Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012

Bạch Dương (tổng hợp),
Chia sẻ

Đây là những quy định mới khá “lạ”, được các cơ quan chức năng ban hành rồi vội vàng hoãn, thu lại vì không có tính khả thi hoặc vấp phải sự phản ứng từ phía người dân.

Quy định: Có giấy đăng ký kết hôn mới được mở tiệc cưới ở nhà hàng

Gần đây, Sở VH -TT&DL TPHCM đưa ra tiêu chí nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn để lấy ý kiến về cách tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn công nhận cơ sở, nhà hàng tiệc cưới văn hóa 2012 - 2015.

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 1

Quy định: có giấy đăng ký kết hôn mới được tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng?

Đại diện Sở cho biết, điều này nhằm tránh xảy ra tình trạng tổ chức đám cưới giả và đồng thời bảo vệ quyền lợi hai bên nam nữ.

Tuy nhiên, sau khi báo chí đưa tin, quy định này đã vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận. Đa phần mọi người đều cho rằng, việc tổ chức tiệc cưới chỉ là một thủ tục mang tính truyền thống nhằm mục đích cho cô dâu và chủ rể có thể chia vui với gia đình hai họ và bạn bè hai bên, chứ không phải là một thủ tục pháp lý.

Nhiều người cưới nhau, sống chung nhưng vì nhiều lý do không muốn đăng ký kết hôn hoặc chờ khi có con mới đăng ký kết hôn…

Và cô dâu chú rể chỉ được xem là vợ chồng khi họ đã hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên là cơ quan đăng ký kết hôn. Vì vậy quy định này được cho là thiếu tính khả thi, gây phiền toái cho người dân và rắc rối cho việc kinh doanh của nhà hàng.

Quy định: tổ chức đám cưới không quá 50 mâm, mời dưới 300 khách

Đầu tháng 10, Thành ủy Hà Nội đã ra chỉ thị yêu cầu cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố phải gương mẫu tổ chức cưới cho con, hay cho bản thân.

Theo đó, số lượng khách mời không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ. Nếu hai gia đình trai gái tổ chức chung thì không mời quá 600 người. Ngoài ra, không tổ chức cưới nhiều lần, nhiều ngày và ăn uống ở những nơi sang trọng, tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp…

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 2

6 ngày sau, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11 “về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố”, trong đó quy định cán bộ, Đảng viên, lãnh đạo tổ chức cưới không quá 300 khách mời, thay cho quy định chỉ được tổ chức dưới 50 mâm cỗ trước đó.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân, quy định này đã can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân, khiến người dân lo ngại.

Nhiều người cho rằng, khuyến khích tiết kiệm thì hợp lý, nhưng cấm đoán là điều không nên, bởi đám cưới mời bao nhiêu khách là tùy vào văn hóa, sự quảng giao của mỗi người và năng lực tài chính của cá nhân.

Quy định: chứng minh thư nhân dân có ghi tên cha mẹ ở mặt sau

Quy định về mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới có hiệu lực từ ngày 1.7 và hiện đang thí điểm tại TP.Hà Nội đang vấp phải sự phản ứng của người dân. Ngoài những thay đổi về chất liệu và con số và mã vạch, thì điều khiến người dân lo lắng nhất chính là việc CMND mới có ghi tên cha mẹ ở mặt sau.

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 3

Mẫu CMND mới có khai tên cha mẹ ở mặt sau

Theo ngành công an, việc công khai danh tính cha, mẹ nhằm giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng, quy định ghi tên cha mẹ sẽ gây ra phiền toái. Theo ông Lộc, có nhiều người do hoàn cảnh gia đình, thiếu bố hoặc mẹ, thì sẽ phải bỏ trống, có những trường hợp bố mẹ là tội phạm sẽ tạo cho họ sự mặc cảm. “Có những người 60-70 tuổi nay đổi CMND thì cũng phải khai cả tên cha mẹ, dù cha mẹ họ đã mất từ rất lâu rồi thì không rõ việc này có tác dụng gì”, ông Lộc băn khoăn.

Theo cơ quan công an cho biết, đối với các trường hợp nhạy cảm như không rõ bố mẹ, bố mẹ đã mất hoặc không nhớ tên thì không nhất thiết phải khai trên CMND.

Nhưng chính vì lẽ đó mà rất nhiều người băn khoăn: đối với những trường hợp đặc biệt như con ngoài giá thú, trẻ mồ côi, con sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm... hay vì bất kỳ một lý do gì mà không thể khai tên cha mẹ, bình thường đã tự ti, thêm một tấm CMND trống vắng nữa lại đang khiến họ tư ti hơn nhiều lần.

Quy định: Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau giết mổ

Vào khoảng đầu tháng 8, báo chí rầm rộ thông tin về việc ban hành thông tư 33 của  Bộ NN & PTNT, trong đó có quy định: “Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ”.

Chỉ sau đó khoảng 1 tháng, Bộ NN & PTNT đã quyết định dừng thực hiện quy định này khi vấp phải sự phản ứng dữ dội của các tiểu thương và người dân vì quá bất hợp lý và thiếu tính thực tế.

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 4

“Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ”. (Ảnh: Hoàng Hà)

Hầu hết mọi người đều thắc mắc: các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thường bắt đầu hoạt động từ khoảng 3h – 4h sáng, tiểu thương lấy thịt tại lò mổ khoảng 4h sáng và có đóng dấu kiểm dịch ngay tại lò mổ. Sau đó tiểu thương mang về chợ phải lọc, phân chia đã mất khoảng 2 giờ nữa. Sau 8 giờ tức là khoảng 12h trưa phải bán hết. Trong khi các khu giết mổ đều phải cách xa các khu dân cư, như vậy làm thể nào để có thể bán hết số thịt thành phẩm trong 8 giờ?

Ngoài ra, làm thế nào để nhận biết thịt đã quá thời hạn quy định bán và ai sẽ là người kiểm tra?

Trao đổi về tính khả thi của quy định thịt, phụ phẩm tươi sống chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ, GS Võ Tòng Xuân – một chuyên gia am hiểu về trồng trọt, chăn nuôi thẳng thắn nói: “Quy định này không thể thực hiện một cách triệt để trong cuộc sống. Hàng thịt được bày bán khắp thôn, xóm, len lỏi trong từng ngõ ngách, không có cách gì kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Bản thân người dân, nhất là người nghèo đôi khi cũng chấp nhận mua thịt bán vào cuối ngày vì giá rẻ”.

Quy định: chó, mèo cũng phải "chính chủ"

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012. Theo đó, các hộ nuôi chó, mèo sẽ tới đăng ký với UBND xã để được cấp số cho vật nuôi. Chi cục Thú y và Trạm thú y phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó ở tỉnh, huyện. Thú y cấp xã, thôn, ấp có trách nhiệm thống kê số lượng chó, mèo và số hộ nuôi chó, mèo để quản lý.

Còn UBND các cấp chỉ đạo thành lập các đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó, mèo nghi bị mắc bệnh dại. Trạm thú y có trách nhiệm nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận; sau 3 ngày, nêu không có người tới nhận, chó, mèo sẽ bị tiêu hủy.

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 5

Những chú chó, mèo này sẽ phải đánh số để quản lý

Nhiều người lên tiếng ủng hộ cách làm này nhưng cũng không ít người lo lắng điều này sẽ gây phiền toái. Hơn nữa, số lượng những con vật này thường biến động liên tục do mua bán, cho tăng, hoặc chúng tự bỏ đi hay bị bắt trộm. Có người thắc mắc: "Vừa lên đăng ký cho chó, mèo, hôm sau chúng lăn ra chết hoặc bị bắt trộm thì người dân lại lên UBND khai tử cho chúng à?

Về quy định "tiêu hủy" chó, mèo vô chủ sau 3 ngày, dù chưa ở đâu thực hiện nhưng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết sẽ có ý kiến để sửa đổi bởi quy định này không mang tính nhân văn.

Quy định: Phạt chủ phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ

Bắt đầu từ ngày 10/11, Công an TP Hà Nội đã tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ. Mức phạt rất nặng, lên đến 10 triệu đồng.

Theo đó, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.

Theo Phòng CSGT (CATP Hà Nội), hành vi mua bán ô tô, xe máy nhưng không làm thủ tục sang tên chuyển chủ sở hữu đã diễn ra từ rất lâu. Điều này làm thất thu thuế của Nhà nước và gây khó khăn cho công tác quản lý, gây trở ngại lớn trong việc điều tra giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông cũng như xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông.

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 6

“Việc xử phạt hành vi không "sang tên" phương tiện vừa qua bị chuyển thành truy vấn người điều khiển có phải chủ phương tiện không. Trong lúc chờ soạn thảo lại thông tư, CSGT không được xử phạt xe không chính chủ”

Nhiều điểm chưa hợp lý đã lộ ra khi Nghị định 71 được ban hành và đi vào thực tế. Nhiều người dân lo lắng, với những chiếc xe đã qua nhiều đời chủ, không biết có tìm được “chủ xe” để sang tên đổi chủ hay không. Trong khi đó, CSGT vẫn loay hoay không biết phải xử lý người vi phạm như thế nào.

Trong cuộc họp báo của Chính phủ tháng 11/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Việc xử phạt hành vi không "sang tên" phương tiện vừa qua bị chuyển thành truy vấn người điều khiển có phải chủ phương tiện không. Trong lúc chờ soạn thảo lại thông tư, CSGT không được xử phạt xe không chính chủ”.

Trước thắc mắc của người dân về mức phí khi sang tên đổi chủ vẫn còn cao và thủ tục phức tạp, ông Đam cho biết, Chính phủ đã giao các bộ xem xét để có mức phí phù hợp và thủ tục đơn giản hơn.

Quy định: Cấm lập nghĩa trang dòng họ, gia đình

Theo Nghị quyết về quy hoạch nghĩa trang, nhà hỏa táng, nhà tang lễ thành phố Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua thì các dòng họ, gia đình sẽ không được tiếp tục lập nghĩa trang mới. Nhiều người cho rằng đây là quy định cứng nhắc và có thể người dân sẽ tìm cách “lách luật” trong việc chôn cất người thân.

Nhiều người cho rằng, chỉ nên cấm những nghĩa trang xây quá to, ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh, hoang phí hàng tỉ đồng, còn đối với những nghĩa trang vừa phải, văn minh thì không nên cấm.

Những quy định gây tranh cãi trong dư luận năm 2012 7

Một nghĩa trang dòng họ quá lớn, đối lập với cảnh nghèo khó của người dân xung quanh

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam nhận xét: “Tôi cho rằng, quy định này nửa đúng nửa sai. Có rất nhiều dòng họ, gia đình xây dựng những nghĩa trang quá lớn, có thể thấy điển hình là những ngôi mộ ở miền Trung. Nhiều khu mộ hoành tráng đến… phản cảm. Trong khi người sống có khi không có đất để ở thì người chết lại được xây những ngôi mộ đến hàng tỉ đồng. Đó là việc nên cấm. Thành phố đã nhìn thấy cái lâu dài nên ra quy định cấm này. Vấn đề cần bàn bạc là quy mô như thế nào. Có những khu nghĩa trang quy tập tốt với quy mô vừa phải thì cũng là điều tốt. Tôi nghĩ, cần có sự giới hạn trong quy mô, chiều cao, chiều rộng… để khu nghĩa trang đó hài hòa với hoàn cảnh kinh tế địa phương, không gây phản cảm với các dòng họ khác. Chúng ta chỉ nên cấm sự phô trương!”.

Mặt khác, ông Thịnh cũng cho rằng, việc lập các nghĩa trang dòng họ, gia đình có những mặt rất tích cực đó là tiết kiệm kinh tế và giáo dục truyền thống gia đình.

Trao đổi về việc ra quy định của các cơ quan chức năng, TS. Trần Nhạn (Giảng viên trường đại học Văn Hóa, Hà Nội) nói: "Tôi cho rằng, trước khi đưa ra một quy định nào cũng cần xem xét tính thực tiễn và hiệu quả của nó. Nếu không nhìn sâu, nhìn thấu đáo mọi vấn đề trong cuộc sống, những quy định rất dễ phản tác dụng và khiến cuộc sống trở nên phức tạp hơn".

Chia sẻ