Những người... vuốt tóc phụ nữ nhiều nhất Việt Nam

,
Chia sẻ

Có lẽ chẳng ai nghĩ một ngày nào đó những mái tóc dài đen mượt như nhung của phụ nữ Việt lại được đem xuất khẩu.

Thôn Bình An và Đông Bích, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là đầu mối đưa những mái tóc dài xuất sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, thậm chí cả các nước châu Mỹ xa xôi.

Làng buôn “một góc con người”

“Ai bán tóc không?”, “Ai bán tóc đê”, “Tóc rối đổi kẹo”… nhưng tiếng rao của phụ nữ Đông Thọ từ lâu đã trở lên thân quen ở nhiều miền quê. Dường như khắp mọi miền đất nước nơi nào cũng in dấu chân của phụ nữ Đông Thọ. 

 
Ông Đỗ Văn Kiên, Trưởng thôn Bình An, xã Đông Thọ cho biết: “Trước đây, người dân trong thôn thường đi thu gom phế liệu ở các nơi về để bán lại. Nhưng từ khi thấy buôn bán tóc mang lại lợi nhuận cao, nhiều người đã chuyển sang làm nghề này”.  

Hàng ngày, từ sáng tinh mơ, người dân làng Bình An đã tỏa đi khắp các chợ ở các địa phương lân cận. Tóc từ khắp nơi trên đất nước đều tập kết về đây để trung chuyển tóc sang Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sau khi được chuyển ra nước ngoài, tóc dài sẽ được sử dụng làm tóc giả, còn tóc vụn được tái chế để sản xuất băng đĩa. Ngoài ra, còn có một lượng khá lớn khách từ Hà Nội và các thành phố lớn về chọn mua tóc, chủ yếu để phục vụ nhu cầu nối tóc của chị em.

Vào thăm nhà bà chị Đỗ Thị Trường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Thọ và cũng là một đại lý chuyên buôn bán tóc. Chồng bà đang ngồi xếp lại những lọn tóc dưới nhà. Xung quanh ông toàn tóc là tóc. Lọn dài, lọn ngắn, lọn tóc đã bạc, lọn đen… chất thành từng đống. Ông nhẹ nhàng chỉnh lại những mái tóc như vuốt tóc người yêu vậy.

Chồng của bà Trường hóm hỉnh: “Cả nước này, không ai được vuốt tóc phụ nữ nhiều như tôi. Này nhé, cứ tính trung bình mỗi tháng nhà tôi xuất đi khoảng vài tạ tóc. Vị chi tôi phải vuốt lại vài chục nghìn mái tóc dài (trung bình mỗi mái tóc nặng khoảng 150g). Anh thấy có ai được vinh dự như tôi không?”. Sau công đoạn đó, ông còn phải mua giầu gội đầu loại hảo hạng để gội lại tóc và mang ra hong cho khô. Ông bảo: “Tóc được mua ở khắp nơi về. Nếu không vệ sinh cẩn thận, khó bán lắm”.

Dạo qua một số đại lý thu mua tóc mới thấy nghề này không hề đơn giản. Tóc được phân ra làm 3 loại. Tóc “nóng” là tóc cắt cả lọn. Tóc tỉa là tóc cắt tỉa trên đầu (đây là loại tóc có giá trị nhất). Tóc ngắn, tóc rối được thu gom từ các hiệu cắt tóc. Giá mỗi bộ tóc tùy thuộc vào độ dầy, dài, vuông… Những con tóc đẹp, dài có giá vài ba triệu đồng. Tóc ngắn phải qua sơ chế, chỉnh sửa gội sấy cẩn thận. Nhiều chị nói vui: “Tóc thật của mình có khi mấy ngày mới gội mà tóc người cứ phải liên tục gội sấy, chải chuốt”.

Không riêng gì nhà bà Trường, ở Đông Thọ buôn bán tóc đã trở thành nghề của nhiều gia đình. Ông Kiên, đưa ra một phép tính đơn giản, cấy một sào ruộng, nếu mưa thuận gió hoà, giỏi lắm thu được khoảng 300 nghìn đồng một năm. Trong khi đó, nếu ngày nào đi mua tóc, gặp được khách cũng kiếm được ngần đó tiền. Từ hơn chục năm nay “nghề” buôn tóc đã xoá nghèo cho nhiều gia đình. Nhiều nhà còn trở nên giàu có.

Cũng theo ông Kiên, gần như nhà nào ở thôn cũng có người tham gia buôn bán tóc. Thu nhập bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng/năm. Ngoài những người trực tiếp tham gia buôn bán tóc, còn một bộ phận không nhỏ dân trong làng làm nghề gỡ tóc rối cho các đại lý. Trung bình mỗi hộ kinh doanh lớn thuê từ 5 - 10 lao động gỡ tóc, tiền công 70- 80.000 đồng/ngày, cá biệt vào vụ cấy vụ cày lên tới 100.000 đồng/ngày.

Ông Kiên cho biết: “Hiện nay, nhiều ngành nghề trong thôn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay vốn, nhưng nghề buôn tóc là được tin cậy nhất vì hiệu quả kinh doanh cao, khả năng trả nợ tốt. Từ đầu năm đến giờ, có hộ lãi hàng trăm triệu đồng từ buôn tóc. Nhờ thu nhập từ nghề buôn tóc mà năm 2008, Bình An có gần 40 hộ xây nhà kiên cố”.

Xuất ngoại

Nói về nghề buôn tóc, bà Trường nói: Niềm vui lớn nhất là người làng Bình An đã lôi được những ông Tây, bà Tây về làng mình mua hàng. Chẳng là trước đây việc buôn bán tóc, người dân chỉ giao dịch với khách hàng Trung Quốc. Công việc của một đại lý chỉ đơn giản mang tóc lên cửa khẩu là hết việc.
 

Và ai cũng nghĩ người Trung Quốc dùng tóc làm gì mà nhiều thế? Bẵng đi một thời gian dài, cách làm ăn thuần tuý đó đã dần thay đổi. Người dân Bình An đã cất công sang tận Trung Quốc do la vì sao người họ lại cần nhiều tóc thế. Hoá ra, những ông chủ bên Trung Quốc đã cao tay hơn người dân Bình An là họ biết cắt, tỉa lại rồi bán cho các nước ở châu Âu, châu Mỹ. Và họ đã kiếm một món hời lớn gấp nhiều lần số tiền họ bỏ ra mua tóc của người Bình An.

Không cam chịu phải thông qua trung gian, người dân Bình An cũng tự tìm đường cho tóc Việt. Người đi tiên phong trong việc này là chị Trường. Không có mối lái với người châu Âu, châu Mỹ, chị nghĩ ra cách là in danh thiếp rồi gửi cho các Cty lữ hành, đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch, rồi các khách sạn lớn… nhờ họ giới thiệu giúp. Và tất nhiên, ai có công dẫn khách sẽ được chị “bồi dưỡng”.

Với cách làm “có đi có lại” đó, chẳng bao lâu sau, nhiều khách hàng nước ngoài đã tự tìm đến nhà chị. Lúc đầu những ông Tây nói tiếng xì la, xì lồ, chị chẳng hiểu. Ngôn ngữ bất đồng thì khó mà giao dịch được, chị thầm nghĩ. Thế là các chị em trong thôn Bình An cũng tự phổ cập tiếng Anh rồi tiếng Trung để tiện bề giao dịch. Chị Trường tâm sự, nhiều khách hàng tìm được địa chỉ nhà mình, mừng như bắt được vàng. Bởi lẽ, trước khi về làng Bình An, họ vẫn tin rằng những mái tóc óng ả, đen tuyền như nhung đều xuất phát từ Trung Quốc. Giờ họ mới biết là nguôn gốc của món hàng đặc biệt đó phần lớn là ở Việt Nam. 

Trong suốt câu chuyện của mình chị Trường luôn nhấn mạnh đến việc phải tìm hướng cho tóc Việt bay xa hơn. “Họ làm gì mà mua nhiều tóc thế?”, nghe tôi thắc mắc vậy, chị Trường chưa trả lời mà đưa tay chỉ về phía ti vi mà “cậu ấm” của chị đang gián mắt vào đó. Hoá ra cu cậu đang mở phim Những tên cướp biển vùng Caribê. Trong phim, mấy tên cướp biển tóc tai bờm xờm đang đánh nhau loạn xạ. Chị Trường bảo: “Chú coi. Một bộ phim như thế cũng ngốn hàng tạ tóc giả chứ chẳng ít. Trong khi mỗi năm các hãng phim này sản xuất vài trăm bộ thì sẽ dùng hàng triệu mái tóc mới đủ”.

Nghe chị Trường lập luận như vậy cũng có lý. Càng ngày nhu cầu về tóc càng lớn. Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc thôn Bình An và Đông Bích  trở thành “trung tâm” xuất khẩu tóc của nước ta. Theo ước tính của chị Trường, mỗi tháng Đông Thọ xuất khẩu vài tấn tóc. Không dừng lại ở việc buôn tóc, nhiều ông chủ đã tính đến chuyện thổi hồn cho mái tóc Việt. Tức là họ làm hàng theo yêu cầu của đối tác. Riêng thôn Bình An có 2 đại lý chuyên cung cấp tóc đã qua “chế biến” cho Thái Lan. Nhờ vậy, lợi nhuận cũng tăng lên gấp nhiều lần.

Mấy năm gần đây, các đại lý buôn bán tóc ở Đông Thọ đang ăn nên làm ra, nhưng họ cũng luôn canh cánh một nỗi lo là cạn nguồn nguyên liệu. “Những mái tóc đẹp giờ chỉ ở những vùng quê, nơi xa xôi mới có. Và nguồn hàng này ngày một khan hiếm.

Bởi lẽ con gái thời nay, không mấy người để tóc dài nữa. Không những thế, chúng còn nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng… hỏng hết cả tóc. Để có một mái tóc dài một phụ nữ cũng phải “nuôi” mất vài năm. Cứ đà này, chúng tôi đang lo không lâu nữa làng mình bị mất nghề vì không kiếm được nguyên liệu tóc”, bà Trường tỏ ra buồn bã.

 Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Chia sẻ