Những “người hùng thầm lặng” mùa thi tốt nghiệp: Cuống cuồng giúp đỡ khi sĩ tử gặp sự cố, xung phong cõng thí sinh gãy chân lên tận phòng
Tại điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội), các tình nguyện viên trong đội Tiếp sức mùa thi không quản khó khăn để hỗ trợ một cách tốt nhất cho các thí sinh dự thi.
Đóng góp vào sự thành công của mỗi mùa thi không thể không nhắc tới hình ảnh của nhữnng tình nguyên viên hăng hái, năng nổ, xông xáo làm nhiệm vụ. "Sắc xanh" tình nguyện phủ kín các điểm thi, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh và phụ huynh trong những tình huống phát sinh một cách nhanh nhất. Dù trời nắng oi ả hay trời đổ mưa rào thì những bóng áo đẫm mồ hôi của các tình nguyện viên luôn là hình ảnh đẹp khiến nhiều người rưng rưng xúc động.
"Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", họ - những thanh niên tình nguyện vẫn âm thầm, miệt mài làm nhiệm vụ. Với họ, niềm hạnh phúc nhất là thấy các sĩ tử hoàn thành bài thi thuận lợi, gương mặt tươi rói, rạng rỡ khi bước ra khỏi điểm thi.
Ghi nhận tại điểm thi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đội Tiếp sức mùa thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 gồm 30 tình nguyện viên, hỗ trợ thí sinh trong 2 ngày thi 7-8/7. Nhiệm vụ của đội tình nguyện là phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ thí sinh trong mọi tình huống khẩn.
Đội tình nguyện có mặt từ rất sớm, trước khi thí sinh bắt đầu làm bài thi khoảng 1 tiếng 30 phút để thực hiện nhiệm vụ được giao phó. Không quản nắng mưa, họ túc trực tại điểm thi để hỗ trợ thí sinh một cách tốt nhất.
Đội nắng đội mưa đón các sĩ tử, nhiều tình nguyện viên đổ bệnh
Chị Vũ Thúy Anh – Bí thư Đoàn phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội là đội trưởng Đội tiếp sức mùa thi tại điểm trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Chị cho biết đội tình nguyện viên có mặt từ rất sớm, lắng nghe Đội trưởng phân công nhiệm vụ cụ thể, thực hiện và có trách nhiệm báo cáo lại công việc đã hoàn thành. Dù trời nắng hay trời đổ mưa giông, đội tình nguyện đều lên phương án xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và phụ huynh.
Chị Thúy Anh chia sẻ: "Tình nguyên viên điểm thi này gồm 30 thành viên đến từ Đoàn phường Trung Hòa, sinh viên Học viện Ngân hàng, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Các tình nguyện viên phát nước miễn phí, hướng dẫn thí sinh vào khu vực thi, hỗ trợ liên lạc với phụ huynh trong trường hợp thí sinh quên giấy tờ, vật tư, dụng cụ. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ hỗ trợ đội trật tự an ninh để phân luồng giao thông, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.
Nếu thời tiết nắng nóng, chúng tôi chuẩn bị ô để che cho thí sinh, chuẩn bị nước uống để cấp phát. Còn nếu trời đổ mưa, chúng tôi sẽ mang áo mưa, ô lớn, ô nhỏ để che cho thí sinh. Tình nguyện viên có nhiệm vụ che ô khi các thí sinh xuống xe, đưa các em vào cổng thi, đảm bảo không bị ướt".
Ghi nhận chiều ngày 7/7, khi thí sinh đến điểm thi, chuẩn bị làm bài môn Toán thì mưa lớn đến bất chợt. Ngay lập tức, đội tình nguyện mặc áo mưa, mang theo ô để đón các thí sinh. Họ đảm bảo sĩ tử không bị ướt, đặc biệt là giữ khô ráo cho giấy báo dự thi cùng dụng cụ học tập mang theo. Trời mưa ngày càng lớn, đường ngập úng, tình nguyện viên còn phải phân luồng giao thông, tránh để ùn tắc tại điểm thi.
Em Nguyễn Đức Hùng, sinh viên năm 3 Học viên Ngân hàng thực hiện công tác hỗ trợ các sĩ tử cho biết: "Trời mưa to khiến chúng em ướt hết quần áo, giày mũ. Công tác hỗ trợ các thí sinh vì thế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng em luôn sẵn sàng ứng biến trong mọi tình huống bất ngờ. Em cảm thấy rất vui, hạnh phúc khi cùng bạn bè có những hoạt động thiết thực hỗ trợ thí sinh".
Còn Bảo Trâm – một tình nguyện viên năng động, cũng là học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: "Thí sinh bắt đầu đổ dồn về điểm thi cũng là lúc trời mưa to, gió lớn. Đội tình nguyện cùng CATT phải mặc áo mưa, mang ô che cho các thí sinh. Vất vả chút nhưng chúng em cảm thấy phấn khởi vì đã làm việc có ích. Nắng mưa là việc của trời, có gì đâu mà phải rầu lòng hay than thở".
Nhiều tình nguyện viên cho biết, ngay khi kết thúc hôm thi đầu tiên, do trời mưa to nên một số em đã đổ bệnh, xuất hiện các triệu chứng như: Cảm cúm, sốt nhẹ, khản giọng, đau đầu,… Tuy vậy, các em vẫn cố gắng có mặt trong buổi thi ngày thứ 2, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Những tình huống "khó đỡ" khiến tình nguyện viên… hết hồn
Em Nguyễn Linh – Phó bí thư cụm chi đoàn Phòng không không quân (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong 2 ngày thi vừa qua. Nhiều sĩ tử quên giấy báo dự thi, máy tính, bút chì,… khiến đội tình nguyện "nháo nhào" theo. Bạn thì phải chạy đi mua đồ giúp, có bạn lại liên hệ với phụ huynh mang đồ dùng đến cho con.
"Nhớ nhất là một trường hợp học sinh quên mang máy tính vào phòng thi. Phụ huynh phát hiện kịp thời, mang máy tính đến điểm thi nhờ tình nguyện viên gửi vào. Tuy nhiên, phụ huynh không nhớ phòng thi, số báo danh của con khiến tình nguyện viên phải đi hỏi cán bộ hỗ trợ điểm thi, tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử nhưng cuối cùng vẫn không thể chuyển được đồ vào cho thí sinh. Đây là một trường hợp đáng tiếc", Nguyễn Linh cho biết.
Còn Thế Anh, sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, em đã có 6 năm tham gia đội tiếp sức mùa thi. Mỗi năm thực hiện nhiệm vụ, em lại có nhiều kỷ niệm khó quên. Năm nay, theo em khó khăn nhất là trường hợp học sinh quên Atlat Địa lý.
Thế Anh bồi hồi kể lại: "Chỉ còn 10 phút nữa là thí sinh ấy bước vào phòng thi, em cùng 3 tình nguyện viên khác phải chạy khắp các hiệu sách để tìm mua Atlat. Có tiệm thì chưa mở cửa, có tiệm thì hết hàng khiến chúng em như "ngồi trên đống lửa". May mắn có tình nguyện viên nhà gần đây vẫn còn giữ Atlat nên chúng em đã về nhà bạn để lấy, sau đó mang đến cho thí sinh mượn tạm".
Năm nay, có một thí sinh bị gãy chân nên tình nguyện viên đã liên lạc trước với phòng Y tế (trường THPT chuyên Amsterdam – Hà Nội) để mượn cáng và xe lăn đưa thí sinh lên phòng thi. "May mắn là năm nay có sự chuẩn bị trước nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Như năm ngoái em đi hỗ trợ điểm thi, có 3 bạn bị gãy chân nhưng chỉ có 2 chiếc xe lăn khiến em bắt buộc phải cõng thí sinh lên tận phòng thi", Thế Anh cho biết.
Các tình nguyện viên mỗi người một nhiệm vụ, một công việc khác nhau nhưng các em đều nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. "Còn sức còn làm tiếp để có một tuổi trẻ khó quên", đó là lý do các em chọn tham gia đội Tiếp sức mùa thi để thực hiện những điều ý nghĩa và có thêm những trải nghiệm tuyệt vời.
"Em nghĩ trở thành tình nguyện viên giúp em cải thiện nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý các vấn đề phát sinh. Vì vậy, em chọn tham gia hỗ trợ các điểm thi thay vì ở nhà sử dụng smartphone để giải trí", một nữ tình nguyện viên hào hứng chia sẻ.