tiên. Những công việc đó dù đối với một chàng trai trẻ còn vụng về nhưng anh đều phải tự làm hết. Cái gì không biết thì anh hỏi các bà có kinh nghiệm cũng đi chăm con đẻ ngay cùng phòng. Thấy có gì không ổn vội vàng chạy gọi bác sĩ ngay. Rồi cùng qua một tuần ở viện chăm vợ, anh chuẩn bị đưa vợ con về nhà trong niềm hạnh phúc mẹ tròn con vuông, vợ vượt cạn an toàn.
“Khổ như chăm vợ đẻ”
Lấy nhau hơn 3 năm trời, Thủy mới mang thai nên chẳng riêng gì vợ chồng cô mà cả hai họ đều mừng. Mà mừng hơn nữa là cái thai sẽ chào đời vào năm Nhâm Thìn. Mẹ chồng hết lời khen con dâu. Chưa đến ngày sinh nhưng gia đình chồng cẩn thận muốn Thủy nhập viện sớm. Thấy các cụ khuyên đưa vợ tập đi lại nhiều cho dễ đẻ. Thế là ngày 2 lần anh Mạnh (chồng Thủy) dìu vợ đi dạo quanh hành lang bệnh viện. Không chịu rời chồng nửa bước, đến lúc chị vào viện chuẩn bị sinh, anh cũng phải kè kè bên cạnh. Lúc trở dạ, đau quá, Thủy vừa quát, vừa túm tóc đánh chồng. “Lúc đó vợ dữ dằn đến mấy cũng phải chịu thôi! Hoảng hốt với những hành động của vợ, lúc đau quá không chỉ đánh còn cắn nứt máu ấy chứ nhưng cũng không dám vùng ra, cứ mặc cho vợ sả” – anh Mạnh chia sẻ.
Đến lúc đón con, người bố xúc động đỏ hoe mắt. Rồi cả đêm hôm ấy, hai vợ chồng cứ nhìn con rồi cười. Hai vợ chồng hạnh phúc, đã kết thúc những tháng ngày buồn tủi, lo lắng và rắc rối xảy ra hàng ngày vì chuyện “không biết đẻ”. Từ lúc đón con về, anh Mạnh phải hỏi bác sĩ từng cách để tay, cách quấn tã, rồi lấy giấy bút ghi lại đầy đủ như một công thức. Sợ đầu óc đãng trí, lúc nào anh cũng phải để tấm giấy “công thức” trong túi áo. Chăm vợ đẻ thức đêm trông con nhiều đêm nhìn anh gầy đi trông thấy. Song bù lại, vợ khỏe con ngoan anh cũng mừng.
Mấy chị y tá bệnh viện chia sẻ: “Người làm bố lần đầu vụng về đã đành. Đến lần thứ hai, thứ ba, họ vẫn cứ luống cuống y như lần đầu. Nghe vợ hét vì đau thì rụng rời chân tay, đứng ngồi không yên, mặt mũi cứ xanh nhợt đi. Có người thấy vợ mình đau quá nhưng cũng chỉ biết đứng trơ là nhìn vẻ mặt hoảng sợ”. Làm việc tại bệnh viện phụ sản này, các bác sĩ, y tá ở đây đã gặp không ít ông chồng khi vợ đẻ, nhận được tin, vội vã phi như bay đến, tay xách nách mang tã, quần áo, ngồi vật vờ đợi vợ rồi lấy tã của con ra lau mặt. Còn có những ông chồng khi vợ đẻ phải để vợ chỉ đạo từng li từng tý chuyện chăm sóc chính người vợ của mình.