Những mảnh đời trên đồi cát Bay
6h sáng, đất trời Bình Thuận còn trong cơn ngái ngủ. Như bao ngày, bất kể thời tiết, bé Thuận và bé Trang đã lại có mặt trên đồi cát Bay đón khách.
Thứ 6, lượng khách đến chơi đồi cát khá đông. Thường vào những ngày cuối tuần là mùa làm ăn tốt. Các xe du lịch tấp nập dừng lại chân đồi cát thả du khách xuống tham quan đồi cát mịn. Màu cát đỏ thẫm và mịn màng, trải dài đến vài trăm mét nhấp nhô tạo những đợt sóng tuyệt đẹp, mê hoặc người tới. Đám trẻ nhỏ tay cầm những chiếc ván tự chế ào ra mời khách.
Đa phần mọi người đến đây đều muốn thử trượt cát một lần cho biết. Mỗi lần trượt giá 2000 đ và chẳng có ai chỉ trượt có duy nhất một lần.
Lũ trẻ nhỏ háo hức với trò chơi. Lúc đầu còn sợ, chỉ dám ngồi khi có người lớn kèm theo. Sau thì nhất quyết ngồi một mình. Có đứa nhẹ quá chỉ trượt được một đoạn là dừng lại. Tiếng cười rộn cả bãi cát. Chỗ nào đồi cát dốc nghiêng đều diễn ra trò chơi đơn giản mà thú vị ra trò này. Cát mịn nên dù bạn bị ngã nghiêng khỏi ván trượt cũng không đau chút nào. Các cô bé cậu bé phục vụ khách nhiệt tình, còn chụp ảnh giúp người chơi.
Cũng như Thuận, lũ trẻ đã bỏ học từ năm lớp 4 để đến đồi cát kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trước kia, khi ngành du lịch chưa có tiếng tăm, ít ai nghĩ đến việc sinh lời được từ đồi cát này. Chỉ với một tấm ván nhỏ, ngày ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, cần mẫn với từng người khách, cho đến tận người khách cuối cùng. Cái chữ không đi cùng với cái đói cái nghèo. Và khi cuộc sống mưu sinh ngày ngày lấn chỗ cho khát khao tri thức, những ngã rẽ cuộc đời không còn nhiều hướng.
Cô Phúc, mẹ bé Hùng rời khỏi những gánh hàng đang cùng đi trên cát, rẽ về hướng tôi. Bánh bột lọc bán với giá 5000 đ/ đĩa. Cả gánh hàng vẻn vẹn chỉ có hai gánh, một bên là bột lọc, bên kia là bát đĩa. Bốn rưỡi sáng, cô và đứa con gái nhỏ đã làm xong gánh hàng, chuẩn bị cho một ngày làm việc. Hôm nào may mắn thì chỉ đến tầm quá trưa là hết hàng, phải như ngày hôm nay, thời tiết không thuận lợi, khách vắng thì chịu. Mà hôm nào có mưa là cả nhà ngồi nhà, chỉ có bố em là vẫn chạy được xe ôm.
Tranh thủ vừa bán hàng cho tôi, cô vừa quẩy gánh sang nhóm bạn trẻ đang í ới phía trên đồi cát. Nhóm bạn này mới từ Vũng Tàu ra đêm qua, háo hức với trò trượt cát. Bạn nào cũng trượt đến vài bận mới dừng. Cô Phúc đi một vòng, đến lúc quay lại chỗ tôi ngồi thì cũng đã bán được hơn nửa gánh hàng. “Thế sắp hết thì cô cũng về luôn à?””Chưa, vẫn còn gánh nữa để ở nhà, giờ xuống nhờ ông chồng về lấy. Bán hết gánh ấy rồi mới về đồng áng, cơm nước cho bố con nó sau.” Nói rồi cô tong tả gánh hàng xuống đồi cát.
Các gánh hàng khác cũng đều bán thứ bánh này, còn các cô gái tầm tuổi 14, 15 thì vác theo thúng bánh kẹp cốt dừa, một món bánh giống với bánh quế, giá 2000 đ/gói. “Nhưng mà mẻ bánh sáng nay em lấy xấu quá, bánh không được phồng như mọi hôm, bị bẹp giúm. Chắc em không bán được hết.” Mẻ bánh hôm nay quả thật không ngon, mà thứ bánh này tôi cũng không thích lắm. Mấy em nhỏ nô đùa mệt rồi đang níu tay mẹ đòi mua ăn. Vậy là chiều theo, người mẹ trẻ mua một chục gói cho con, tính ra cũng có 20.000d. Cô bé còn mang theo những hộp cactong, khi khách mua nhiều là cho vào hộp, đóng gói cẩn thận.
Một tuyến xe chạy từ trung tâm thành phố đến các điểm như Tháp Pohansu, Mũi Né, đồi cát Bay…có giá là 10.000 đ. Nhưng đến mối điểm bạn phải dừng lại, lên tham quan rồi mới lại chờ một chiếc xe buýt khác để lên và đến điểm du lịch tiếp theo. Cứ thế thời gian chờ và số tiền xe buýt cũng khá cao. Trong khi đó các điểm du lịch lại không cùng một hướng. Từ Mũi Né đến núi Tà Kú và mũi Kê Gà phải chạy ngược đường mới tới. Sau một hồi băn khoăn vì đường đi lối lại, cuối cùng tôi chọn giải pháp thuê một chú xe ôm đi cùng chở đến toàn bộ các điểm cần đến với giá cả phải chăng
Sau hàng loạt những ban bố từ tháng 12 năm 2007, cho đến tháng 7 năm 2008, khi tôi ghé chơi đồi cát, không thấy có nhiều thay đổi trong việc điều chỉnh hay cấm đoán việc này. Đồi cát vẫn đông nghẹt trẻ em, người bán hàng rong. Các em nhỏ mà tôi gặp khá dễ thương, không trèo kéo khách, cũng chẳng nói tục. Đôi ba em còn ngồi quanh tôi nói chuyện vui vẻ, cho đến khi gặp nhóm khách mới mới chạy ra đón khách.
Du lịch mở rộng trên mảnh đất Bình Thuận đã mở ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Giờ thì nhiều gia đình cho con theo học ngành du lịch, để phục vụ các nhà nghỉ khách sạn sang trọng trong khu vực Mũi Né. Giao thông cũng phát triển đều đặn hơn. Cuộc sống đã bớt nhọc nhằn, nhưng đâu đây vẫn còn vị mặn của những giọt mồ hôi trên những mảnh đời mưu sinh.
Bài và ảnh: Lam Linh