Những mô hình cơ học và hạnh phúc gia đình
Khó mà đưa ra một nguyên tắc chung cho khái niệm cuộc sống gia đình. Nhưng vẫn có một số " khung mô hình" gia đình mà ta thường gặp. Ta có thể có những lựa chọn cho riêng mình.
Khi chồng coi vợ là con búp bê xinh đẹp
"Nhà búp bê" là vở kịch của nhà viết kịch nổi tiếng H. Isben. Vở kịch kể về bi kịch gia đình của nàng Nô-ra xinh đẹp. Nàng lấy Tooc-van, một luật sư trong sạch và liêm khiết, cả đời chỉ sống theo những nguyên tắc mà xã hội và luật pháp quy định. Nàng Nô-ra sinh đẹp yêu chồng đến mức không bao giờ làm trái ý chồng một điều gì. Từ cách trang hoàng nhà cửa, ăn mặc, mua sắm,.. nhất nhất nàng đều làm theo ý chồng. Và nàng thấy hạnh phúc trong suốt 8 năm trời họ sinh sống.
Mùa nô-el năm ấy, chồng nàng được bổ nhiệm làm giám đốc một ngân hàng. Số phận tưởng như mỉm cười với gia đình họ khi cuộc sống vật chất bỗng nhiên được dư giả.
Đồng thời với may mắn là một bí mật của nàng No-ra có nguy cơ bị tiết lộ. Vốn là cách đó mấy năm, chồng nàng bị một chứng bệnh nguy hiểm và cái chết đang cận kề. Chỉ có một phương pháp có thể cứu sống chồng nàng là đưa chồng nàng sang Ý dưỡng bệnh. Nhưng việc đó đòi hỏi một số tiền bằng cả một gia tài mà vợ chồng nàng thì không thể có nổi một phần số tài sản đó.
Với tình yêu dành cho chồng, Nô-ra quyết định vay số tiền đó của Croxtag, một người bạn của Tooc-van kèm theo một cái giấy ghi nợ do Croxtag giữ. Tooc-van lên làm giám đốc, sa thải Craxtog khiến Croxtag bất bình. Anh ta mang tờ giấy vay nợ đến doạ sẽ nói bí mật cho Tooc-van nếu Nô-ra không chịu giúp đỡ anh ta. Trong tờ giấy ghi nợ Nô-ra đã phạm sai lầm là giả mạo chữ kí. Cùng lúc Nô-ra mắc hai tội: nói dối chồng và giả mạo chữ kí.
Khi mọi chuyện vỡ lở, Nô-ra quyết định tự tử nhưng không thành và bị Tooc-van xỉ vả thậm tệ, đổ hết mọi tội lỗi cho Nô-ra. Cuối cùng Nô-ra nhận ra một điều: mình chỉ là con búp bê của Tooc-van. Chồng cô chỉ coi cô như một đồ vật quý nâng niu chứ không coi cô là một con người. Còn Nô-ra cứ phục tùng ý chồng một cách ngoan ngoãn đáng yêu. Cô nhận ra đó là bi kịch chứ không phải hạnh phúc trong gia đình.
Gia đình truyền thống của người Nhật
Theo truyền thống, phụ nữ Nhật khi lấy chồng là sẽ theo chồng và chỉ ở nhà lo việc trong nhà (bao gồm cả việc nội trợ, đối nhân xử thế với gia đình, họ hàng và dạy dỗ con,…). Người vợ ở nhà thu vén, sắp xếp công việc nhà cửa sao cho người chồng không phải bận tâm, áp lực gì. Ngược lại, người chồng sẽ lo kiếm tiền và đảm bảo cuộc sống vật chất cho cả gia đình. Mọi vấn đề khó khăn ở ngoài, người chồng đều cố gắng giải quyết, về nhà là chỉ vui vầy với vợ con. Thậm chí khi anh ta thất nghiệp thì ngày ngày cứ đúng giờ làm là anh ta ra khỏi nhà và đi kiếm việc mà vợ vẫn không biết.
Trong truyền thống gia đình người Nhật, các công việc trong gia đình có vẻ được phân công một cách chuyên môn hoá giữa người vợ và người chồng. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về công việc của mình và cố gắng hoàn thành tốt nó bằng mọi cách. Điều đó tạo một không khí gia đình đầm ấm, hoà thuận. Hiệu quả công việc được nâng cao.
Nhưng nhược điểm của kiểu gia đình như vậy là nếu một trong hai người không còn đủ khả năng lo lắng nữa thì người kia sẽ rất khó khăn để đảm nhận vai trò của nửa còn lại. Không những thế, người còn lại cũng rất suy sụp về mặt tinh thần.
Mô hình gia đình truyền thống trong xã hội chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng phong kiến
Đó là mô hình mà người phụ nữ đóng vai trò phụ thuộc đàn ông suốt đời. Có thể lấy quy tắc tam tòng dành cho phụ nữ để tổng kết như sau: người phụ nữ ở nhà thì phụ thuộc cha, đi lấy chồng phụ thuộc chồng, chồng chết thì phải theo con.
Trong mô hình gia đình như thế này, người phụ nữ ở vai thấp và không có tiếng nói gì trong gia đình. Họ thường phải hi sinh mọi quyền lợi cá nhân, mọi cảm xúc riêng để chịu đựng và xây dựng gia đình. Đàn ông được quyền ngoài xã hội, được quyền trong gia đình. Người chồng, người cha như trụ nhà, nóc nhà.
Mô hình gia đình như thế này kìm chế sự phát triển xã hội rất lớn. Người phụ nữ bị đè nén và chịu khổ sở rất nhiều. Trong xã hội hiện đại, mô hình gia đình này tạo điều kiện thuận lợi cho nạn bạo hành gia đình. Tuy nhiên, ở thời điểm xã hội phong kiến, mô hình gia đình như vậy có tác dụng tạo nên gia phong rất tốt.
Thuận vợ thuận chồng…
Người chồng hoặc người vợ chỉ có thể giàng buộc nhau bằng tình yêu, sự tôn trọng chứ không phải sự phụ thuộc một cách cơ học. Chúng ta không nên than vãn hay dựa dẫm nhưng nên chia sẻ. Mỗi người có những khoảng riêng tư nhất định nhưng cũng nên chia sẻ cùng nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống. Điều đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa vợ và chồng, tạo nên sự hài hoà trong quan hệ.
Việc ở nhà hay việc ngoài xã hội nên bổ trợ cho nhau: "Trong ấm" thì "ngoài" mới "yên". Phải hiểu công việc của chồng (vợ) như thế nào mới dễ dàng chia sẻ được. Sự đối thoại trong gia đình là cần thiết, đôi khi sự cãi vã, giận dỗi cũng rất quan trọng. Không thể để những lo lắng, bất đồng cho riêng mình và coi đó là sự chịu đựng hay nhịn để giữ không khí hoà thuận. Hoà thuận là khi hai người cùng đồng ý.
Có thể bạn đặt ra những tiêu chuẩn nào đó trong gia đình. Nhưng trong gia đình, sự yêu thương, đồng cảm và chia sẻ là điều cần thiết.