Những thực phẩm cần tuyệt đối tránh khi bị tiêu chảy kẻo... 'mất mạng'
Khi bị tiêu chảy bạn cần có chế độ ăn uống thích hợp để bệnh không trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn không biết cách lựa chọn đúng thực phẩm khi bị tiêu chảy, tình trạng đau và tốc độ các cơn co thắt ruột sẽ càng nặng hơn. Vì vậy, bạn nên tránh xa những thực phẩm sau đây khi bị tiêu chảy.
Nguyên nhân gây tình trạng tiêu chảy rất đa dạng, do virus, vi khuẩn, chế độ ăn uống hoặc do thuốc men…Khi gặp tình trạng này, mọi người nên có biện pháp xử trí kịp thời vì khi tiêu chảy kéo dài làm cho cơ thể mất nước và chất điện giải, ảnh hưởng tới sức khỏe đặc biệt là trẻ nhỏ.
Đối với người mắc bệnh tiêu chảy, thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục. Có những thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ thể và giúp cơ thể hồi phục lại sau cơn tiêu chảy, nhưng cũng có những thực phẩm khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Khi bị tiêu chảy, để tình trạng không trở nên tồi tệ, mọi người cần nhớ không ăn những loại thực phẩm sau:
Các nhóm thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy
Sản phẩm từ sữa
Nhóm thực phẩm đầu tiên cần tránh là những thực phẩm làm từ sữa. Ngay cả khi cơ thể không bị chứng “không dung nạp lactose”, thì tốt nhất nên tránh các sản phẩm sữa trong một thời gian sau khi bị tiêu chảy.
Tiêu chảy có thể làm giảm lượng enzyme Lactase. Lactase là cần thiết để cơ thể tiêu hóa đường lactose, loại đường có trong các sản phẩm sữa. Nếu đường lactose này không tiêu hóa được, có thể dẫn đến các triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn và tiêu chảy. Một số loại thực phẩm có chứa đường lactose phổ biến là: sữa, phô mai, kem, kem chua.
Tuy nhiên, sữa chua là một ngoại lệ. Các men vi sinh trong sữa chua có thể giúp cơ thể bạn hồi phục. Khi bị tiêu chảy bạn có thể ăn sữa chua thường không đường để tốt cho hệ tiêu hóa.
Thực phẩm có hàm lượng chất béo cao
Thực phẩm có hàm lượng chất béo cao có thể tăng nhu động ruột và gây ra phản ứng đối với một hệ tiêu hóa. Vì vậy, bạn sẽ phải tránh các loại thực phẩm như: Thực phẩm có chứa kem; thức ăn nhanh, thịt có nhiều mỡ, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên
Lựa chọn tốt hơn bao gồm protein nạc, thịt gà luộc hoặc súp.
Chất làm ngọt nhân tạo
Một số chất làm ngọt nhân tạo và chất thay thế đường có thể có tác dụng nhuận tràng. Chúng cũng có thể làm tăng khí và đầy hơi, không tốt cho người bệnh đang bị tiêu chảy.
Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm thường chứa chất làm ngọt nhân tạo như: Nước ngọt, soda ăn kiêng, kẹo không đường, kẹo cao su không đường, chất thay thế đường cho cà phê và trà. Thay vào đó, hãy chọn nước trắng hoặc trà không đường, trà thảo mộc.
Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy. Khi đang bị tiêu chảy, bạn càng cần phải lựa chọn thức ăn cẩn thận từ nguồn gốc, độ tươi ngon, đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, bảo quản và chế biến an toàn.
Đặc biệt, cần lưu ý vệ sinh thực phẩm tốt: Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa sạch rau và trái cây dưới vòi nước chảy, vệ sinh dao, thớt, bồn rửa trước và sau khi sử dụng. Nấu chín kỹ thức ăn và bảo quản thức ăn đúng cách.
Tuyệt đối không ăn thức ăn đã ôi thiu, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh. Hạn chế ăn thức ăn đường phố. Không nên ăn rau sống và các thực phẩm chưa được nấu chín.
Thức ăn cay
Mức độ dung nạp thực phẩm cay có thể khác nhau giữa từng người, tuy nhiên việc tiêu thụ nhiều loại đồ ăn cay có thể dẫn đến việc bị tiêu chảy. Bởi lẽ những thực phẩm này có thể dễ dàng kích thích lớp lót bên trong dạ dày cũng như trong ruột, do đó làm cho thực phẩm di chuyển nhanh chóng mà không có sự tiêu hóa đúng cách và gây ra triệu chứng tiêu chảy.
Một số thực phẩm cụ thể cần tránh
Một số thực phẩm lành mạnh làm tăng khí trong đường ruột gây đầy bụng có thể góp phần làm nghiêm trọng tình trạng tiêu chảy:
Một số loại rau bạn nên tránh: Đậu, bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, hành.
Một số loại trái cây cũng dễ gây đầy bụng như: Đào, lê, mận hay trái cây sấy khô (mơ, mận khô, nho khô).
Đu đủ: Giống như tất cả các loại trái cây giàu chất xơ, đu đủ không an toàn nếu ăn quá nhiều trong giai đoạn bị tiêu chảy. Nguy hiểm hơn cả là bạn sẽ rơi vào trạng thái mất nước trầm trọng.
Chuối tiêu chín: Khi đang bị tiêu chảy, bạn không nên ăn nhiều chuối, nếu không ăn thì càng tốt, bởi vì trong chuối có một lượng chất xơ mềm, oligosaccarid giúp nhuận tràng. Chất này sẽ làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.
Cà phê: Mặc dù rất khó để bắt đầu ngày mới mà không uống một tách cà phê hay trà, nhưng tốt nhất bạn cần tránh những thức uống này vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu chảy. Caffeine không cho phép tiêu hóa thức ăn đúng cách vì sự co lại đột ngột của ruột, làm cho thực phẩm di chuyển nhanh hơn bình thường. Kết quả là thực phẩm không được hấp thụ hợp lý. Tính axit của đồ uống có chứa caffein cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu chảy.
Rượu: Uống quá nhiều rượu có thể liên quan trực tiếp đến hoạt động của dạ dày. Rượu gây ra kích ứng ruột, làm giảm khả năng hấp thụ nước. Do đó, nước chảy còn lại trong ruột gây ra hiện tượng phân lỏng và dẫn đến tiêu chảy. Bên cạnh đó, trong đường tiêu hóa có trên 400 loài vi khuẩn trong đó có những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Vi khuẩn có lợi chống lại các vi khuẩn gây bệnh bằng cách tạo thành rào cản ngăn chặn sự xâm nhập của chúng. Khi uống nhiều bia, rượu sẽ làm cho hệ vi sinh có lợi bị tiêu diệt, phá vỡ trạng thái cân bằng của hệ vi khuẩn, giúp vi khuẩn gây tiêu chảy bùng phát.
Những thực phẩm tốt cho người bị tiêu chảy
Để cải thiện tình trạng tiêu chảy, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu, bù nước và giữ nước tốt cho cơ thể như:
Gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt
Thịt gà, thịt lợn nạc, dầu thực vật
Các loại trái cây như chuối chín, táo, hoa quả mềm...
Bên cạnh đó cần tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, khi thấy tình trạng tiêu chảy nặng cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những lưu ý khi bị tiêu chảy
Tuân thủ quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rửa tay thật sạch trước khi chế biến hoặc ăn bất kỳ thực phẩm nào.
Phải rửa thật sạch tất cả các loại trái cây tươi và rau quả.
Chuẩn bị rửa sạch thớt, dao bằng nước xà phòng nóng trước và sau khi sử dụng.
Nấu chín kỹ thực phẩm.
Ướp lạnh hoặc đông lạnh thức ăn thừa ngay sau khi ăn.