Những thứ kẹo bánh mang cả "bầu trời tuổi thơ" thời bố mẹ chúng ta, sao Tết này không thử?
Chỉ từng ấy những thức kẹo bánh, thế nhưng với những cái Tết cổ truyền ngày xưa, nhiêu đó thôi cũng đủ ấm rồi!
Ngày Tết, khay bánh kẹo, mứt Tết trên bàn tiếp khách là thứ chẳng thể thiếu được ở bất kì nhà nào. Ông bà ta đã quan niệm rằng, khách đến nhà là phải mời chén trà, miếng kẹo miếng bánh lấy lộc. Thế nên bên cạnh chăm chút cho mâm cỗ Tết , công việc chuẩn bị khay bánh kẹo ngày Tết cũng quan trọng không kém.
Hồi tôi bắt đầu có thể nhớ được những cái Tết đầu tiên trong đời cho đến giờ, khay bánh kẹo trong nhà mỗi năm lại thay đổi một chút. Từ cái hồi nhỏ nhỏ, khi ấy kinh tế gia đình cũng chưa khá giả như bây giờ, những thứ kẹo bánh không đa dạng, bọc trong những miếng giấy bóng nilon trong suốt, nom thật đơn giản, thế là đủ làm nên một cái Tết ấm rồi. Sau này, mỗi năm một thay đổi, từ những loại bánh kẹo được chế biến, đóng gói xanh đỏ vàng kỳ công hơn, rồi đến những loại bánh, loại kẹo nhập khẩu... Nhà nào có "kẹo Tây" thì sẽ lấy làm tự hào lắm.
Mãi mấy hôm rồi, trong lúc lang thang đi chợ Tết cho vui cùng với mẹ, có cô bán hàng rủ mẹ mua kẹo lạc về ăn Tết, bỗng nhiên tôi lại thấy giật mình.
Kẹo lạc, kẹo vừng, rồi kẹo dồi, chè lam..., toàn những món kẹo bánh cực kỳ giản dị thời xưa, tại sao Tết này mình không thử nhỉ?
Tôi từng nghe bà nội kể lại, hồi trước, trẻ con chỉ có mấy thứ bánh kẹo như kẹo dồi, kẹo lạc làm quà... ấy là đã quý lắm rồi. Từ những món ăn vặt mà tụi trẻ ước ao, được ai tặng cho dăm ba chiếc kẹo là thấy vui như Tết, rồi tới những dịp lễ Tết thì càng vui mừng khôn xiết bởi khi ấy trong nhà lúc nào cũng có những món đồ này, tha hồ ăn thỏa thích.
Những thức quà quê bình dị ấy, đơn giản vậy thôi, thế mà làm rộn rã cả không khí ngày Tết. Nói như nhà văn Thạch Lam thì những thức bánh, thức kẹo này chính là những thứ "chuyên môn", mỗi món lại mang đặc trưng, là những thứ quà đặc biệt riêng của từng vùng.
Chè lam
Nhắc tới chè lam, quả thật là lâu lắm rồi tôi chưa từng được thưởng thức lại. Đây có lẽ là món ăn quý giá nhất tuổi thơ của tôi những ngày trước. Tôi thích nó bởi sự mềm dẻo của nếp, hương thơm đặc biệt chẳng lẫn vào đâu được của lạc vừng, và đặc biệt là vị ngọt vừa phải của đường mía, ăn mãi chẳng thấy ngán.
Hồi trước, tôi từng nhiều lần thắc mắc rằng chè lam là đặc sản của vùng nào bởi có lần thì thấy bố mua về từ Bắc Giang, lần thì thấy đứa bạn mang từ Thanh Hóa ra và nói là đặc sản, lần khác đi về Hà Tây lại vào được hẳn một ngôi làng làm chè lam... Mãi sau mới hiểu, chè lam thật ra là đặc sản của rất nhiều vùng ở miền Bắc, mỗi nơi lại mang một hương vị đặc trưng khác nhau. Bởi thế nên cũng thấy dễ hiểu khi cái Tết của những người miền Bắc thời xưa, nhà nào cũng có ít chè lam mời khách dùng cùng với trà.
Kẹo lạc
Lại một thức quà quen thuộc của người miền Bắc mà ở rất nhiều nơi như Thái Bình, Nam Định... đều có những nơi có truyền thống làm kẹo lạc.
Nguyên liệu làm kẹo lạc luôn được tuyển chọn một cách kỹ càng, nào lạc, đường kính, nào mạch nha... Kẹo lạc ngày xưa đều được làm thủ công bằng tay, pha đường, nha theo tỷ lệ thích hợp rồi vừa đun vừa khuấy liên tục, lơ là một chút thôi là sẽ làm chát mẻ kẹo ngay. Người thợ cứ thế đun tới khi có được màu vàng nâu cánh gián thì trộn lạc cho đến khi dẻo quánh rồi đổ ra, cán mỏng, cắt thành khối chữ nhật dài hoặc khối vuông tuỳ ý.
Kẹo lạc ngon là lạc phải giòn, phần đường nha cũng vừa đủ để tạo nên vị ngọt vừa phải. Miếng kẹo khi ăn thì giòn tan, vị ngọt hơi gắt nhẹ nhưng uống với nước trà nóng thì miễn bàn.
Kẹo vừng
Bây giờ mà hỏi kẹo vừng là đặc sản của tỉnh nào thì có lẽ rất hiếm người trả lời được. Bản thân tôi, cũng từng ăn kẹo vừng không ít lần, nhưng cũng khó lòng nhớ nổi. Chỉ biết rằng, kẹo vừng xuất hiện ở rất nhiều nơi ở miền Bắc và trở thành một món ăn vặt vui miệng, không chỉ ngày Tết mà cả ngày thường.
So với kẹo lạc, kẹo vừng có vẻ ít được chú ý hơn. Nhắc tới kẹo vừng, thậm chí nhiều người còn nhầm tưởng với kẹo lạc bởi ở một số vùng, kẹo lạc có thêm lớp áo vừng ở ngoài.
Nhưng không phải, không phải đâu nhé! Lạc là lạc mà vừng là vừng.
Kẹo vừng có nguyên liệu chính là vừng, không có lạc. Vẫn sử dụng đường và nha như khi làm kẹo lạc vậy, chỉ khác là thay vị trộn với lạc thì người ta trộn với vừng. Những chiếc kẹo vừng cũng được làm nhỏ hơn cho dễ ăn bởi kẹo vừng hơi cứng hơn và không giòn như kẹo lạc.
Lặng lẽ thế thôi, nhưng đến ngày Tết, kẹo vừng vẫn cứ hiên ngang xuất hiện trong khay bánh kẹo của rất nhiều gia đình miền Bắc.
Kẹo dồi
Kẹo dồi, trong ký ức của tôi là một điều gì đó vô cùng thú vị.
Dù tôi không thích kẹo dồi bằng kẹo lạc hay chè lam, nhưng hồi nhỏ, cứ nhìn thấy kẹo dồi là tôi muốn sở hữu cho bằng được. Đối với tôi khi đó, kẹo dồi là một món ăn vô cùng thích mắt.
Sở dĩ có cái tên là kẹo dồi bởi trông nó giống như một lớp dồi với lớp vỏ mỏng màu trắng đục, bao tròn lấy phần nhân lạc rang. Kẹo dồi ăn giòn tan, lạc rang lại bùi thơm, ăn không quá ngọt cũng không quá ngấy, vô cùng thích hợp để nhâm nhi với nước trà xanh.
Bánh chả
Sẽ rất thiếu sót nếu quên nhắc đến món bánh chả trong những món kẹo bánh quen thuộc thời xưa.
Chẳng phải là Tết thì tuổi thơ của trẻ con hồi xưa cũng đặc biệt gắn bó mật thiết với món bánh chả này, trong suốt những năm tháng cắp sách tới trường.
Nếu giờ ra chơi của thế hệ học sinh bây giờ thường hay nghĩ đến những bát mì tôm chanh bò khô để xua tan cơn đói, thì cách đây cả vài chục năm, bữa ăn giữa giờ của những học sinh 8x, 9x lại là những chiếc bánh chả ngọt bùi, béo ngậy vị mỡ lợn, lạp xưởng, quyện với hương thơm của lá chanh và phần vỏ bột được nướng vàng ruộm. Xa hơn nữa, đó là thời ông bà, bố mẹ chúng ta, bánh chả là một thứ quà xa xỉ mà trẻ con thời đó vô cùng yêu thích.
Chè lam, bánh chả, kẹo lạc, kẹo vừng hay kẹo dồi, tất cả đều ngon khi thưởng thức với trà. Người với người cùng ngồi lại, vừa nhâm nhi chén trà nóng hổi, vừa nhấm nháp chút kẹo chút bánh ngọt lịm, rồi dăm ba câu chuyện năm vừa rồi làm ăn ra sao, con bé cả bao giờ lấy chồng, rồi cái nhà mới đã xây xong chưa... Chỉ từng ấy những thức kẹo bánh, thế nhưng với những cái Tết cổ truyền ngày xưa, nhiêu đó thôi cũng đủ ấm rồi!
Những thứ kẹo bánh ngon nghẻ ấy, giờ cũng chẳng còn nhiều nữa. Hay có chăng là vì người ta thích thú hơn với những món bánh kẹo xa xỉ, mà chợt lãng quên những thứ mang đậm hương vị cổ truyền?
Cũng cái buổi chợ Tết hôm nào đó, tôi giục mẹ mua về ít bánh chả với ít kẹo lạc. Ai mà biết được, mấy ngày Tết, họ hàng đến nhà chúc Tết, hàng xóm láng giềng sang chơi, mọi người lại thích thú thì sao?