Những "ông bố toàn thời gian" ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều những "ông bố toàn thời gian" - những người chồng đảm nhiệm việc nấu ăn, dọn nhà, chăm sóc con cái.
Đây là những công việc trước đây vốn được xem là của phụ nữ. Xu hướng này đang thách thức các quan niệm truyền thống ở Trung Quốc.
Anh Chen Hualiang sống ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, đảm nhiệm các công việc gia đình mà nhiều ông chồng Trung Quốc thường giao cho vợ. Việc anh đang làm đã phá vỡ truyền thống gia trưởng, trọng nam khinh nữ "ăn sâu bén rễ" lâu đời ở Trung Quốc.
Từng làm công việc quản lý dự án, anh đã từ bỏ cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành lấy tiền của và quyền lực, gia nhập vào nhóm ngày càng đông những "ông bố toàn thời gian" - theo cách gọi của chính họ ở Trung Quốc. Anh sống trong một biệt thự ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, hàng ngày chăm sóc con gái 4 tuổi và con trai 11 tuổi, cũng như làm các công việc nhà khác.
Anh Chen Hualiang nói: "Tôi vui vẻ và thoải mái hơn. Mặc dù việc chăm sóc con cái rất vất vả và mệt mỏi nhưng tôi thoải mái hơn về mặt tâm lý. Khi tôi còn đi làm, tôi đã mơ ước đạt được thành công lớn trong sự nghiệp và đóng góp lớn cho gia đình. Nhưng trên thực tế, 'thành công' là không chắc chắn và có thể đó không phải là điều gia đình tôi cần nhất".
Các chuẩn mực xã hội ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ đã chỉ ra rằng đàn ông là trụ cột trong nhà, trong khi phụ nữ chăm sóc gia đình và con cái.
Anh Chen Hualiang chia sẻ: "Tôi muốn trở thành bạn tốt với các con, chúng có thể chia sẻ mọi thứ với tôi và nhờ tôi giúp đỡ. Khi tôi còn nhỏ, cha tôi chỉ là một "ông bố", và tôi không nghĩ rằng ông có thể làm bất cứ điều gì cho tôi ngoại trừ cung cấp tài chính. Nhưng bây giờ thì khác, tôi nghĩ các con tôi và tôi đang thực hành một kiểu quan hệ mới. Ngoài ra, sau khi trở thành một 'ông bố toàn thời gian', tôi có thể cảm nhận rõ ràng rằng bầu không khí gia đình tốt hơn trước và mọi người đều hạnh phúc".
Gia đình anh Chen Hualiang và chị Mao Li (Ảnh: AFP/Jiji)
Một cuộc khảo sát vào năm 2019 cho thấy hơn một nửa số đàn ông Trung Quốc cho biết họ sẽ đồng ý trở thành một ông bố nội trợ - tăng so với tỷ lệ chỉ 17% vào năm 2007. Điều đó trùng hợp với sự công nhận rộng rãi hơn về quyền của phụ nữ và quyền tiếp cận giáo dục đại học của phụ nữ.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý ở Trung Quốc cho biết người dân cũng nhận thấy bỏ việc và tự chăm sóc con thường ít tốn kém hơn so với thuê người giúp việc.
Vợ anh Chen Hualiang - chị Mao Li - là tác giả của một cuốn sách bán chạy về những ông bố nội trợ.
Chị Mao Li - nhà văn ở thành phố Thượng Hải - cho biết: "Khi chúng tôi mới cưới, tôi luôn nghĩ về việc anh ấy là bạn đời có ích gì? Nhưng hiện tại tôi thấy anh ấy rất hữu ích. Trước đây, tôi nghĩ rằng anh ấy không thể giúp tôi chăm sóc con cái và không thực sự đồng hành với tôi".
Hiện tại, thế hệ trẻ ở Trung Quốc đã bắt đầu không còn giữ quan niệm trước đây về vai trò của đàn ông trong gia đình. Tuy nhiên, sự khởi đầu của một quá trình thay đổi sâu sắc vẫn cần thời gian để hình thành.