Những thân già cơ cực mưu sinh giữa Thủ đô
Đâu đó trên những nẻo đường của Thủ đô, vẫn bắt gặp hình ảnh người già mưu sinh kiếm sống. Đã bao năm nay, dù nắng hay mưa, tấm thân gầy gò vẫn không ngừng nghỉ...
Ông lão hơn 60 năm bán chuối giữa Hà Thành
Không khó để tìm được cụ ông Nguyễn Trung Khánh (hay còn gọi là ông Đạc), bởi ngõ phố nào, ông cũng đi qua. Rong ruổi cùng chiếc xe đạp cà tàng và hai sọt chuối đầy chặt.
Co ro trong giá rét, mặc chỉ độc bộ quần áo nâu mỏng, chắp vá nhiều chỗ, ông cụ ngồi nghỉ trưa, bữa cơm thịnh soạn trong ngày là gói xôi mang từ nhà ra phố. “Người già như tôi không ăn uống nhiều, chỉ cần gói xôi gói từ nhà đi, ăn sáng, ăn trưa là đủ. Vừa đỡ tốn kém, lại đảm bảo an toàn,” gỡ gói xôi bọc trong chiếc lá dong vẫn còn nóng, ông cụ cho biết.
Ngày nào ông cụ cũng đi hơn 25 km vào nội thành bán chuối.
Quê ông ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Từ nhà ông vào đến nội thành phải hơn 25km, vậy mà ngày nào mưa cũng như nắng, với hai sọt chuối trên chiếc xe đạp cà tàng, ông rong ruổi trên mọi nẻo phố phường Hà Nội.
Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ tảng sáng và kết thúc khi nào ông bán hết số chuối mang theo. “Ngày thường thì sáng ra tôi bắt đầu đạp xe từ nhà đi. Nhưng những dịp mồng 1 và rằm thì tôi phải đi từ 3 giờ sáng và đèo theo số lượng chuối nhiều hơn,” cụ Khánh cho biết.
Xuất phát từ nhà, cụ cùng chiếc xe đạp không phanh chất đầy 2 thúng chuối phải mất gần 3 giờ đồng hồ mới đến được chợ Hà Đông. Cứ khoảng 8 giờ 30 – 9 giờ hàng ngày, người dân khu vực quận Thanh Xuân lại bắt gặp hình ảnh một ông cụ ngoại bát tuần chở hai rổ chuối rong ruổi trên đường.
Hôm nào đắt hàng, khoảng 3 giờ chiều là cụ lên đường trở về nhà. Nhưng cũng có những hôm ế ẩm, đạp hết phố này sang phố khác mãi đến xẩm tối mới hết, đạp về đến nhà cũng phải 8-9 giờ tối.
Theo thời gian, lưng cụ càng còng hơn. Tính đoạn đường đi và về đã 50km, chưa tính cả ngày ròng rã đạp rong ruổi mọi ngõ ngách.
Những sọt chuối đầy nặng đã nuôi sống gia đình ông bao năm nay.
Năm nay đã 83 tuổi, nhưng sức khỏe của cụ vẫn dẻo dai, trừ những ngày đau ốm, còn chưa ngày nào cụ nghỉ bán. Hơn 60 năm bán chuối ở thủ đô, cụ coi việc mưu sinh này cũng là cách để... tập thể dục dưỡng già. “Nhiều người hỏi tôi già rồi, làm việc nhiều làm gì cho mệt thân, nhưng tôi là nông dân, làm quen rồi, ngơi chân tay là thấy buồn lắm. Quê tôi bạt ngàn chuối, cái nhà tôi ở cũng gây dựng từ việc bán chuối mà có, nên đâu phải nói không bán chuối nữa là thôi luôn được. Không đi... nhớ lắm!” ông móm mém cười.
Và cứ thế, hàng ngày nhiều người dân Hà Nội ở khu vực Thanh Xuân lại thấy một cụ già bát tuần chậm rãi đạp xe trên phố phường đông đúc, đằng sau là 2 rổ chuối, bàn chân trần ấy đã in dấu hầu hết mọi ngõ nghách đường phố. Không quản ngại đường xa, tiết trời giá rét, ông cụ vẫn kiên trì, nhẫn nại, đức tính của lão nông bán chuối khiến nhiều người dân không khỏi cảm phục.
Bà cụ bán nước đãi thóc chim trời
Những ai đã từng đi qua ngã tư Tô Hiến Thành – Bà Triệu hẳn không thể quên được hình ảnh một bà cụ bán nước, thường hay cho đàn chim trời ăn thóc. Ngồi nhấm nháp cốc chè nóng, trong ngày nắng ấm của Hà Nội ắt hẳn sẽ được chiêm ngưỡng đàn chim trời ríu rít trên ngọn xà cừ, xà xuống nhặt thóc ăn...
Tính đến nay đã hơn 20 năm bà ngồi bán nước ở ngã tư này, mấy chiếc ghế nhựa đơn sơ, chén nước chè, vài điếu thuốc là cái sạp hàng di động nhỏ bé của cụ Tim.
Bà Tim quê ở một xã rất nghèo của huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bà bảo, cho đến bây giờ, bà vẫn không có gia đình. Cuộc sống hiện tại bà đang phải nương nhờ vợ chồng cô cháu gái đang sống ở Hà Nội.
Bà Tim trầm tư bên quán nước (ảnh: vietnamnet)
Mỗi sáng, trước khi dọn hàng nước, bà thường lấy túi thóc gói gọn ở trong làn, rắc quanh gốc xà cừ cho lũ chim ăn. Thóc vừa rắc, lũ chim đã ríu rít gọi nhau bay về, cảnh nhộn nhịp và khoảnh khắc bình yên khởi đầu một buổi sáng.
Suốt 10 năm nuôi đàn chim, có những chú chim đã trở nên rất thân thiết với bà. Lúc vắng người, chúng vẫn nhảy lon ton quanh chân bà. Có con liều lĩnh còn bay lên đậu trên đầu, trên vai bà. Nhiều lần, bà Tim còn định đặt tên cho từng chú chim, nhưng vì chim thì có hàng trăm, con nào cũng giống con nào, sợ không phân biệt được hết... nên bà lại thôi, không đặt tên nữa.
Những khách hàng chịu ngồi ở quán của bà, hoặc phải là khách rất quen, hoặc họ ngồi uống nước chỉ vì muốn được nhìn ngắm lũ chim hàng trăm con đang ăn thóc, ăn gạo trên một khu vỉa hè thuộc loại thanh bình nhất Hà Nội này.
Trong suốt mười năm chăm sóc đàn chim, bà chưa bao giờ để lũ chim bị đói. Cũng vì sợ bầy chim bị đói nên những hôm trời mưa to gió lớn hay những hôm trời rét cắt da cắt thịt, bà vẫn dọn hàng ra bán để được nhìn thấy và chăm sóc đàn chim của mình.
Đàn chim trời được bà Tim cho ăn thóc, gạo.
Bà bảo, nhiều hôm, trong giấc mơ, bà thấy lũ chim kêu nhiều, sợ chim đang bị đói thật nên dù trời chưa sáng, bà vẫn mang gạo ra đổ đầy dưới gốc cây cho chúng ăn.
“Mà lũ chim cũng thật lạ. Chúng vẫn thực hiện việc sinh sản ở đâu đó và kéo về đây ngày một đông. Ngần ấy năm nuôi chúng, hẳn có con đã già và đã chết. Nhưng chắc chúng... sợ tôi buồn nên đã tìm cách hóa kiếp lặng lẽ ở một nơi nào đó tôi không nhìn thấy,” bà Tim nói.
Mỗi lần mua thóc, gạo còn tốn kém hơn cả số tiền lãi hàng ngày bà kiếm được, “nhưng thà tôi chịu ăn đói một chút, chứ nhất định không để bầy chim đói. Chúng tội nghiệp lắm,” bà Tim cười hiền hậu.
Cụ bà mù bán nước nuôi con bệnh tật
Gian hàng của cụ bà Phan Thị Yến nằm lọt thỏm trong hai cột đèn điện trên phố Bảo Khánh. Đã 30 năm nay, gánh hàng nước nhỏ xíu nuôi sống cụ và người con gái bệnh tật. Đã gần 90 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, nhưng chưa ngày nào cụ được một ngày sung sướng, một giây phút nghỉ ngơi.
Sống trong bóng tối đã 20 năm nhưng cụ Yến hầu như không một ngày nào vắng mặt ở phố Bảo Khánh. Nhìn bóng dáng gầy gò của cụ, gánh trên đôi vai gian hàng nhỏ, ai cũng thương xót. Hỏi về gia đình, trong khóe mắt mờ đục lại chực trào nước mắt.
“Đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của đời tôi, giờ đây nó đã 63 tuổi rồi mà cũng chỉ ú ớ nằm một chỗ. Tôi thương con nên không thể nào vô tình với chúng nó được. Còn sống được ngày nào tôi vẫn sẽ làm để nuôi nó và mua thuốc cho nó...”
Không chỉ ngồi ở góc quán quen thuộc, nhiều lần bà Yến phải di động gánh hàng do bị công an phường đuổi.
Tình mẫu tử ấy là động lực giúp cụ Yến quanh năm mò mẫm đi bộ từ nhà ra đầu đê rồi nhờ người dắt ra chỗ bán hàng. Đến chiều lại nhờ người đưa ra đầu đê và mò mẫm về nhà. Đến khi đôi mắt cụ mờ hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa, cụ đành thuê xe ôm đưa ra chỗ bán hàng, sáng đi đến tối mới về. Đã mất công tiền thuê xe nên cụ cố ngồi đến tối mịt để bù vào.
Ngày nắng thì không sao nhưng những hôm mưa gió, quán nước của cụ không có lấy một bóng người, cụ đành khất nợ tiền xe để hôm khác trả. Những người xe ôm cũng thương hoàn cảnh cụ nên không bao giờ đòi tiền, khi nào cụ có thì đưa.
Tiền bán nước ít ỏi bà tằn tiện nuôi mình và con gái bệnh tật.
Cụ có cả thảy bốn người con, người con gái thì đã bị liệt nhiều năm. Người con trai cả vốn được gia đình kỳ vọng vì làm ăn được thì lại mắc bệnh ung thư. Khi chết để lại người vợ không nghề nghiệp mang trong mình bệnh tim bẩm sinh và hai đứa con thơ dại.
Người con trai thứ hai vốn là công nhân một nhà máy nước, nhưng không may bị ống nước đè gãy chân trong một lần làm việc dẫn tới tàn phế. Người con trai út trước đây đi bộ đội 7 năm ở chiến trường biên giới phía Bắc. Sau ra quân cũng đã đi làm nhiều nơi nhưng không theo được do sức khỏe yếu giờ đang thất nghiệp, ở nhà trông chờ vào đồng lương của vợ làm công nhân vệ sinh nhà máy nước.
Với cái gánh nước nhỏ này, cụ phải vừa kiếm đủ tiền nuôi mình, vừa phải phụ giúp thêm con trai trả tiền nhà và lo cho cô con gái. Bữa trưa của cụ thường chỉ là gói xôi 2.000 đồng. Bữa tối là cái bánh mì không nhân. Với cụ thế là đủ.
Gánh hàng đơn sơ của người mẹ mù, nuôi con bệnh tật.
“Tôi già rồi, sống được ngày nào hay ngày đó, chỉ lo khi khuất đi rồi, con gái ở lại không biết sống ra sao. Thương cả thằng con trai vất vả mưu sinh mà chẳng bao giờ no đủ,” những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt nhăn nheo vết thời gian.
Đằng sau cuộc sống hối hả, tráng lệ của thủ đô, vẫn còn những mảnh đời mưu sinh cơ cực. Nhìn thấy họ miệt mài với công việc, dù tuổi già, dù sức yếu... lòng ai cũng chùng xuống. Có những suy nghĩ không nói được lên lời...