Những mảnh vỡ của tàu lặn Titan làm giới chuyên gia kinh ngạc

ANH THƯ,
Chia sẻ

Một số bộ phận còn nguyên vẹn của tàu lặn Titan đã được trục vớt từ đáy đại dương gần xác tàu Titanic. Chúng có cùng một điểm chung hứa hẹn cung cấp manh mối về thảm kịch.

Theo Daily Mail, một số phần có thể xác định được của tàu lặn Titan đã được đưa lên bờ từ hôm 27-6, bao gồm mũi tàu và một mảnh lớn dường như thuộc về phần thân sau của tàu.

Kích thước của một số bộ phận khiến các chuyên gia ngạc nhiên, vì trước đó họ từng nghĩ rằng sau vụ nổ thảm khốc, tàu lặn Titan đã bị nghiền nát thành từng mảnh vụn.

Những mảnh vỡ của tàu lặn Titan làm giới chuyên gia kinh ngạc - Ảnh 1.

Một mảnh vỡ lớn được trục vớt - Ảnh: AP

Điều đặc biệt, những thứ còn lại của tàu là những mảnh làm bằng vật liệu titan. Người ta cho rằng các bộ phận titan có sức chống chọi với thảm họa tốt hơn nhiều so với các phần làm bằng sợi carbon - bao gồm phần lớn thân tàu.

Ngoài ra, các hình ảnh từ công tác trục vớt cho thấy một cụm thiết bị bao gồm rất nhiều dây cáp, dây diện cũng được tìm thấy.

Các nhà điều tra sẽ nỗ lực lắp ghép lại con tàu để tìm ra nguyên nhân thảm họa.

Những mảnh vỡ của tàu lặn Titan làm giới chuyên gia kinh ngạc - Ảnh 2.

Sơ đồ cho thấy vị trí của các mảnh vừa được trục vớt từ con tàu - Ảnh: AP

Những mảnh vỡ của tàu lặn Titan làm giới chuyên gia kinh ngạc - Ảnh 3.

Toàn bộ khoang hành khách lại được làm bằng sợi carbon, loại vật liệu kém bền được cho là đã vụn vỡ hoàn toàn trong vụ nổ - Đồ họa: DAILY MAIL

Theo ông Tom Maddox, Giám đốc điều hành của Công ty Underwater Investigators, nhiều người trong số họ tin rằng các bộ phận không phải bằng titan đã bị phân hủy, khiến cuộc điều tra trở nên khó khăn hơn nhiều.

Các mảnh vỡ lớn bằng titan được tìm thấy một lần nữa gợi ý đến nghi ngờ trước đây của nhiều chuyên gia rằng chính những phần làm bằng sợi carbon của tàu lặn Titan đã dẫn đến thảm họa.

Việc sử dụng sợi carbon là một thử nghiệm mới của ông Stockton Rush, Giám đốc điều hành Công ty OceanGate, là đơn vị sở hữu tàu lặn Titan và tổ chức các chuyến thám hiểm Titanic. Chính vật liệu này đã khiến con tàu bị nhiều chuyên gia cảnh báo là có thể kém bền vững sau nhiều lần lặn.

Tàu lặn Titan cũng chưa đáp ứng được các quy trình về chứng nhận thiết kế, ví dụ bước đánh giá từ bên thứ ba như Cục Vận tải Mỹ.

Đạo diễn phim Titanic James Cameroon, người đồng thời là một nhà thám hiểm biển sâu, cho rằng những phần làm bằng sợi carbon của tàu lặn hiện đã nát vụn dưới đáy đại dương.

Chia sẻ