Những “nghệ sĩ” nhí mang nỗi đau da cam
Đó là một đội hình biểu diễn nghệ thuật không chuyên với những “nghệ sĩ” nhí câm điếc, tật nguyền, thiểu năng trí tuệ, do ảnh hưởng của chất độc da cam.
Trước ánh đèn sân khấu, người ta quen gọi các em là “đội văn nghệ da cam nhí”.
Các em biểu diễn cũng rất “chuyên nghiệp”
Tìm đến nghệ thuật để quên nỗi đau
Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh (thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng) một sáng tháng 7, Hồ Thanh Thảo (15 tuổi), cả bàn tay dính liền nhau, chỉ có duy nhất ngón cái tách ra, vẫn hăng say uốn từng động tác, khó nhọc nhón chân theo điệu nhạc. “Diễn thời trang vui lắm”, Thảo nghọng ngịu, bẻ cong vành môi, mãi mới nói thành câu.
Em làm tôi bỗng dưng muốn cất giọng lên hát một câu gì đó, đưa đôi tay “tự do” múa máy vài đường, ngân nga luyến tròn môi, chân nhún uyển chuyển giữa thênh thang trời đất - Chợt thấy mình diễm phúc hơn em nhiều quá.
Người đội trưởng kiêm thầy giáo vừa dạy chữ vừa dạy các em biểu diễn thời trang là thầy giáo cũng mang trong mình nỗi đau da cam - anh Nguyễn Ngọc Phương. Anh Phương gần 30 tuổi nhưng thấp, nhỏ như một đứa trẻ lên năm.
Một ngày nọ, sau giờ dạy căng thẳng, anh bật ti vi lên, tìm đến với chút âm nhạc để giải trí. Nhạc vừa cất lên, đám học sinh của anh có đứa ngồi bật dậy nhúc nhích, lắc lư cái đầu, uốn người qua lại nhún nhảy theo các động tác trên màn hình. Anh ngạc nhiên, ngớ người. Thì ra trí não của các em có vấn đề chứ cảm nhận về âm nhạc ở các em thì vẫn có. Anh “đọc” ra trong từng động tác vụng về ấy, trong những đôi mắt đang dán vào màn hình kia, trong những động tác khua tay múa chân vô thức, một niềm khát khao vận động hơn bao giờ hết của trẻ thơ. “Tại sao mình không kéo các em vào một hoạt động nào đó?”. Thế là anh nảy ra ý định lập ra hẳn một sân chơi văn nghệ dành cho các em.
Đội văn nghệ gồm có 3 nhóm: nhóm múa, nhóm hát và nhóm biểu diễn thời trang. Mỗi nhóm có khoảng 6 - 7 em.
“Kéo được các em hòa đồng vào cùng là vui lắm rồi. Dù gì cũng nên có một hoạt động nào đó để các em đam mê đặng quên đi những cơn đau đang dày xéo…”, dừng đôi bàn tay nhỏ đang lật giở những tấm ảnh đi biểu diễn của cả đội, anh Phương nhẹ nhàng tâm sự.
Những tâm hồn không tật nguyền
Buổi sáng, chúng tôi có mặt sau cánh gà chứng kiến các em tập biểu diễn thời trang để chuẩn bị đón đoàn khách nước ngoài vào thăm.
Người thầy giáo nhỏ bé chỉ dẫn, uốn nắn động tác cho từng em một. Mỗi động tác dù giản đơn, với các em cũng là một thử thách khó khăn. “Thế đã là “chuyên nghiệp” lắm rồi. Phải tập 2 tháng mới đi được chừng đó đấy” – anh Phương hồ hởi khoe.
Anh Phương cho biết, để tập cho các em có thể biểu diễn thời trang không phải dễ. Hầu như các em chỉ làm theo thói quen, mới tập hôm nay, ngày mai đã quên mất rồi. Chừng đó động tác đã được “mặc định” trong đầu; ra sân khấu, nghe tín hiệu xướng lên của người nhạc trưởng từ sau cánh gà là đi, là nhún nhảy, là biểu diễn.
Ngồi để ý mới thấy, việc nhảy theo từng điệu nhạc cuả các em cũng phải chập chững, cố nhấc chân lên, lê bước chồng chéo mới hết một động tác. Nhạc bật lên, dù có em không nghe, không nói được nhưng vẫn cố nhìn nhau cho động tác được đồng bộ.
Có sự cố làm anh Phương nhớ mãi. Lần biểu diễn hôm đó, trong khi bật đĩa để các em múa theo nhạc thì bỗng dưng một em ở phía trong vấp phải sợi dây nối điện. Nhạc tắt phụt. Phía trên sân khấu “diễn viên” đâu hay biết gì, cứ vô tư hồn nhiên nhún nhảy, đi theo quán tính đã được lập trình sẵn cho đến hết mới thôi. Khán giả ngồi ở dưới không ai cười nổi, thương các em, ngậm ngùi giấu nước mắt vào trong.