Những mảng đối lập của hoa hậu Thu Thủy

,
Chia sẻ

Thu Thủy trẻ trung hơn trong các tấm hình trên mạng, ấn tượng hơn cả là đôi mắt đẹp trong veo. Nói năng nhỏ nhẹ, hài hước, lôi cuốn.

 Trong một khung cảnh dễ chịu, cuộc phỏng vấn cứ như một buổi chuyện trò thư thái của những người đã quen biết từ lâu.



1. Thu Thủy là con nhà nòi học thuật. Bố là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi, còn mẹ cô - Tiến sĩ Chu Bích Thu, một soạn giả từ điển ngôn ngữ. Môi trường sống từ bé của cô khá khép kín. Có lẽ chính các bậc sinh thành cũng khó tưởng tượng được con gái mình lại trở nên thành đạt trong một môi trường hoàn toàn khác, nổi tiếng, hiện đại và nhiều trải nghiệm.

1994, năm 18 tuổi, vượt qua 1.200 người, Nguyễn Thu Thủy trở thành hoa hậu. Rồi sau khi học xong năm thứ ba ở trường Ngoại Giao cô rẽ ngang sang Mỹ học Marketing. Một quyết định tới giờ vẫn còn đọng lại sự tiếc nuối trong người đẹp.

9 năm trước, khi đang mang bầu, cô bắt tay vào gây dựng sự nghiệp kinh doanh spa - dịch vụ làm đẹp. Thương hiệu xa xỉ ấy có tên là Bellissima, một từ gốc Latin mang nghĩa "đẹp, duy mỹ" với hơn nửa số khách là đàn ông trong thời điểm hiện nay. Hệ thống Beauty Salon Bellissima gồm trên 10 cửa hàng, hiện có mặt ở cả 3 miền đất nước. Đó là một niềm tự hào riêng của một người thiếu phụ nuôi con một mình.


2. Khi ly thân với chồng, 2 - 3 năm sau, cô sinh em bé thứ 2. Cô tin với sự hiểu biết và nỗ lực của mình, cô sẽ bù đắp, đảm bảo các con mình sẽ có một cuộc sống bình thường như những gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ. Hằng ngày, cô phải đối diện và giải quyết bao nhiêu chuyện một mình, từ việc nhỏ như hỏng cầu chì, sửa ti vi, đưa con đi khám... và giải quyết một núi công việc.

Khác với đi làm thuê, cô phải tự chịu trách nhiệm với công việc và sự lựa chọn của mình thay cho nhiều người, đơn độc trong việc cân nhắc giữa làm hay không làm, có hay không có.""Tôi không hỏi ai được, không có ai để chia sẻ, nhiều lúc tôi bị stress, trầm cảm vì những điều đó. Nhưng tôi chấp nhận nó như một phần cuộc sống."




3. Thu Thủy hoài cổ trong vẻ ngoài hiện đại. Cô đọc rất nhiều, theo một bản danh sách mình định sẵn rồi chiêm nghiệm với thực tế, chia sẻ với mọi người, và viết lại những suy nghĩ đó để hiểu mình hơn, để tự nâng cao khả năng nhận thức và tư duy, và tất nhiên để không mất đi cảm xúc - điều thật cần thiết để tự cân bằng.

Rồi một ngày gần đây, cô muốn viết văn. Như một sự thôi thúc tự bên trong, về những điều cô đã thấy và suy ngẫm. Một tác phẩm văn học ngắn của cô sau khi đưa lên mạng xã hội đã nhận được sự đồng thuận đến không ngờ, thậm chí có thể được là một phát hiện gây sửng sốt. Cô muốn trong vài năm tới, ngoài việc đi làm từ thiện, sẽ cho ra đời một tác phẩm vừa sức của mình.



4. Thu Thủy nói, thực ra đời người chỉ có ba câu hỏi cơ bản mà thôi: "Tôi là ai - tôi từ đâu đến - tôi đi về đâu. Tôi là một người đàn bà, một người mẹ. Con người tôi hôm nay là thành quả của toàn bộ quá khứ, và nó đang được hoàn thiện dần dần. Tôi muốn gắn bó với những thứ đã tạo nên mình. Bất hạnh nhất là không gốc gác, và tôi đang sống ngay trên nền móng đã tạo ra mình, mà nếu nhấc chân lên có lẽ là mình không còn giá trị?"
 
Nguyễn Thu Thủy vốn là một hoa hậu ít lên báo nhất. Nhưng thời gian qua cô tham gia mạng xã hội, xuất hiện nhiều trên báo chí. Cô đã để các giao tiếp xã hội can thiệp tới đời sống của mình nhiều hơn, và cảm thấy sự thú vị dội đến từ đa dạng.
 
Ở tuổi 35, là phụ nữ mà vốn dĩ được coi là đẹp đã là thích rồi, nhưng cô nghĩ mọi thứ đều qua đi thôi, cái còn lại là tình yêu thương, nhân văn, các giá trị văn hóa. "Đến tuổi này mình mới nhận ra thế. Và nhích từng chút với nó".

Vương miện hoa hậu đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời một cô gái 18 tuổi. Và đến tuổi này, cô muốn sống thoải mái hơn như mình mong muốn, cố gắng để trung thực với chính bản thân mình và tất cả.


Theo Thể thao Văn hóa
Chia sẻ