Những mảnh đời cô đơn trong xã hội Nhật hiện đại
Quá khao khát được con cháu yêu thương, thăm hỏi thế nên dù con cháu chỉ gọi cho mình vì cần tiền thì hàng trăm người già Nhật cũng gấp rút đi chuyển tiền cho con mà không biết bị lừa.
Anh Genta Hideo năm nay 45 tuổi, anh đang làm trưởng bộ phận tài chính cho một tỉnh thuộc vùng Kanto, một trong hai trung tâm kinh tế lớn của nước Nhật.
Tốt nghiệp từ đại học Waseda, nói thành thạo hai ngoại ngữ và được sang Mỹ du học tự túc từ cách đây hơn hai mươi năm, chắc chắn không cần phải giải thích nhiều người ta cũng đủ hiểu gia đình anh so với xã hội Nhật không phải dạng xoàng.
Anh lập gia đình khi ngoài 30 tuổi, vợ anh đang làm việc cho một ngân hàng lớn ở Nhật. Cả hai vợ chồng cùng có công việc tốt và thu nhập khá, vì vậy tiền không phải nỗi lo của vợ chồng anh.
Thế nhưng trong rất nhiều lần nói chuyện, anh Hideo chia sẻ về điều khiến anh vô cùng bận lòng. Anh nói: “Điều tôi buồn nhất khi nghĩ về tương lai, đó không phải là thiếu tiền, mà là sự cô đơn. Tôi không thể tưởng tượng khi một trong hai vợ chồng tôi rời khỏi cuộc đời này trước, người còn lại sẽ sống thế nào. Bạn biết đấy, hàng xóm có nhưng thậm chí cả năm chỉ cười chào nhau một cái, còn vào viện dưỡng lão cũng chỉ là trả tiền dịch vụ, chẳng có ai để làm vơi bớt nỗi cô đơn.”
Những năm tháng tuổi trẻ với nhiều mục tiêu nghề nghiệp, anh đều vượt qua được và thành công để ở ngoài độ tuổi 40, anh có chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng chỉ duy nhất bài toán về nỗi cô đơn trong cuộc đời, anh cảm thấy mình bất lực.
Vợ chồng anh Hideo ở Tokyo, trung tâm kinh tế lớn nhất của Nhật với điều kiện kinh tế cực tốt còn cảm thấy bi quan về tương lai như vậy, cuộc sống của những người già Nhật ở các miền quê còn đáng thương hơn.
Mới tháng trước, tại thành phố Uonuma tỉnh Niigata, người ta tìm thấy thi thể một cụ già mới chỉ ngoài 70 nổi trên mặt nước hồ.
Cụ sống ở ngôi nhà cách cái hồ đó không xa, khi cảnh sát khám nghiệm quanh hồ, người ta không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc bà bị trượt ngã, tử khi cũng không cho thấy dấu vết của sự giằng co với ai. Cảnh sát chỉ có thể kết luận đó là vụ tự tử.
Trong túi áo của bà cụ, người ta thấy ảnh của cháu bà đã lên thành phố học trước đó một năm. Khi cháu còn ở nhà, hai bà cháu rất quấn quýt với nhau, thế nhưng rồi nó cũng phải đến tuổi ra thành phố đi học và tìm việc.
Nó mới ngoài 20 tuổi và chẳng thấy tương lai gì ở thành phố buồn tẻ nơi chỉ có nghề chính là nông nghiệp và mỗi năm mất 6 tháng chìm trong tuyết không canh tác được gì. Một số người quen bà kể lại từ ngày thằng cháu ra đi, bà cứ ngày một lặng lẽ hơn, và cuối cùng khi sự cô đơn đến mức không thể chịu đựng hơn được nữa, bà đã chọn cách kết thúc cuộc sống của mình như vậy.
Nói chuyện với nhiều người Nhật khác, họ không khỏi cảm thấy hối tiếc khi mà cuộc sống hiện đại mang đến cho nước Nhật nhiều thứ, cuộc sống giàu có hơn, hiện đại hơn…nhưng con người ta cũng ngày một cô đơn hơn.
Ở khắp các miền quê cũng như khu vực đô thị của Nhật, không khó để chứng kiến những cảnh nhiều cụ già sống một mình. Viện dưỡng lão có nhiều nhưng luôn quá đông và thậm chí quá đắt đỏ so với số tiền tiết kiệm ít ỏi và các cụ có, thế nên chỉ còn cách sống ở nhà và trông vào thuốc men.
Có những người con khi lớn lên quá bận rộn với những chuyến công tác xa, du lịch dài ngày nhưng họ bỏ lại sau lưng mình những bậc cha mẹ cô đơn đến mòn mỏi. Nhiều năm không gọi điện cho bố mẹ, không biết bố mẹ mình ra sao, bố mẹ họ thậm chí còn quên cả giọng con mình.
Vậy nên mới có chuyện trong năm ngoái ở tỉnh Gunma miền Trung nước Nhật, có đến 253 trường hợp các cụ già nhận được điện thoại từ những kẻ xa lạ tự dưng là con mình đề nghị chuyển tiền vào những tài khoản ATM của chúng và các cụ đã đi chuyển. Có cụ chuyển ít, có cụ chuyển cả những số tiền rất lớn tương đương với nhiều năm tiết kiệm của mình.
Chỉ tính riêng tỉnh Gunma đã vậy, trên toàn bộ nước Nhật, quy mô những vụ lừa đảo như vậy còn lớn hơn nhiều, thậm chí có hẳn một series chương trình truyền hình về các vụ lừa đảo kiểu như này.
Nguyên nhân của tất cả những vụ lừa đảo trên là gì? Cuộc sống cô đơn quá, các cụ khao khát được con cháu hỏi han, yêu thương, và dù con chỉ gọi cho mình khi cần tiền thì các cụ cũng đã đủ xốn xang để gấp rút đi chuyển tiền cho con mà không biết rằng mình đang bị lừa.
Không ít người Nhật có hiểu biết về Việt Nam từng buồn rầu nhận xét rằng có nhiều lúc họ mong mối quan hệ trong gia đình ở Nhật được như Việt Nam ở hiện tại. Những người Nhật ở tuổi khoảng ngoài 70 nhận xét: “Khi tôi đến Việt Nam và tìm hiểu về Việt Nam lúc này, tôi thấy có những điều giống như nước Nhật thời sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đó là khi mối quan hệ gia đình còn bền chặt, cha mẹ con cái sống quây quần bên nhau, cuộc sống của người già nương tựa được nhiều hơn vào người trẻ. Giá trị đó, rất tiếc đã bị mai một rất nhiều trong cuộc sống của nước Nhật hiện đại.”
Có ai đó từng nói “Bạn không bao giờ có thể đánh giá một cuốn sách chỉ qua cái bìa của nó”. Câu này hoàn toàn đúng với bất kỳ xã hội nào, không chỉ Nhật. Nhìn từ bên ngoài, bạn thấy nước Nhật sao tiện nghi thế, hiện đại thế…nhưng đáng tiếc con người sống trong xã hội ấy ngày một cô đơn hơn.