Những mẹo khi ăn lẩu nóng để không hại tới sức khỏe
Việc ăn ngay thực phẩm vừa được đun sôi trong nồi lẩu rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản...
Mùa đông, lẩu trở thành món khoái khẩu của mọi người. Món ăn nóng hổi với những tiếng xuýt xoa của đồ ăn nóng cũng như hương vị cay mang lại cảm giác thú vị cho người ăn. Tuy nhiên chính chúng có thể là mối nguy cho sức khỏe của bạn.
Bạn có biết, việc ăn ngay thực phẩm vừa được đun sôi trong nồi lẩu rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản. Cùng với nhiều gia vị cay mang tính kích thích, nó có thể gây viêm loét đường tiêu hóa.
Với những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên ít ăn hoặc không nên ăn lẩu nhiều đạm mỡ.
Khi chọn thực phẩm cho nồi lẩu ngoài các loại thịt, hải sản… đừng quên các loại rau mát như cải cúc, cải xoong, cải thảo… Nếu ăn được vị đắng thì có thể chọn mướp đắng. Việc ăn lẩu cùng với nhiều loại rau xanh, không những có thể “trấn áp” được lượng dầu mỡ trong thịt, cá… mà còn bổ sung vitamin cho cơ thể và có tác dụng điều hoà, trừ nóng và giải độc.
Cho thêm đậu phụ khi ăn cũng là cách bổ sung dinh dưỡng, giải nhiệt và trị khát.
Lưu ý, lẩu cho dù có ngon như thế nào thì cũng không nên ăn liên tục, 1-2 tuần ăn một lần là được. Vì ăn lẩu thường là ăn đồ sống hoặc tái chín, nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Thực phẩm tươi sống và tái chưa tiêu diệt được hết vi khuẩn và ký sinh trùng, dễ gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, các bệnh về đường ruột, dạ dày.
Để thưởng thức được tận cùng hương vị của những nồi lẩu hấp dẫn trong mùa đông mà không phải lo lắng tới sức khỏe của mình, bạn nên dành chút thời gian để lựa chọn thực phẩm và gia vị phù hợp trước khi thưởng thức nhé.