Những phiên chợ độc lạ ở TPHCM

Uyên Phương,
Chia sẻ

Sài thành có những khu chợ cực kỳ nổi tiếng bởi ẩn chứa nhiều điều thú vị, không phải ở bất cứ đâu cũng thấy được. Nhờ những khu chợ thú vị này mà phố thị đã mang cho mình một thương hiệu riêng, không đụng hàng.

Miếng trầu ăn kết làm đôi/ Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng/ Trầu xanh, cau trắng cay nồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên - câu ca dao ấy như ngấm vào từng múi cau, lá trầu ở chợ “kết tóc se duyên” hơn nửa thế kỷ giữa lòng phố thị. Nơi đó, những bà, những mệ vẫn lặng lẽ chăm chút từng lá trầu, trái cau bán cho khách mua về bày biện trong đám tiệc, hỏi cưới.

Những phiên chợ độc lạ ở TPHCM - Ảnh 1.

Những hàng trầu cau không ngừng thay đổi để phù hợp hơn với xã hội hiện đại

“Nợ” trầu cau

Đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, những gánh trầu cau trên đường Lê Quang Sung (quận 6, TPHCM) lại được bày biện sẵn sàng chờ đón khách gần xa. Gọi là chợ nhưng thực ra nơi đây chỉ còn khoảng chục quầy hàng bán trầu cau lâu đời. Chợ không ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ, trầm mặc như những người bán đều ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Trước đây, trên đường Lê Quang Sung được biết đến với tên gọi đường Trương Tấn Bửu đã tồn tại chợ trầu cau trong hơn nửa thế kỷ. Tiểu thương buôn bán trầu cau từ sáng sớm đến khuya để đáp ứng nhu cầu cưới hỏi, giỗ chạp và các lễ chùa của người dân thành phố. Nhiều người dành cả cuộc đời kinh doanh trầu cau tại đây, và nghề này cũng được truyền đạt qua nhiều thế hệ.

Ngồi nép mình bên hông bến xe Chợ Lớn, quầy trầu cau của dì Trương Thị Lâu (70 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) không lúc nào ngơi khách. Vóc người nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu, dì Lâu khéo léo têm trầu cánh phượng chuẩn bị giao khách làm lễ ăn hỏi, vừa bồi hồi kể chuyện nghề.

Như bao cô gái xứ 18 thôn vườn trầu, dì Lâu đã biết theo ông bà, cha mẹ bán trầu cau hồi còn bé xíu. Tuổi mười tám đôi mươi, dì Lâu đã kế nghiệp nghề gia truyền, mỗi ngày đến khu chợ này buôn bán món hàng không thể thiếu khi các cặp đôi sắp nên duyên chồng vợ. “Tới nay nghề đã truyền được 6 đời, các con tôi ngày ngày bám chợ bán trầu cau. Nghề này đã nuôi 4 cháu ngoại vào đại học. Chúng tôi yêu nghề, quý nghề như máu thịt của mình vậy” - dì Lâu mỉm cười hiền lành, trút tâm can.

Trung bình mỗi ngày, dì Lâu bán 1 thiên cau (1.000 trái) và 20 kg trầu. Ngày tết bán nhiều hơn nhưng cũng chỉ đủ ăn, nuôi con cháu học hành chứ không thể làm giàu từ nghề này. “Dẫu có khó khăn nhưng hễ còn người mua thì chúng tôi vẫn trụ lại đây để bán, bởi đây không chỉ là “nợ” trầu cau, mà đó còn là nét đẹp truyền thống của cha ông cần phải giữ gìn” - dì Lâu khẳng định.

Cách đó không xa, dì Trần Thị Lợi (72 tuổi, ngụ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) tỉ mẩn lựa từng lá trầu, trái cau sắp lên đĩa chờ khách mua. Mỗi đĩa trầu cau chỉ có giá vài chục ngàn đồng. Hôm đắt hàng bán được trăm đĩa, dì lãi tầm 50.000-100.000 đồng, đủ tiền ăn cơm và bắt xe buýt về nhà. Có hôm ế thì coi như lỗ vốn.

Dì Lợi bén nghề từ năm 13 tuổi. Lúc đó chỉ là theo cha mẹ phụ bán cau trầu lúc rảnh rỗi. Rồi dần theo nghề lúc nào không hay. “Tôi bán trầu cau ở chợ này từ hồi trước giải phóng tới giờ, cũng là thừa kế nghề của gia đình” - dì Lợi nói.

Là một trong những người có thâm niên lâu năm nhất ở chợ trầu cau, dì Sáu Muối (78 tuổi, quê Cần Giuộc, Long An) cho biết, đã bán trầu cau ở chợ này gần cả đời người. Nâng niu từng chùm cau xanh tròn lẳn, xanh ngắt, dì Sáu Muối cầm chiếc khăn nhỏ lau sạch từng trái rồi dán chữ hỉ đỏ chói, khéo léo chèn thêm những bông cau rồi cắt bỏ những râu ria không cần thiết. Dì giải thích đây là cau cưới. Cau cưới có 2 loại, loại 65 trái hoặc loại 105 trái tùy khách đặt.

Cau cưới không cần to nhưng phải thật đều. Sau khi cắt tỉa xong, cau được trang điểm thêm cho đẹp rồi mới giao cho khách. Mang buồng cau về khách chỉ cần cho vào mâm quả là xong.

Không ngừng cải thiện mẫu mã

Nếu như trước kia, cau bán chỉ ở vùng Bà Điểm (huyện Hóc Môn) nhưng nay nhiều nhà không còn trồng nữa, người bán phải lấy thêm từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Cần Thơ, có khi ở Quảng Ngãi, Bình Định... Cau được nhập nguyên buồng, trái xấu thì cắt ra bán lẻ. Những buồng tươi đẹp sẽ trang trí để phục vụ nhu cầu cưới hỏi. Trái cau được bán lẻ 30 trái có giá 100.000 đồng. Người bán còn luôn sẵn lòng têm trầu cau cho khách.

Không chỉ bán trầu cau, nhiều quầy sạp còn bán thêm cau khô, lá thuốc, vôi ăn trầu. Mỗi ngày, các bà, các mệ ra chợ bỏ mối cau tươi và bán cho đến trưa thì đi xe buýt về nhà. “Số cau trầu bán không hết chúng tôi đều gửi lại ở các nhà trong khu chợ gần bến xe Chợ Lớn chứ không thể mang về nhà được. Chợ trầu cau cứ bán lai rai vậy quanh năm, kể cả lễ Tết. Lời chẳng bao nhiêu nhưng tôi muốn được tiếp tục bán mặt hàng này, đến khi nào đi không nổi nữa mới thôi” - dì Trần Thị Lợi nói.

Những phiên chợ độc lạ ở TPHCM - Ảnh 2.

Dì Trương Thị Lâu có hơn 50 năm gắn với trầu cau

Một niềm vui nho nhỏ với các hàng trầu cau là họ không còn lo nghề bị thất truyền, bởi lớp con cháu kế cận đã dần tiếp quản và tiếp nối chuyện trầu cau. Đặc biệt, họ không ngừng nỗ lực cải thiện mẫu mã những buồng cau, cánh trầu để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Họ tìm cách cứu lấy gánh trầu mà một đời thế hệ trước đã gắn bó. Những buồng cau cưới được bày trí tỉ mẩn, công phu hơn với nhiều hình dáng mới lạ, đẹp đẽ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi) chia sẻ: “Tôi bán trầu cau tại đây từ năm 1968. Trải qua hơn 50 năm với nhiều vui buồn, nghề này đã gắn trọn cuộc đời tôi. Khi nào còn đi lại được tôi vẫn bán trầu. Bán để kiếm sống, để mưu sinh, để lưu giữ ký ức về một thời hoàng kim, giữ cái truyền thống, văn hóa của ông bà để lại”.

(Còn tiếp)

Mới đây, UBND quận 6 đã ra mắt “Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn” dọc tuyến đường Lê Quang Sung (đoạn từ Ngô Nhân Tịnh đến Nguyễn Thị Nhỏ), với khoảng 16 quầy hàng kinh doanh. Theo bà Vương Thanh Liễu - Phó Chủ tịch UBND quận 6, tuyến phố này góp phần làm phong phú thêm các hoạt động kinh doanh, du lịch vốn đã nhộn nhịp trên địa bàn quận; bổ sung lợi thế kinh tế của cụm trung tâm thương mại dịch vụ Bình Tây; bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chia sẻ