Những sai lầm hay gặp khi chữa bệnh phụ khoa
Chị Thanh lặn lộn từ Hà Tĩnh ra Hà Nội khám phụ khoa vì đặt thuốc 3 tháng liền mà vẫn không hết ngứa. Đến nơi, bác sĩ chỉ khám trong 15 phút rồi lại cho về mà chẳng bị làm sao.
Cảm thấy ngứa phần da bên ngoài vùng kín, chị Thanh (28 tuổi) tưởng bị viêm nhiễm phụ khoa nên cất công ra tận Vinh để khám. Bác sĩ cho biết chị viêm nhiễm âm đạo ở bên trong, dịch đó chảy ra ngoài nên bên ngoài bị ngứa, cần phải đặt thuốc. Thế nhưng đặt thuốc trong 3 tháng liên tục mà chị vẫn thấy "ngứa điên đảo".
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (nhà A2 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội), cho biết trường hợp của Thanh chỉ bị ngứa ở bên ngoài, niêm mạc hoàn toàn bình thường, dịch trong suốt. Có thể do dị ứng quần lót, băng vệ sinh, nước rửa vệ sinh phụ nữ... chứ không phải là viêm nhiễm phụ khoa. Vì thế việc đặt thuốc là hoàn toàn không có tác dụng, vừa tốn tiền vừa mất thời gian.
"Một số người cứ nghĩ rằng phần bên ngoài âm đạo ngứa nghĩa là âm đạo cũng bị viêm nhiễm. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng, vẫn có những trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm, ngứa nhưng phần bên ngoài không sao và ngược lại. Điều đó đòi hỏi bác sĩ phải khám tỉ mỉ, chứ không nên hơi một tý lại đè bệnh nhân ra đặt thuốc", bác sĩ Dung tâm sự.
Cũng có trường hợp người vợ bị nấm nhưng lại hoàn toàn không có biểu hiện gì, chỉ đến khi chồng bị bệnh đi khám, mới phát hiện ra vợ cũng bị bệnh phụ khoa. Trường hợp của Nga (25 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ.
"Lúc cùng chồng đi khám, tôi chỉ nghĩ là đi cùng cho ông xã đỡ ngượng chứ không hề có ý định đi khám. Chỉ thấy chồng kêu ngứa, chứ tôi thì chẳng thấy gì, vẫn hoàn toàn bình thường, không ngứa, không đau. Lúc khám xong mới té ngửa ra là mình cũng bị nấm", chị nói.
Theo bác sĩ Dung, hầu hết mọi người đều cho rằng bị viêm nhiễm phụ khoa phải hội tụ đủ các yếu tố sưng, nóng, đỏ, đau. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp như của Nga bị nấm nhưng không hề có biểu hiện gì. Nguyên do có thể vì khối lượng ít, nên chỉ biết khi đi khám. Hơn nữa nếu cơ thể khỏe mạnh có thể tự tiêu diệt vi khuẩn nấm. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm gặp.
Ngoài ra cũng có một số chị em bị dị ứng với thuốc đặt mà không biết. Bị viêm âm đạo, chị Dương (30 tuổi, Thanh Hóa) phải đặt thuốc. Hết 10 ngày, đang hý hửng vì hết dịch bẩn nhưng chị lại thấy ngứa kinh khủng ở phần bên ngoài.
Rửa nước muối, dung dịch vệ sinh, rồi lại đủ loại lá cũng không khỏi, lại còn bị sưng vù lên. Lúc đấy hoảng quá, chị mới đi khám lại. Hóa ra, chị chỉ bị dị ứng với thuốc đặt âm đạo, chỉ cần bôi thuốc chống kháng viêm chống dị ứng 1-2 ngày là khỏi, cũng không có gì đáng lo.
Bác sĩ Dung cho biết, thực chất thuốc đặt âm đạo cũng có chứa kháng sinh vì thế việc một số người bị dị ứng là bình thường. Tuy nhiên, một số chị em không biết, cố tự chữa ở nhà nhưng không khỏi, lại càng thêm khó chịu.