Những sự kiện, hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong năm 2021
Năm 2021 dần khép lại, một năm thế giới bị chi phối và dành nhiều sự quan tâm đến đại dịch COVID-19, nhưng có nhiều sự kiện - hiện tượng đặc biệt khác đã được ghi lại.
Công nhận đại dương thứ 5 trên thế giới
Nhân dịp kỷ niệm ngày Đại dương Thế giới 8/6, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã tuyên bố vùng nước xung quanh Nam Cực là đại dương thứ 5 của hành tinh. Vùng nước này được gọi là Nam Đại Dương. Quyết định công nhận Nam Đại Dương bắt nguồn từ sự thừa nhận về dòng hải lưu khác biệt bao trùm quanh Nam Cực, cũng như hệ sinh thái biển độc đáo được tìm thấy ở vùng nước lạnh của Nam Đại Dương.
Đỉnh băng Greenland xuất hiện mưa
Lần đầu tiên trong lịch sử, đỉnh Greenland ở độ cao khoảng 3.200 mét so với mực nước biển có mưa thay vì tuyết. Nhiệt độ ở đỉnh dải băng Greenland cuối tuần trước ở mức cao hơn nhiệt độ đóng băng lần thứ ba trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Không khí ấm góp phần gây ra trận mưa bất thường với 7 tỷ tấn nước trút xuống dải băng này. Lượng băng bị mất hôm 15/8 nhiều gấp 7 lần mức trung bình hàng ngày vào thời điểm này trong năm.
Biến đổi khí hậu đang khiến băng tan nhanh hơn ở Bắc Cực. (Ảnh: AP)
Tàu NASA tạo ra khí oxy trên sao Hỏa
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ cho biết, tàu thám hiểm Perseverance tiếp tục làm nên lịch sử khi tàu đã thử nghiệm chuyển đổi thành công khí carbon dioxide từ khí quyển sao Hỏa thành oxy. Đây là lần đầu tiên việc tạo khí oxy được thực hiện trên một hành tinh khác. Quá trình này không chỉ có thể tạo ra oxy cho các phi hành gia trong tương lai thở, mà còn giúp tạo ra một lượng lớn oxy để sử dụng làm chất phóng tên lửa cho chuyến hành trình trở về mà không phải vận chuyển từ Trái đất.
Phát hiện vòng sáng kỳ lạ xung quanh hố đen
Cũng trong năm nay, Đài quan sát tia X Chandra của NASA và Đài quan sát Neil Gehrels Swift đã chụp lại được hình ảnh các vòng phát sáng kỳ lạ xung quanh hố đen. Theo phân tích, hố đen tồn tại trong một hệ hành tinh có 2 ngôi sao gọi là V404 Cygni. Lực hấp dẫn quá mạnh của hố đen đã hút vật chất ra khỏi ngôi sao và tạo thành các vòng tròn phát sáng nằm quanh hố đen. Hố đen và ngôi sao kể trên nằm cách Trái đất khoảng 7.800 năm ánh sáng. Ngôi sao bị hố đen nuốt chửng có khối lượng bằng một nửa Mặt trời của chúng ta.
Hình ảnh bên trong cơn bão biển
Lần đầu tiên, hình ảnh bên trong cơn bão biển Sam được quay bằng một máy bay không người lái khi cơn bão này hoành hành trên Đại Tây Dương. Thiết bị có tên Saildrone Explorer SD 1045, đã bất chấp sức gió trên 120 dặm/giờ và sóng cao hơn 15m để thu thập dữ liệu về bão Sam. Đây là tiến bộ mới nhất trong sứ mệnh khám phá, thu thập dữ liệu và cảnh báo bão sớm của nhân loại.