Ngày Thế giới phòng, chống AIDS:

Những nạn nhân vô tội của HIV

Theo Thanhnien,
Chia sẻ

Nhận viên thuốc từ tay bà, không cho ngay vào miệng, nước mắt Trâm chảy dài trên đôi gò má đen xạm vì biến chứng HIV. Sự sống của cô bé 11 tuổi mồ côi cha mẹ chỉ còn tính bằng ngày.

Thấy cháu chần chừ không chịu uống thuốc và khóc, bà Sáu - ngoại của Trâm cũng khóc theo. Bà kéo cô cháu gái vào lòng: “Ráng uống thuốc đi con. Uống hết bệnh để còn về mà đi học với bạn bè”. Có lẽ không muốn bà phải khóc thêm, cô bé cho nửa viên thuốc vào miệng, ực nước thật nhanh rồi tháo tay bà để ra phía hành lang bệnh viện nhìn xuống khoảng sân đầy nắng.
 
Những nạn nhân vô tội của HIV 1
Trẻ nhiễm HIV sẽ gặp nhiều rào cản trong cuộc sống. Điều này có thể được khắc phục nếu mẹ xét nghiệm máu khi mang thai và con được điều trị sớm. Ảnh: Thiên Chương.

Mắc bệnh từ khi mới lọt lòng, bố mẹ lần lượt qua đời, 8 tuổi thì các triệu chứng bùng lên, ba năm nay Trâm phải nằm bệnh viện cùng bà ngoại.

Bích Trâm chào đời tại Bình Phước năm 2001, chị Thúy mẹ Trâm khi ấy là cô công nhân cạo mủ cao su cho công trường. Người phụ nữ mới ngoài 20 không hề biết chồng mình nhiễm HIV nên cứ vô tư mang thai rồi sinh con.

“Nhà nghèo quá, con gái tôi mang bụng bầu đi làm, nó chỉ khám thai thông thường mà không một lần thử máu hay làm xét nghiệm. Khi con bé được 7 tuổi thì hai vợ chồng nó lần lượt qua đời. Tôi sợ quá đưa con bé đi về Sài Gòn khám mới biết nó cũng mắc bệnh”, bà Sáu kể.

Theo tư vấn của bác sĩ, Trâm được điều trị ngoại trú bằng cách mang thuốc về nhà uống và tái khám theo lịch. Việc chữa trị kéo dài chưa đến một năm thì cô học sinh lớp 2 phải bỏ học để nhập viện vì chứng sốt cao kéo dài kèm tiêu chảy.

“Con phải vô bệnh viện thường xuyên đã 3 năm rồi, lần nào bà cũng nói uống thuốc cho mau khỏi bệnh để được về đi học. Nhưng con biết bệnh con nặng lắm. Bà chỉ nói vậy thôi”, Trâm nói.

Tại khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, Trâm không phải là trường hợp duy nhất biết mình nhiễm HIV. Mỗi năm có đến hàng trăm bé mắc bệnh tương tự. Phát hiện sớm thì sau sinh vài ba tháng, chậm thì năm bảy năm sau khi chào đời, khi mà các bệnh đã bắt đầu đồng loạt bùng lên dữ dội. Minh Dũng là một trong những trường hợp như vậy.

Chào đời tại trạm y tế của một xã nghèo thuộc huyện Cần Giuộc, Long An, mẹ Dũng cũng không biết mình nhiễm HIV trước khi mang thai nên không hề đi thử máu và vô tư sinh nở.

"Mãi đến khi con được 3 tuổi, chồng tôi có những triệu bệnh và thừa nhận đã sang AIDS, đi xét nghiệm, tôi mới tá hỏa mình cũng bị lây. Từ đó, tôi im lặng nuôi hy vọng con mình không nhiễm. Thế nhưng việc gì đến đã đến, một năm trước bé bắt đầu vào sốt kéo dài", mẹ bé cho biết.

Không biết mình bị bệnh hiểm nghèo vì bố mẹ giấu kín, Dũng vẫn tin chắc mình sẽ mau được xuất viện trở về nhà để được đến trường. "Ba năm liền con đã được học sinh giỏi, năm nay con nhất định sẽ tiếp tục học giỏi để ba mẹ vui", câu nói của cậu con trai khiến người bố gầy gò vì bệnh và người mẹ trẻ nhìn nhau rơm rớm. Bởi hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ bản chất của căn bệnh này.

Nhập viện được gần 6 tháng, hiện Dũng vẫn còn phải điều trị cho dứt những bệnh do HIV gây nên trước khi các bác sĩ quyết định phác đồ điều trị lâu dài. Đây là một trong những trường hợp nhập viện muộn khiến việc không chế bệnh gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh cho biết, hoàn cảnh của Dũng, của Trâm đã trở nên quá quen thuộc. Mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận 80-100 ca nhiễm mới, trong số ấy có 10-20 bé phải tử vong, có bệnh nhi vừa chuyển đến bác sĩ chẩn đoán xong thì đã chết.

"Hầu hết các trường hợp đều do mẹ nhiễm HIV mà không biết, một số trường hợp mẹ biết mình nhiễm bệnh nhưng nghĩ con mình chắc chắn nhiễm nên bỏ qua, không thăm khám để điều trị dự phòng", bác sĩ Khanh nói.

Không chỉ bị đe dọa tính mạng, trẻ mắc HIV còn dễ rơi vào tình cảnh cô đơn bởi có đến 60% trẻ nhiễm HIV không còn đủ cha lẫn mẹ. "Phần lớn các bé phải sống với bố hoặc mẹ bệnh tật chờ chết hoặc sống với ông bà đã già yếu. Đó là chưa kể các em còn phải chịu sự kỳ thị của xã hội", bác sĩ Khanh nói.

Để tránh hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh mắc HIV, bác sĩ Khanh khuyên các bà mẹ nên xét nghiệm máu khi mang thai. "Nếu can thiệp tốt, chỉ khoảng 3% trẻ có mẹ nhiễm HIV bị nhiễm bệnh khi chào đời. Còn số này sẽ tăng lên gấp 10 lần nếu không được tầm soát", bác sĩ Khanh nói.

Tại TP HCM, đại diện Ủy ban phòng chống HIV/AIDS cho biết, thai phụ có thể đến thăm khám và xét nghiệm máu tại các cơ sở y tế. Kết quả xét nghiệm sẽ được bảo mật tuyệt đối. Nếu xét nghiệm dương tính HIV, thai phụ sẽ được tham gia chương trình phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con để được điều trị dự phòng.

Lo ngại nhất đối với đại dịch này, là việc xuất hiện ngày càng nhiều bệnh nhân mắc HIV/AIDS là những người có hành vi nguy cơ thấp. Theo ông Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, có thể cảnh báo nguy cơ dịch lây lan mạnh trong cộng đồng, nhất là với những vùng miền núi.

Tại buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nhóm Đại sứ và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, về nguồn viện trợ phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam hồi cuối tháng 11, một số tổ chức quốc tế cho biết, do Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia với mức thu nhập trung bình dẫn đầu khu vực nên trong lộ trình sẽ dần rút những hỗ trợ về tài chính cho những hoạt động phòng chống HIV/AIDS dù vẫn có những hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn chính sách... "Tuy nhiên, đây là định hướng lâu dài và có lộ trình cắt giảm chứ không phải làm ngay!" - bà Deborah Chatsis, Đại sứ Canada kiêm Chủ tịch Nhóm điều phối các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam khẳng định.

* Tính đến hết tháng 9.2012, TP.HCM có gần 47.000 người nhiễm HIV và hơn 9.000 người đã tử vong do HIV/AIDS.

 
 
Chia sẻ