Những nguy hiểm từ chất bảo quản thực phẩm

,
Chia sẻ

Tính độc hại của các loại phụ gia, hoá chất được phép sử dụng trong thực phẩm đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và chứng minh cụ thể.

Hiện nay, tình trạng nhiều nhà sản xuất sử dụng phụ gia, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã quá lạm dụng các chất phụ gia, dùng quá hàm lượng cho phép. Theo các chuyên gia về công nghệ thực phẩm, chất phụ gia, chất bảo quản nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí có một số chất có thể gây ung thư cho người dùng.

Tràn lan chất phụ gia, bảo quản

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các đại lý, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nhiều loại thực phẩm như thịt xông khói, xúc xích, mỳ tôm, bim bim, nước mắm, bột nêm được bày bán hầu hết đều sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản được đánh số quốc tế (ký hiệu là INS) như E129, E211, E415, E626, E627, E631… mà không hề ghi hàm lượng cụ thể của các chất này.

Thậm chí hai chất E627, E631 được nhiều doanh nghiệp sử dụng và bán rộng rãi trên thị trường hiện nay không hề có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm mà Bộ Y tế đã ban hành theo Quyết định số 3742 /2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001. Các chất Natri Benzoat (E211), Kali benzoate (E212) và Đỏ Allura AC (E129) là các chất nguy hiểm gây độc hại cho người sử dụng nhưng không ghi hàm lượng cụ thể trên nhãn sản phẩm.

Tính độc hại của các loại phụ gia, hoá chất được phép sử dụng trong thực phẩm đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và chứng minh cụ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), Natri Benzoat nếu dùng quá liều lượng 1g/kg sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Thí nghiệm trên chó, khi sử dụng chất Natri Bezoat dưới 1g/kg thì không ảnh hưởng; nhưng khi cho chó dùng quá liều lượng này, nó bắt đầu có các biểu hiện co giật, một vài trường hợp có thể chết. Thí nghiệm trên chuột cũng cho kết quả tương tự. Nhiều trường hợp chuột còn bị rối loạn tổng hợp protein.
 

Lạp xưởng - một trong những thực phẩm sử dụng nhiều chất bảo quản và phụ gia thực phẩm

Còn đối với người, nếu sử dụng chất Natri Benzoat nhiều sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, trẻ em khi gặp phải sẽ dễ dàng bị ngộ độc. Nếu người tiêu dùng sử dụng lâu dài sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tổng hợp protein, thiếu chất thơm trong máu, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh ung thư.

Trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các chất có trong danh mục của nhiều nước trên thế giới như E627, E631 nhưng không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế Việt Nam, nếu doanh nghiệp sử dụng sẽ là vi phạm. Nhiều chất tuy được phép sử dụng nhưng không có nghĩa là được dùng thoải mái bởi đa số các chất bảo quản đều rất độc.

Vì thế, Bộ Y tế đã khống chế hàm lượng, nồng độ của từng chất khi sử dụng trong thực phẩm. Nếu doanh nghiệp sử dụng thì phải công bố rõ nồng độ, hàm lượng trong thực phẩm chứ không thể sử dụng một cách mập mờ về liều lượng như hiện nay được.

Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI), ví dụ đối với chất E129 là phẩm màu thì hàm lượng được khống chế dùng trong thực phẩm từ 0 - 3,7mg/kg trọng lượng. Nếu trẻ nặng 10kg thì hàm lượng tối đa sử dụng trong một ngày là 37mg, nếu 1 gói sản phẩm 100gr có chứa 37mg thì trẻ chỉ được ăn 1 gói/ngày, nếu trẻ ăn hai đến ba gói/ngày thì sẽ vượt quá hàm lượng cho phép và nhiễm độc sẽ xảy ra.

Nhiều chất bảo quản, chất phụ gia khi vào cơ thể được di chuyển vào máu rồi đến các bộ phận của cơ thể. Bình thường các chất không độc sẽ được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu, hay đường mồ hôi nhưng các chất độc là kim loại nặng hay các phức hợp bền vững từ các hoá chất phụ gia độc hại không thể đào thải được.

Khi di chuyển trong máu và dừng lại ở một bộ phận nào đó, quá trình tích tụ các chất độc hại này sẽ tăng lên khi chúng ta tiếp tục ăn các loại thực phẩm có chứa các chất độc hại này. Đến khi đạt ngưỡng, chất này tác động làm tổn thương không hồi phục gene tế bào và làm sai lệch quá trình nhân đôi của gene. Và đây là sự khởi đầu cho bệnh ung thư.

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, khi doanh nghiệp đã đăng ký chất lượng và công bố INS thì trách nhiệm đầu tiên thuộc cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ tất cả các thông số sản phẩm khi doanh nghiệp công bố. Còn doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các chỉ số mà mình đã công bố. Người tiêu dùng không thể biết trong sản phẩm mình mua có những chất gì, liều lượng bao nhiêu.

Tiến sĩ Bùi Quang Thuật, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm cho rằng, đối với xã hội phát triển, việc sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản là đương nhiên nhưng quan trọng là liều lượng sử dụng như thế nào. Hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia bừa bãi, không có hàm lượng, giới hạn sử dụng, đặc biệt khi nhiều chất bảo quản từ Trung Quốc tràn vào như hiện nay.

Việt Nam đã có luật, nhưng để luật đi được vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh. Hiện nay, việc quản lý các chất này ở Việt Nam đã có những bước tiến nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Để làm rõ vai trò của cơ quan quản lý đối với việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản trong sản xuất thực phẩm, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết sau.

Theo TNVN
Chia sẻ