Những thông tin cần biết về hàng hoá Tết Nhâm Thìn

Theo Giadinh,
Chia sẻ

Tâm lý lo thiếu hàng, sắp Tết giá tăng cao nên nhiều người dân đổ xô đi sắm Tết từ những ngày này...

... Tuy nhiên, các bộ ngành đều khẳng định hàng Tết rất dồi dào, còn các siêu thị dự báo giá cả tương đối ổn định, không lo thiếu hàng tươi sống vì nhiều siêu thị sẽ khai trương từ mùng 2 Tết.

Hàng hóa dồi dào, giá bình ổn

Theo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hầu hết các siêu thị lớn đã sẵn sàng nguồn hàng dự trữ cho Tết, lượng hàng tăng 25 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm Tết và chủ yếu là hàng Việt. Sở Công Thương Hà Nội đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường. Do nguồn hàng dồi dào và đã có thời gian tích trữ trước nên các siêu thị dự báo giá cả các mặt hàng sẽ tương đối ổn định, nhiều siêu thị còn khuyến mãi giảm giá 30 - 50%, kèm quà tặng.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C cho biết, lượng hàng hoá dự trữ phục vụ Tết của Big C tăng 30% so với Tết 2011. Ngoài thực phẩm truyền thống, sản phẩm mới có trái cây sấy, hạt hạnh nhân, mứt dừa nước, bánh đậu xanh Bạc Liêu, bánh in Sóc Trăng... Hàng gia dụng và trang trí nhà cửa cũng rất phong phú. Từ nay tới 10/1/2012, Big C có 2 chương trình khuyến mãi lớn phục vụ cao điểm mùa Tết, áp dụng cho hơn 1200 mặt hàng, giảm giá từ 5-50%, tập trung vào nhóm hàng bánh, kẹo, mứt, nước uống, rượu, thực phẩm khô, thời trang, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện máy...

Các siêu thị hiện đều cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Huyền, phụ trách marketing của Co.opMart, đơn vị này sẽ tăng lượng hàng thiết yếu gấp 4 lần so bình thường, trong đó hàng Việt Nam chiếm 95%. Để giảm tải ở các siêu thị, Co.opMart khuyến khích đặt hàng qua điện thoại, bán hàng Tết qua truyền hình HTV Co.op với 100% là hàng Việt. Kho Trung tâm phân phối sẵn sàng tăng lượng xe giao hàng ngay trong giờ cao điểm.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 905 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết Nguyên đán năm 2011. HAPRO sẽ tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại các quận nội thành Hà Nội. Đồng thời sẽ tổ chức 13 phiên chợ Tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ công nhân.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Saigon Co.op phối hợp với Hội LHPN và Thành đoàn TNCSTP xây dựng mô hình "Cửa hàng Coop", "Tiệm tạp hóa Thanh niên", triển khai 300 điểm bán hàng bình ổn tại chợ truyền thống, hộ gia đình hội viên.

Không lo khan hiếm thịt lợn

Sở Tài chính TP. HCM cho biết đã nhận được đơn xin tăng giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến, sữa bột trong diện bình ổn giá của các doanh nghiệp mức tăng 10-15%, nhưng Sở khuyến khích doanh nghiệp cố giữ giá qua Tết (theo cam kết chương trình bình ổn mặt hàng sữa sẽ kết thúc vào 31/12/2011, thực phẩm chế biến được giữ giá từ 1/4/2011 đến 31/3/2012). Từ nay đến Tết giá các mặt hàng thực phẩm trong diện bình ổn sẽ ổn định, không tăng.

Hà Nội sẽ có 665 điểm bán hàng bình ổn, ở cả nội và ngoại thành. Các doanh nghiệp bình ổn giá sẽ mở rộng các điểm bán tại các huyện ngoại thành (mở rộng thêm 10 siêu thị và cửa hàng tiện ích bán hàng bình ổn giá tại 7 quận, huyện). Các điểm bán hàng bình ổn hàng hóa được niêm yết giá rõ ràng.

Còn ở TP. HCM, người tiêu dùng cũng không lo khan hiếm thịt lợn. Theo các đơn vị kinh doanh, nguồn hàng Tết khá dồi dào. Công ty Vissan đã chuẩn bị khoảng 40.000 con lợn, 100 tấn thịt đông lạnh (đáp ứng 1/3 nhu cầu trước và sau Tết 1 tuần). Ban quản lý chợ Hóc Môn, Bình Điền dự tính tăng lượng thịt lợn 40 - 50% so với ngày thường dịp cận Tết.

Để tránh sốt giá sau Tết, Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị mở cửa bán hàng sớm hơn mọi năm (có thể từ mồng 2 Tết) tránh khan hàng và hạn chế tư thương tự ý nâng giá bán. Tại Hà Nội, các siêu thị Co.opMart và cửa hàng Co.op Food sẽ mở cửa bán hàng tươi sống từ mùng 2 Tết phục vụ nhu cầu cúng giỗ của người dân. Big C sẽ mở cửa bán hàng từ mùng 2, HAPRO mở lại vào mùng 4, Hệ thống siêu thi Fivimart mở cửa vào mùng 6.

Tại TP. HCM, hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn thành phố đều tăng cường thời gian phục vụ để giảm tải tình trạng tắc nghẽn. Các siêu thị sẽ phục vụ đến tối 29 Tết và chỉ nghỉ mồng 1 Tết. Hệ thống siêu thị Coop Mart bán hàng đến 29 Tết, mở cửa bán lại vào mùng 2 Tết. Ngày 28 Tết (21/1/2012) sẽ mở cửa bán thông đêm đến 12 giờ trưa ngày 29 âm lịch; Vinatex cũng mở cửa sớm hơn 1 giờ và đóng cửa trễ hơn 1 giờ từ nay tới Tết. Từ nay tới 22/1/2012 (21 giờ ngày 29 Tết) Big C tăng thêm 2 giờ bán hàng/ngày, đặc biệt sẽ bán hàng thông đêm 26, rạng sáng 27 Tết. Lotte Mart mở cửa phục vụ đến 21 giờ ngày 29 Tết. Từ 14 giờ mồng 2 Tết sẽ mở cửa cho gian hàng tự chọn. Mồng 3 Tết hầu hết siêu thị bán hàng bình thường.

Các siêu thị hiện đều có cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lấy mẫu ngẫu nhiên một số thực phẩm để kiểm định chất lượng. Các siêu thị kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa đầu vào, đối với các mặt hàng truyền thống chủ đạo phục vụ Tết như mứt, bánh, giò chả... và chỉ hợp tác với các nhà cung cấp lớn có uy tín. Các Sở Công Thương ráo riết tăng cường thanh - kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh điểm giết mổ gia súc - gia cầm, các cơ sở chế biến từ nay đến trước Tết Nguyên đán.

Từ 9 - 18/1/2012, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 9 Trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá tại 9 quận, huyện ngoại thành gồm: Công viên hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai); Phường Hoàng Văn Thụ, phố Thân Nhân Chung (thị trấn Sóc Sơn); Trung tâm thể dục thể thao Thanh Trì (huyện Thanh trì); Nhà Thi đấu Thể dục thể thao Gia lâm (huyện Gia Lâm); Sân Vận động thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); Nhà văn hóa huyện Ba Vì; Thị trấn Tây Đằng (huyện Ứng Hòa); Xã Kim Đường (huyện Phúc Thọ); Xã Văn Phúc (huyện Thạch Thất).
Chia sẻ