Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ

Nguyệt Nguyễn ,
Chia sẻ

Các điều luật oái oăm này khiến phái đẹp trên khắp thế giới phải dở khóc dở cười: Cấm phụ nữ dùng điện thoại di động vì sợ... trốn theo trai, hay cấm phụ nữ mặc... quần lót.

Cấm phụ nữ ngồi dạng chân sau xe máy

Thành phố Aceh, được mệnh danh là pháo đài luật Hồi giáo của Indonesia, vừa ra quy định, phụ nữ không được ngồi bành hai chân sau xe máy khi người điều khiển xe là nam giới.

Đích thân giải thích cho quy định mới này, thị trưởng thành phố nhấn mạnh, tư thế ngồi như vậy là “không phù hợp” đối với một người phụ nữ.

Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ  1

“Phụ nữ ngồi trên xe máy mà dạng chân sang hai bên như vậy sẽ làm người nam đang điều khiển xe mất tập trung. Luật mới cũng nhằm bảo vệ người phụ nữ khỏi các tình huống không mong muốn”, Thị trưởng Suaidi Yahya nhấn mạnh.

Quy định này được đưa ra trong bối cảnh giới chức tỉnh Aceh, khu vực duy nhất tại Indonesia được cai trị bằng luật Hồi giáo nghiêm ngặt, đã soạn thảo một loạt các quy tắc mới bao gồm cấm phụ nữ mặc quần bó sát, cho phép ném đá kẻ ngoại tình và đánh đòn những người đồng tính luyến ái.

Theo luật mới, phụ nữ trong tỉnh sẽ phải ngồi vắt chân sang một bên khi ngồi sau xe máy. Thị trưởng Suaidi cho biết, hiện ông đang cùng các giáo sĩ Hồi giáo địa phương bàn về các biện pháp trừng phạt những người vi phạm.

Cấm phụ nữ lộ mắt gợi tình

Vào cuối năm 2011, Ủy ban Thúc đẩy Đức hạnh và Ngăn chặn Sự Đồi bại của Ảrập Xêút đã ra quy định những phụ nữ có đôi mắt "gợi tình" sẽ buộc phải che mắt lại.

Theo đó, Ủy ban này có quyền chặn một phụ nữ có đôi mắt có vẻ "khêu gợi" và yêu cầu người đó che mắt ngay lập tức. Tuy nhiên, cho đến giờ, quy định quái gở này chưa đưa được ra các tiêu chí xác định thế nào là một đôi mắt gợi tình.

Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ  2

Phụ nữ ở Ảrập Xêút vốn bị ràng buộc bởi rất nhiều quy tắc. Họ thường phải đội khăn trùm đầu và ở một số khu vực, họ phải trùm cả mặt khi xuất hiện nơi công cộng. Nếu làm sai, phụ nữ sẽ chịu các hình phạt, gồm nộp tiền phạt và bị đánh roi trước bàn dân thiên hạ.

Được thành lập năm 1940, Ủy ban Thúc đẩy Đức hạnh và Ngăn chặn Sự Đồi bại Ảrập Xêút có trách nhiệm đảm bảo các luật Hồi giáo không bị vi phạm ở nước này.

Cấm phụ nữ đi xe đạp, mặc quần tây, đi giày cao gót và đeo khuyên tai

Lệnh cấm phụ nữ đi xe đạp, mặc quần tây, đi giày cao gót và đeo khuyên tai ở Triều Tiên chỉ mới được gỡ bỏ trong năm 2012, sau gần 20 năm thi hành.

Quy định cấm phụ nữ đi xe đạp được cố chủ tịch Kim Jong-il ban hành vào những năm 1990 sau khi nghe tin Oh Hye Young, con gái của tướng Oh Geuk Ryeol, phó Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, qua đời. Bà bị một chiếc ôtô đâm phải khi đang đạp xe ở trung tâm Bình Nhưỡng.

Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ  3

Theo lệnh cấm này, những người vi phạm quy định bị phạt từ 0,8 - 4,4 USD. Người vi phạm nhiều lần có thể bị tịch thu xe. Theo những chương trình giáo dục trên truyền hình, việc một phụ nữ mặc váy và đạp xe đạp bị xem là trái với quy chuẩn xã hội.

Cấm mặc váy ngắn để "ngăn xâm hại tình dục"

Trường cao đẳng nữ giới Adarsh ở bang Haryana, Ấn Độ vào tháng 12/2012 tuyên bố áp dụng quy định mới cấm tất cả nữ sinh mặc quần jeans, váy ngắn và áo thun nhằm đề phòng nạn xâm hại tình dục. Nữ sinh nào vi phạm quy định trên sẽ bị phạt mỗi lần 1,8 USD.

Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ  4


Hiệu trưởng trường Adarsh, bà Alaka Sharma cho biết, những chiếc váy ngắn không phủ hết phần chân khiến nữ sinh dễ bị chọc ghẹo và kẻ gian dễ để ý.

Tuy nhiên, các loại quần jeans, áo thun và những quần áo thời trang phương Tây ngày càng trở nên phổ biến với người trẻ Ấn Độ, từ thành thị đến nông thôn, mặc cho nhiều người cao tuổi không mấy đồng tình.

Chính vì thế, quy định này đã khiến các nữ sinh tại trường Adarsh rất bức xúc và cho rằng đó là một hình phạt chứ không phải biện pháp giúp bảo vệ họ khỏi nạn xâm hại tình dục.

Cấm phụ nữ dùng điện thoại di động vì sợ... trốn theo trai

Tại một ngôi làng phía đông Ấn Độ, những người phụ nữ ở đây bị cấm sử dụng điện thoại di động vì lý do sợ họ bỏ trốn theo trai.

Lệnh cấm này đã được hội đồng thị trấn Bihar, phía đông Ấn Độ thông qua vào tháng 12/2012. Theo lệnh cấm, tất cả nữ giới ở đây không được sử dụng điện thoại di động.

Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ  5

Nếu có trường hợp vi phạm, mức phạt sẽ được áp dụng theo nhiều mức độ và lứa tuổi. Những người phụ nữ độc thân nếu sử dụng điện thoại sẽ bị phạt tương đương khoảng 4,1 triệu đồng, trong khi phụ nữ đã kết hôn sẽ bị phạt khoảng 640.000 đồng.

Theo người đứng đầu hội đồng luật định tại đây, lệnh cấm này sẽ hạn chế được tình trạng nhiều phụ nữ chạy trốn khỏi khu vực này do đàn ông nơi khác “dụ dỗ”.

Tuy nhiên, quy định này cũng bị nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng, phụ nữ Ấn Độ có đủ khả năng nhận thức và bảo vệ mình khỏi những cám dỗ xung quanh. Đồng thời, việc sử dụng điện thoại di động cũng là quyền cá nhân của họ, do vậy lệnh cấm này hoàn toàn không phù hợp.

Cấm phụ nữ mặc quần lót


Swaziland là một quốc gia thuộc khu vực châu Phi. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân chỉ khoảng 30-35 tuổi.

Những quy định oái oăm “đánh đố” phụ nữ  6

Người đang trị vì đất nước là Vua Mswati III. Ông vua này đã cho ra đời rất nhiều bộ luật kỳ quặc, trong đó có bộ luật cấm phụ nữ mặc quần lót.

Ở Swaziland, phụ nữ không được bình đẳng và bị coi là phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông, nên cũng không được mặc quần lót giống đàn ông. Nếu phụ nữ bị phát hiện mặc quần lót, họ có thể bị quân lính bắt.
Chia sẻ